Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 3 năm 2023 | 10:37

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm

Với thời tiết hiện nay đang là điều kiện lý tưởng để cho các dịch bệnh cúm gia súc, gia cầm phát triển mạnh, nếu không có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn, dịch bệnh có thể lây lan trở thành dịch lớn. Thiệt hại không hề nhỏ cho người chăn nuôi khi đàn gia súc, gia cầm mắc bệnh.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn ngừa dịch bệnh

Nghệ An có hàng trăm km đường biên giới trên bộ giáp với nước bạn Lào, có nhiều cửa khẩu và đặc biệt có nhiều đường mòn tự phát được mở, vì thế, các hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép vào địa bàn, đặc biệt là gia cầm và sản phẩm gia cầm thường xuyên diễn ra, gây không ít khó khăn trogn quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Gia súc được nhiều hộ dân miền núi Nghệ An nuôi thả tự do trong rừng và trong vườn nhà, trong khu dân cư (ảnh tư liệu).

Thực hiện Công điện khẩn số 1030/CĐ-BNN-TY, ngày 26/2/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam và Công văn số 883/BNN-TY, ngày 21/2/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển… để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép vào địa bàn, đặc biệt là gia cầm và sản phẩm gia cầm. Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các địa phương cấp xã khẩn trương rà soát, đăng ký nhu cầu vaccine; tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân 2023 đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm, đặc biệt là đối với các bệnh nguy hiểm, như viêm da nổi cục, cúm gia cầm, lở mồm long móng…

Tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, đôn đốc phòng, chống dịch bệnh động vật và công tác tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm năm 2023, kịp thời tháo gỡ vướng mắc tại cơ sở. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cập nhật, báo cáo dịch bệnh qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS) theo đúng quy định; hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi, vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay đàn trâu có khoảng 266.882 con, đàn bò 520.971 con, lợn có khoảng 958.318 con và đàn gia cầm các loại có hơn 33,3 triệu con.

Thời gian gần đây, do diễn biến phức tạp của thời tiết, nên nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại một số địa phương trong tỉnh, như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi là rất cao.

Từ ngày 7/2/2023 đến nay đã xảy ra một ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại thành phố Vinh, tổng số gia cầm tiêu hủy là 4.192 con vịt; một ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Quế Phong. Đầu năm 2023 đến nay đã có 155 con lợn bị chết, tiêu hủy.

Một trong những biện pháp để giảm thiểu và không cho dịch bệnh lây lan, đó là kiểm tra, kiểm soát thường xuyên để bắt giữ các vụ vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ. Để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm và vật nuôi, các trường hợp vi phạm cần phải được xử lý nghiêm minh, thu giữ và tiêu hủy ngay gia súc gia cầm không rõ nguồn góc xuất xứ tại nơi thu giữ, không cho xâm nhập vào nội địa. Có như vậy nền chăn nuôi của chúng ta mới được bảo vệ an toàn.

Cải tạo lại đầm nuôi tôm để đầu tư thâm canh

Lựa chọn để đảm bảo vụ nuôi xuân - hè thắng lợi, cho năng suất tốt, nhiều chủ đầm nuôi tôm tại Hà Tĩnh đã đầu tư hàng tỷ đồng nâng cấp hệ thống hạ tầng ao đầm theo hướng thâm canh, công nghệ cao.

Trên diện tích hơn 1,2 ha, anh Nguyễn Viết Khánh (xã Đan Trường, Nghi Xuân) vừa đầu tư gần 3 tỷ đồng nâng cấp khu nuôi tôm thẻ chân trắng. Các ao nuôi được cải tạo, lắp đặt mái che để đảm bảo hạn chế ảnh hưởng của môi trường đến sự phát triển của tôm.

Người nuôi tôm huyện Lộc Hà đầu tư chuyển từ làm ao vuông, lót bạt, không có mái thành ao tròn, đáy nổi, có mái che bằng lưới.

