Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 11 năm 2022 | 10:54

Sơn La sau 70 năm chiến thắng Tây Bắc năm 1952

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc năm 1952 có ý nghĩa quan trọng về quân sự và chính trị.

Phát huy truyền thống cách mạng, Sơn La cùng cả nước đã và đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng nông thôn mới và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...

Chiến thắng oanh liệt, tạo thế và lực cho quân và dân ta

Phát huy kết quả của Chiến dịch Hòa Bình, với quyết tâm không cho địch rảnh tay bình định, củng cố thế chiếm đóng của chúng ở đồng bằng và trung du, đặc biệt là chiến trường chính Bắc Bộ, cùng với lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân bước vào cuộc chỉnh huấn về chính trị, quân sự, về tổ chức, biên chế và hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng trong bộ đội chủ lực, Trung ương Đảng đã chỉ đạo Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh (BTTL) hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến trong Thu-Đông 1952, trong đó xác định hướng tiến công chính là vùng Tây Bắc.

Căn cứ vào thế và lực giữa địch, ta trên chiến trường, đầu tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, nhằm mục đích: “Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc - giải phóng một phần đất đai”.

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cộng sự nghiên cứu sa bàn chuẩn bị đánh đồn Nghĩa Lộ trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. (Ảnh tư liệu)

Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: Các Đại đoàn bộ binh 308, 312, 316, hai Đại đoàn 320, 304 hoạt động ở vùng sau lưng thuộc Liên khu 3. Chiến dịch được chuẩn bị chu đáo và diễn ra với 3 đợt chiến đấu quyết liệt. Đợt 1: Từ ngày 14 đến 23/10/1952, quân ta tiến công phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên, đập tan toàn bộ phòng tuyến vành ngoài của địch từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai. Đợt 2: Từ ngày 7 đến 22/11/1952, ta vượt sông Đà, tiến công hệ thống phòng ngự của địch trên cao nguyên Mộc Châu, buộc địch ở thị xã Sơn La rút chạy về Nà Sản. Đợt 3: Từ ngày 30/11 đến 10/12/1952, ta tiến công Nà Sản và sau đó căn cứ tình hình thực tế đã kết thúc chiến dịch. 

Sau 2 tháng mở chiến dịch, ta đã diệt, bắt sống và làm bị thương trên 6.000 tên địch. Nhiều tiểu đoàn, đại đội thuộc các binh đoàn cơ động của địch bị xóa sổ. Âm mưu củng cố “Xứ Thái”, “Xứ Nùng tự trị” của Pháp bị thất bại hoàn toàn. Tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía Tây tỉnh Yên Bái rộng 28.500km2 với 25 vạn dân được giải phóng.

Chiến thắng Tây Bắc 1952 là một trong những chiến thắng oanh liệt, có ý nghĩa chiến lược làm chuyển biến cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta, góp phần tạo thế và lực mới, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

Một góc thành phố Sơn La hôm nay.

Sơn La cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới

Sau 70 năm thắng lợi chiến dịch Tây Bắc, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều thành tích về kinh tế, văn hóa, xã hội. Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm; mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 204/204 xã có trạm y tế; 89,71 % trạm y tế xã có bác sĩ; 92,1% dân số tham gia bảo hiểm y tế; số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 8,6 bác sĩ; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 29,6 giường bệnh; có 179/204 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 87,7%.

Chè được xác định là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân ở tỉnh Sơn La.

Nền kinh tế đạt nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với thị trường và phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh; các ngành, các vùng, các thành phần kinh tế đều có bước phát triển. Trong 5 năm (2016-2020) tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân ước tăng 5,46%/năm. Quy mô kinh tế tăng mạnh, ước thực hiện năm 2020, tổng sản phẩm GRDP (theo giá hiện hành) đạt 56.009 tỷ đồng, tăng 1,54 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 44,2 triệu đồng/người/năm, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2015.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng. Tỷ trọng trong GRDP: Khu vực dịch vụ tăng từ 37,2% năm 2015 lên 39,1% năm 2020; công nghiệp - xây dựng tăng từ 29,9% năm 2015 lên 30,3% vào năm 2020. Riêng năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá hiện hành năm 2021 ước đạt 58.055 tỷ đồng, tăng 3,65% so với năm 2020. 9 tháng đầu năm 2022 tốc độ tăng trưởng GRDP được duy trì ở mức khá.

Cà phê là một trong những cây công nghiệp chủ lực, thúc đẩy kinh tế tỉnh Sơn La phát triển.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ tỉnh Sơn La đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Kinh tế của tỉnh luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá; các ngành, các vùng, các thành phần kinh tế phát triển tương đối toàn diện; các nguồn lực để đầu tư phát triển được khai thác và phát huy ngày càng có hiệu quả, tạo ra được nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng, mở ra thế và lực mới cho sự phát triển. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng đều qua hàng năm; tiếp tục triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến nay toàn tỉnh có 83 sản phẩm (trong đó: 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 31 sản phẩm đạt 4 sao; 51 sản phẩm đạt 3 sao).

Đặc biệt, chỉ trong chưa đầy 10 năm gần đây, Sơn La nổi lên là miệt vườn lớn của cả nước, trở thành hình mẫu cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và mối liên kết có trách nhiệm giữa nhà nông, nhà vườn và doanh nghiệp. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tập trung khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về thủy điện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt đến hết năm 2021 ước đạt 98%; trong đó tỷ lệ hộ được sử dụng điện sinh hoạt an toàn đạt 97,1%.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đặt ra mục tiêu tiếp tục duy trì thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới; 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới; 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 15 tiêu chí; 41 bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 17 bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (thuộc các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới).

Đường phố trung tâm TP. Sơn La tưng bừng cờ và hòa mừng kỷ niệm ngày chiến thắng Tây Bắc.

Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, ngành nghề và thị trường. Tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2021 ước đạt 161,2 triệu USD. Các vùng kinh tế hình thành rõ nét theo hướng phát huy lợi thế. Vùng kinh tế động lực dọc Quốc lộ 6 đã phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, định hình được kinh tế đô thị, phát triển mạnh dịch vụ, du lịch, các cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu chế biến nông sản hàng hóa tập trung, rau, hoa chất lượng cao.

Vùng lòng hồ thủy điện trên địa bàn Sơn La thuộc 3 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mường La, với diện tích gần 4.000 km2. UBND tỉnh Sơn La vừa có quyết định lập Đề án định hướng phát triển Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành Khu du lịch quốc gia.

Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai cuộc di dân tái định cư để phục vụ xây dựng hai công trình thủy điện lớn của đất nước: Thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La. Riêng thủy điện Sơn La, đã di chuyển 12.584 hộ với 54.282 nhân khẩu của ba huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu đến nơi ở mới. Vùng tái định cư các công trình thủy điện cơ bản được đầu tư đồng bộ, khoa học và công tác khuyến nông được triển khai tích cực; đời sống và sản xuất của nhân dân vùng tái định cư từng bước ổn định, nội bộ đoàn kết thống nhất, thu nhập bình quân của các hộ tái định cư đạt 1,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với thời điểm trước khi chuyển dân chỉ đạt 0,34 triệu đồng/người/tháng.

Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng tỉnh Sơn La, toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La luôn phát huy truyền thống đoàn kết, phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân. Ra sức thi đua lao động sản xuất, công tác và học tập; thực hành tiết kiệm; đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đồng tâm, nhất trí, nêu cao ý chí tự lực tự cường, năng động, sáng tạo, thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế, xã hội được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đề ra.

 

Văn Vũ
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top