Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 8 năm 2024 | 8:4

Sau sắp xếp, Thanh Hóa sẽ có 547 đơn vị hành chính cấp xã

Mới đây, đoàn công tác liên ngành của Trung ương do ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm trưởng đoàn, có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm khảo sát hiện trạng thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của địa phương.

Theo Đề án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa; thành lập thị trấn Hà Long và thị trấn Hà Lĩnh thuộc huyện Hà Trung; triển khai sắp xếp 21 đơn vị (19 xã, 2 phường), gồm: 18 đơn vị thuộc diện sắp xếp và 3 đơn vị liền kề... tại các địa phương như: TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa...

Số ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên đề nghị chưa thực hiện sắp xếp: 128 đơn vị (123 xã, 5 phường). Số xã, thị trấn đề nghị thành lập phường là 4 đơn vị. Số xã đề nghị thành lập thị trấn là 2 đơn vị.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại TP. Sầm Sơn, sẽ thành lập xã Đại Hùng trên cơ sở nhập toàn bộ 2,11 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.054 người của xã Quảng Đại và toàn bộ 3,94km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 7.241 người của xã Quảng Hùng.

Đối với thị xã Nghi Sơn, giải thể xã Hải Yến, điều chỉnh diện tích tự nhiên và dân số của xã Hải Yến vào các phường: Mai Lâm, Tĩnh Hải, Hải Thượng, Nguyên Bình; điều chỉnh diện tích tự nhiên của phường Tĩnh Hải vào phường Mai Lâm...

Về việc thực hiện Đề án nhập huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP. Thanh Hóa, sẽ nhập toàn bộ 82,87km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 101.272 người của huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa. Sau khi nhập, tên gọi của thành phố là TP Thanh Hóa với diện tích tự nhiên là 228,22km2, quy mô dân số là 615.106 người.

Ngoài ra, TP. Thanh Hóa cũng sẽ thành lập phường Rừng Thông trên cơ sở toàn bộ 5,96km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 11.918 người của thị trấn Rừng Thông. Thành lập phường Đông Thịnh trên cơ sở toàn bộ 4,38km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 7.630 người của xã Đông Thịnh.

Thành lập phường Hoằng Quang trên cơ sở toàn bộ 6,30km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 8.954 người của xã Hoằng Quang. Thành lập phường Hoằng Đại trên cơ sở toàn bộ 4,67km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 7.491 người của xã Hoằng Đại. Sau khi nhập huyện và thành lập các phường, TP. Thanh Hóa có 47 ĐVHC trực thuộc, gồm 33 phường và 14 xã.

Tại huyện Hà Trung, thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC, huyện sẽ thành lập thị trấn Hà Long trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 48,41km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 10.969 người của xã Hà Long. Thành lập thị trấn Hà Lĩnh trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 24,09km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 10.031 người của xã Hà Lĩnh.

Sau khi thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỉnh Thanh Hóa sẽ có 26 ĐVHC cấp huyện, gồm: 22 huyện, 2 thị xã, 2 thành phố (giảm 1 huyện); 547 ĐVHC cấp xã, gồm: 452 xã, 63 phường, 32 thị trấn (giảm 11 đơn vị, trong đó, giảm 15 xã, tăng 3 phường và 1 thị trấn).

Đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác liên ngành của Trung ương đã góp ý, bổ sung và đề nghị ngành chức năng, các đơn vị liên quan của tỉnh Thanh Hóa làm rõ thêm những điều kiện, tiêu chuẩn, tác động, ảnh hưởng của việc sáp nhập, sắp xếp ĐVHC và thành lập phường, thị trấn đối với người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội; việc sắp xếp cán bộ, tài sản công dôi dư sau sắp xếp; làm rõ và bảo đảm tính thuyết phục đối với những ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên đề nghị chưa thực hiện sắp xếp; vấn đề bảo đảm các tiêu chí khi thành lập phường, thị trấn...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Đỗ Minh Tuấn trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến góp ý, bổ sung của các thành viên trong đoàn công tác liên ngành đối với việc thực hiện sắp xếp ĐVHC của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, giao ngành chức năng, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề án bảo đảm ngắn gọn, thuyết phục, thống nhất các nội dung theo quy định của pháp luật cũng như yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Ông Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh quan điểm cũng như công tác chỉ đạo quyết liệt và thể hiện quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC trên địa bàn tỉnh. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương đối với việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cũng như quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng ghi nhận sự nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025; đồng thời đề nghị tỉnh Thanh Hóa tập trung cao độ, khẩn trương bổ sung nội dung hoàn thiện hồ sơ đề án theo yêu cầu trước khi trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua; quá trình hoàn thiện hồ sơ phải bảo đảm thống nhất các thông tin, số liệu; việc thực hiện nhập và thành lập các phường, thị trấn phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top