Anh Khánh cho biết: "Sau nhiều năm nuôi tôm bằng hình thức lót bạt, mình cảm thấy cần phải chú trọng đầu tư hơn về công nghệ nhằm giảm thiểu dịch bệnh phát sinh, nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích. Hệ thống này có thể giúp tôm nhanh lớn trong mùa nắng nóng nhờ nhiệt độ ở ngưỡng thuận lợi và giảm thiểu được tối đa rủi ro dịch bệnh khi thời tiết chuyển mùa, kỳ vọng đưa năng suất đạt khoảng 2 - 2,5 tấn/ao/vụ (tăng 20 - 30% so với trước đây). Đợt nuôi đầu tiên trong vụ tôm xuân - hè, chúng tôi dự kiến sẽ thả nuôi hơn 30 vạn con giống”.

Ông Nguyễn Văn Mại - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Quý (xã Hộ Độ, Lộc Hà) cho biết: “Với diện tích hơn 32 ha của 11 hộ tham gia, chúng tôi dự kiến sẽ thả nuôi đợt đầu với số lượng từ 4-5 triệu con giống. Hiện nay, người nuôi đang huy động nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao khi thời tiết nắng ấm lên. Nguồn giống đã được đặt hàng, có sẵn tại công ty, chỉ chờ xử lý môi trường xong là các thành viên của HTX sẽ tiến hành thả nuôi theo lịch thời vụ. Riêng nhà tôi, vào khoảng giữa tháng 4 sẽ xây dựng hệ thống bể vuông đáy nổi, có mái che bằng lưới với giá trị gần 1 tỷ đồng để phát triển nuôi tôm thâm canh công nghệ cao”.

Cán bộ chuyên môn của Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra mẫu nước tại các vùng nuôi tập trung.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Phan Công Toàn cho biết: “Địa phương tập trung phát triển đối tượng chủ lực là tôm, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao; chú trọng chỉ đạo thực hiện xây dựng tốt các mô hình nuôi thâm canh, có quy mô liền vùng, liền ao tối thiểu 0,5 ha/tổ chức, cá nhân và được hỗ trợ kinh phí vỗ cứng bờ ao (mức hỗ trợ 50 - 100 triệu đồng/tổ chức, cá nhân) theo Nghị quyết 105/NQ-HĐND của HĐND huyện về một số chính sách thực hiện Đề án khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2023. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi Ngọn Rào - Kỳ Thư, Đập Lội - Kỳ Thọ”.

Vệ sinh ao hồ trước vụ nuôi là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế sự phát sinh của dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết, Tỉnh tập trung chỉ đạo tăng năng suất trên một đơn vị diện tích bằng các giải pháp: áp dụng quy trình nuôi tiên tiến; nâng cấp ao đầm nuôi bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; đầu tư xây dựng bể, ao ương để ương dưỡng giống trước khi thả nuôi ít nhất 20 ngày. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt các mô hình nuôi an toàn sinh học theo hướng Vietgap, quy trình nuôi tôm hạn chế hóa chất...

Tổ chức hướng dẫn, khuyến cáo sử dụng giống tốt, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, mùa vụ thả nuôi, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật; tăng cường công tác quản lý môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; quản lý cộng đồng các vùng nuôi tập trung gắn với sản xuất theo chuỗi, có kế hoạch tiêu thụ thống nhất toàn vùng để tránh tư thương ép giá.

Vừa qua có rất nhiều đầm nuôi thủy hải sản bị chết hàng loạt, nguyên nhân được các cơ quan chức năng đưa ra đó là do mật độ nuôi  quá dày, chất thải không được xử lý tốt dẫn đến ô nhiễm môi trường. Vì thế cải tạo lại đầm nuôi tôm nói riêng và nuôi thủy hải sản khác nói chung rất cần phải được chú trọng, vừa đảm bảo môi trường trong sạch cho thủy, hải sản nuôi phát triển tốt, vừa làm cho hải sản được nuôi ở đây đạt được sản lượng, chất lượng và giá trị cao, đem lại cho người chăn nuôi thủy hải sản một nguồn thu lớn.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top