Tỉnh Sóc Trăng đang tập trung triển khai 10 dự án lớn, tổng số vốn hơn 760 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS).
Nông thôn vùng đồng bào dân tộc ở Sóc Trăng ngày một khởi sắc.
Cụ thể, triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg (ngày 14/10/2021) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn 1, năm 2021-2025), UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch triển khai 10 dự án thành phần.
Cụ thể, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình. Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 gần 769 tỷ đồng.
Đến nay, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm thực hiện chương trình; dự kiến phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện chương trình. Đây là cơ sở giúp triển khai thực hiện chương trình kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả.
Đua ghe Ngo trở thành một hoạt động hấp dẫn không thể thiếu trong ngày Lễ hội Óoc Om Bóc truyền thống của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, đây là chương trình lớn, triển khai thực hiện lần đầu, trong triển khai thực hiện, tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa kịp thời và đầy đủ; việc phân bổ nguồn vốn vào thời điểm giữa năm là chậm nên sẽ gặp khó trong giải ngân nguồn vốn. Tuy nhiên, xác định mục tiêu, yêu cầu và ý nghĩa của chương trình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Hiện UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, cơ chế quản lý triển khai thực hiện chương trình; thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc. Tính đến thời điểm này, công tác triển khai thực hiện chương trình trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu, kế hoạch đề ra.
Để triển khai có hiệu quả chương trình trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030, các chương trình, dự án chính sách dân tộc đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp cho đồng bào DTTS phát triển sản xuất, ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tập trung triển khai có hiệu quả các dự án, chính sách thuộc chương trình, phối hợp lồng ghép với các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh như: chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong triển khai thực hiện các dự án, chính sách dân tộc.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương để kịp thời phát hiện và uốn nắn những sai sót trong quá trình thực hiện. Đồng thời, nhân rộng và khen thưởng những mô hình mới, cách làm hiệu quả. Thực hiện tốt công tác đánh giá sơ kết, tổng kết và đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS. Thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội của đồng bào DTTS, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia sinh hoạt, tạo không khí phấn khởi, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào DTTS.
Cao Xuân Lương