TP.HCM thường xuyên thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch như cắt cỏ, vớt rác, lục bình, nạo vét bùn để khơi thông dòng chảy đối với các tuyến kênh rạch trên địa bàn.
Trên địa bàn TP.HCM có khoảng 3.056 tuyến kênh rạch. UBND TP đã phân cấp cho các sở và UBND quận, huyện quản lý, khai thác các tuyến này. Theo đó, các đơn vị có liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy ở các tuyến kênh rạch nói trên.
Xử lý các công trình lấn chiếm hành lang kênh
Nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trên các tuyến sông, kênh rạch, các sở, ban ngành cũng như các địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp.
Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM), thời gian qua huyện đã chỉ đạo tăng cường giám sát, kiểm tra xử lý các cơ sở sản xuất có phát sinh nước thải công nghiệp xả thải ra hệ thống sông, kênh rạch trên địa bàn.
Qua phối hợp kiểm tra, có 4/4 khu công nghiệp, tiểu khu công nghiệp trên địa bàn huyện đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động. Kết quả đánh giá chất lượng xử lý nước thải sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm quan trắc và phân tích môi trường - Chi cục Bảo vệ môi trường để giám sát trực tuyến và xử lý vi phạm (nếu có).
Huyện Bình Chánh thực hiện thu dọn rác thải để giảm ô nhiễm ở các tuyến rạch. Ảnh: TK
Ngoài ra, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện các giải pháp công trình nhằm khắc phục, cải thiện chất lượng nước mặt tại 33 tuyến sông, kênh rạch bị ô nhiễm trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện đã thực hiện và hoàn thành 16/33 công trình; 6/33 công trình đang thi công nạo vét; 11/33 công trình đang lập thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”. Đồng thời huyện sẽ cải thiện chất lượng nguồn nước các tuyến sông, kênh rạch bị ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, để ngăn chặn, hạn chế lan rộng vùng ô nhiễm, giảm ô nhiễm nước, TP đã thực hiện công tác quy hoạch. Trong đó, TP thực hiện nội dung chỉnh trang, tái thiết đô thị như cải tạo các khu dân cư xuống cấp; di dời các hộ dân sống trên sông, kênh rạch.
Thời gian qua TP.HCM còn thường xuyên thực hiện các chương trình, kế hoạch như cắt cỏ, vớt rác, lục bình, nạo vét bùn, khơi thông dòng chảy đối với tuyến kênh rạch trên địa bàn. Song song thực hiện xử lý công trình vi phạm lấn chiếm hành lang, lòng sông, kênh rạch nhằm cải thiện chất lượng nước mặt trên địa bàn.
Lắp camera xử lý vi phạm về môi trường
Theo Sở TN&MT TP.HCM, từ năm 2019, TP đã triển khai thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ TP.HCM về cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”.
Theo đó, TP ghi nhận đã nhắc nhở 10.375 trường hợp vi phạm về vệ sinh công cộng, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 13.501 trường hợp với số tiền hơn 25,8 tỉ đồng. UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cũng đã khảo sát và lắp đặt 37.871 camera an ninh kết hợp giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị.
Để chuẩn hóa cơ sở pháp lý trong xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, UBND TP đã có công văn chỉ đạo UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera, phương tiện ghi hình để làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn TP.
Hiện nay, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã giao UBND phường, xã, thị trấn sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera, phương tiện ghi hình để làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính về môi trường. Đồng thời, địa phương cũng giao các phòng, ban, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan thực hiện giám sát, tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường của các tổ chức, cá nhân, hộ dân theo đúng quy định pháp luật.•
TP.HCM đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, TP hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, chủ yếu là dự án sử dụng vốn ngân sách, dự kiến nhu cầu vốn là 18.073 tỉ đồng. Các dự án được chia thành hai nhóm:
Nhóm 1: Di dời 3.220 căn nhà. Trong đó có ba dự án trong nhóm này gồm: Cải tạo rạch Xuyên Tâm qua địa bàn quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, với quy mô di dời 2.196 căn nhà; cải tạo kênh Hy Vọng, quận Tân Bình, với quy mô di dời 190 căn nhà; cải tạo rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh, với quy mô di dời 834 căn nhà.
Nhóm 2: Di dời 3.250 căn nhà. Nhóm này có 14 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, tám dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư công, sáu dự án đã phê duyệt dự án bồi thường (nay chuyển tiếp và tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021-2025).
Phải xử lý nước thải, quản lý thống nhất
Từ thực tế trên, giải pháp cần làm là nước thải từ các công ty, xí nghiệp... phải được xử lý đạt chuẩn trước khi đổ ra kênh, rạch. Đồng thời, chính quyền thành phố phải xử lý được tình trạng xả rác bừa bãi, nhất là xả rác vào kênh rạch và cống thoát nước.
Một vấn đề nữa là thực trạng ô nhiễm trên kênh rạch rất khó xác định ranh giới quản lý và trách nhiệm người đứng đầu. Một tuyến kênh dài thông thường sẽ chảy qua nhiều quận, huyện. Tuy nhiên, rác và nước thải theo dòng chảy đó lại không dừng lại một điểm.
Từ đó, trong thực tế sẽ xảy ra tình trạng nơi đầu nguồn nước quản lý lỏng lẻo, để người dân xả rác hoặc nước thải bừa bãi nhưng tác hại ô nhiễm lại thuộc về những quận, huyện phía cuối nguồn nước. Vì vậy, cần phân định rạch ròi hơn trách nhiệm của cư dân tại các quận huyện về vấn đề bảo vệ môi trường cho các dòng kênh và trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương.
Chỉ khoảng 15% nước thải đô thị được thu gom và xử lý; việc kiểm soát các nguồn thải ra kênh, rạch... hầu như chưa được khắc phục - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Như vậy, để các dòng kênh trở thành một lợi thế nhằm cải thiện môi trường, phát triển giao thông, du lịch… bên cạnh việc phải cải tạo lại dòng kênh thì vấn đề nước thải phải được xử lý triệt để.
Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch, khắc phục trình trạng thiếu đồng bộ có nhà máy nhưng chưa có hệ thống cống thu gom nước thải và ngược lại. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong câu chuyện bảo vệ môi trường cũng như quản lý thống nhất hệ thống sông kênh rạch.
Thiết nghĩ, việc tổ chức và quản lý hệ thống kênh rạch là nghệ thuật kết hợp giữa ba yếu tố: tự nhiên, nhân tạo và con người nhằm tạo ra một không gian hài hòa và hợp lý cho người sử dụng và đảm bảo về mặt môi trường. Nếu có sự quyết tâm thay đổi, chúng ta sẽ góp phần rất lớn cho quá trình phát triển và bảo vệ hệ thống kênh rạch thành phố.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.