Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 20 tháng 7 năm 2023 | 17:45

TP.HCM chống tái ô nhiễm kênh rạch

TP.HCM đang nỗ lực giải bài toán chống tái ô nhiễm kênh rạch trước tình trạng nhiều con kênh sau một thời gian được cải tạo đang có nguy cơ ô nhiễm nặng trở lại do rác.

Ước tính mỗi ngày khoảng 16 tấn rác

Hàng chục năm qua, nhiều tuyến kênh lớn ở TP.HCM như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé đã được TP.HCM chi hàng chục ngàn tỷ đồng để cải tạo vệ sinh môi trường nước, chỉnh trang đô thị hai bên bờ kênh. Các dự án này đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị của thành phố, nâng chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tuyến kênh sau nhiều năm cải tạo đã ô nhiễm trở lại.

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau thời gian cải tạo với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, lòng kênh và cảnh quan hai bên bờ kênh đã thay đổi hẳn, tuy nhiên, đến nay, sau bảy năm, kênh này đã có dấu hiệu tái ô nhiễm khi ngập đầy rác sinh hoạt của người dân.

Công nhân nạo vét và vớt rác tích tụ trên rạch Song Tân ở quận 7, TPHCM.

Rác thải trên các tuyến kênh này chủ yếu là lục bình và rác thải sinh hoạt (túi ni lông, chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt), thậm chí, còn có xác động vật, nhiều loại rác thải cồng kềnh như tủ, nệm, giường, ghế sofa, thùng nhựa...

Các kênh khác như Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tẻ… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Theo thông tin từ Phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - đơn vị thực hiện vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tân Hóa - Lò Gốm, ước tính mỗi ngày, đơn vị này vớt khoảng 16 tấn rác gồm lục bình và rác sinh hoạt của người dân.

Sử dụng camera kiểm soát, xử phạt nghiêm người xả rác ra kênh

Ngoài những nỗ lực của các đơn vị hằng ngày vớt rác trên kênh, để giảm tình trạng xả rác xuống các tuyến kênh, các địa phương cũng như UBND thành phố đã có nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường, giảm xả thải ở các tuyến sông, kênh rạch. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng vứt rác xuống sông, kênh rạch.

Về việc vứt rác thải ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Đại diện UBND quận 6 cho biết, nhiều hộ dân sống ven kênh rạch còn thiếu ý thức, thường xuyên đổ rác không đúng nơi quy định, thậm chí đổ luôn xuống kênh. Ngoài ra, cũng có trường hợp người dân địa phương khác đến đổ rác ở một số kênh trên địa bàn.

Thời gian qua, ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân không thải bỏ rác xuống kênh rạch, quận 6 cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như tuần tra, giám sát và xử lý những trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định.

Quận có hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời qua nhóm Zalo liên quan đến công tác bảo vệ môi trường của quận và từng địa phương. Bên cạnh đó, trang bị camera giám sát kết hợp với an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Thời gian tới, quận sẽ đẩy mạnh công tác này để kéo giảm tình trạng đổ rác xuống các kênh rạch…

Còn tại quận 1, đại diện lãnh đạo quận 1 cho biết, thời gian qua, quận 1 cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn việc xả rác ra đường và kênh rạch.

UBND quận đã giao UBND 10 phường thực hiện tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả ý kiến phản ánh của người dân qua tin nhắn, các kênh tương tác trực tuyến, thư điện tử về tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch trên địa bàn phường. Đồng thời, UBND các phường cũng phối hợp với công an tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát, ngăn chặn không để tái lặp tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định.

Để giảm tình trạng xả rác xuống kênh rạch, nhiều địa phương đã đẩy mạnh biện pháp xử phạt hành chính hành vi xả rác không đúng nơi quy định bằng cách trích xuất hình ảnh từ các camera.

Mới đây, UBND TP.HCM cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện chủ động phối hợp với Sở GTVT và Sở Xây dựng rà soát, dự báo lượng rác phát sinh tại các khu vực công cộng để kịp thời điều chỉnh.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện và TP. Thủ Đức cần đẩy mạnh biện pháp xử phạt hành chính bằng cách trích xuất hình ảnh từ các camera trên địa bàn để tăng tính răn đe. Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để đề xuất phương án bố trí, sử dụng nguồn kinh phí thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường để chi bồi dưỡng phụ cấp cho các lực lượng tại địa phương tham gia ngăn chặn các hành vi xả rác, đổ rác không đúng nơi quy định.

Được biết, UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai và giám sát việc thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố xanh, sạch và thân thiện với môi trường năm 2023”.

Theo đó, UBND thành phố đặt chỉ tiêu trong năm 2023, các địa phương phải thực hiện và duy trì 100% phường, xã, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn để tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để cải thiện vấn đề môi trường cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc đầu tư các công trình xử lý rác, nước đạt chuẩn phải song song với xây dựng các chế tài đủ mạnh, làm quyết liệt.

Bất cứ khu vực nội ngoại thành, trung tâm thương mại, khu công nghiệp đều phải ban hành quy ước ứng xử với môi trường tự nhiên và không xả rác. Quy ước đặt ra đi kèm theo hình phạt cụ thể, bắt buộc phải tuân thủ.

Hình thức chế tài phải mang tính răn đe cao, áp dụng mức phạt gấp nhiều lần và thậm chí lên đến hàng chục lần chi phí xử lý nước thải.

Tổ chức hoặc cá nhân vi phạm phải bồi thường thiệt hại gây ra, đồng thời nộp lại số lợi do vi phạm. Bổ sung các trường hợp tái phạm sẽ bị rút giấy phép hoạt động, xử lý hình sự đối với đối tượng vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Công nhân xử lý rác tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Ở ngoại thành tùy khoảng cách và điều kiện phù hợp có thể xây bể chứa rác trên cánh đồng và nơi nhiều người qua lại như nút giao, ngã ba, ngã tư, khu sinh hoạt cộng đồng.

Những ai có đồ gia dụng hư hỏng không còn sử dụng, rác thải cần vứt đi thì mang đến bỏ vào bể chứa rác để đơn vị thu gom xử lý theo quy trình, không vứt ra môi trường tự nhiên. Đã đến lúc sử dụng công nghệ hiện đại xử lý rác bằng cách tái chế, tiêu hủy nhanh lượng rác lớn đến hàng chục ngàn tấn.

Về nhân lực, phường, xã nào cũng nên lập những nhóm thanh niên tình nguyện thu gom rác điện tử, rác nhựa tại nhà dân, vừa tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng vừa tuyên truyền ý thức tự giác phân loại rác tại nhà, đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định.

Tại địa phương, trên đường phố, khu vực công cộng đều có thể huy động công an khu vực, lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ tham gia. Ở các chung cư có thể sử dụng nhân sự ban quản lý, bảo vệ, đại diện cư dân tham gia công tác đảm bảo vệ sinh chung.

Cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa, xử lý xả rác, bảo vệ môi trường. Nhất thiết hoàn thành hệ thống thu gom, xử lý nước thải càng sớm càng tốt.

Ví dụ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải kịp đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải. Đây là vấn đề quan trọng giúp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nước, cá chết dưới kênh.

Bảo vệ môi trường nếu chỉ tuyên truyền suông chưa đủ, khó thuyết phục những thói quen cố hữu. Cơ quan chức năng, quản lý nhà nước cần thiết kế hệ thống kiểm soát theo cơ chế đặc thù, phù hợp thực tế, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác bừa bãi.

 
 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top