Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024 | 14:15

Tăng trưởng Xanh: Cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực

Với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường…, các doanh nghiệp FDI đóng vai trò tiên phong, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước thực hiện mục tiêu Chiến lược Tăng trưởng Xanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, không chỉ về số lượng, khu vực FDI có những đóng góp quan trọng góp phần cải thiện chất lượng của nền kinh tế Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Tại Việt Nam, Tăng trưởng Xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.”

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2024.

Cơ hội lớn trong Tăng trưởng Xanh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng Tăng trưởng Xanh, bền vững là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu được mọi quốc gia đang hướng tới với sự thịnh vượng về kinh tế-bền vững về môi trường-công bằng về xã hội.

Vị tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết nhận thức được tầm quan trọng của Tăng trưởng Xanh đối với tương lai đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược này xác định rõ Tăng trưởng Xanh là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn. 

Theo ông, Tăng trưởng Xanh phải lấy con người làm trung tâm, dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, Chuyển đổi Số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.

Trong quá trình đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt với thế mạnh về vốn, công nghệ, quản trị, mạng lưới, thị trường…, các doanh nghiệp FDI phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng doanh nghiệp trong nước thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Tăng trưởng Xanh. 

Ông Dũng nhìn nhận những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào mục tiêu Tăng trưởng Xanh (như sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, đầu tư những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu khí thải, thực hiện ESG…). 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với tiềm năng, vị thế địa kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn trong Tăng trưởng Xanh để có thể chuyển mình, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, đi tắt đón đầu và tạo đà cho một bước nhảy vọt về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Định hướng Tăng trưởng Xanh chính là “chìa khóa” đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (giai đoạn 2021-2030). Điều này cũng tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững ở quy mô toàn bộ nền kinh tế cũng như ở cấp độ doanh nghiệp.

“Với ý nghĩa đó, việc lựa chọn chủ đề 'Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh' cho Hội nghị lần này đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Chính phủ Việt Nam cũng như vai trò đặc biệt quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI trong triển khai Tăng trưởng Xanh. Điều này giúp hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về giảm cường độ phát thải khí nhà kính, Xanh hóa các ngành kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình Chuyển đổi Xanh trên nguyên tắc bao trùm, bình đẳng, đồng lợi ích, nâng cao năng lực chống chịu và không để ai bị bỏ lại phía sau,” lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Đảm bảo “sức khỏe” của hành tinh

Ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia IFC, Phụ trách khu vực Mekong nhấn mạnh nếu không thay đổi sớm, Việt Nam sẽ phải tăng tốc và nỗ lực tăng cường khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu đồng thời cải thiện tính bền vững để đạt được mục tiêu kép là trở thành quốc gia có tỷ lệ cao nhất vào năm 2045 và đạt mức 0 ròng vào năm 2050. Trong khi đó, nhu cầu tài chính để đạt được mục tiêu trên là rất lớn, ước tính gần 7% GDP mỗi năm và riêng năm 2040 sẽ cần khoảng 368 tỷ USD. Một nửa số tiền này sẽ đến từ khu vực tư nhân.

Theo đó, ông Thomas nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng với những lợi thế về công nghệ mới, ý tưởng và kinh nghiệm thực tiễn mới để hỗ trợ các chiến lược hướng tới Xu hướng Xanh.

Bên cạnh đó, Giám đốc quốc gia IFC cho rằng việc thích ứng với biến đổi khí hậu là không có ranh giới mà tất cả đều có vai trò: Từ nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngân hàng và doanh nghiệp trong nước, cơ quan quản lý và Chính phủ. Do đó, chiến lược Tăng trưởng Xanh phải gắn liền với chính sách quản lý xã hội và môi trường hiệu quả, nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững và từ đó góp phần tạo việc làm cùng tăng trưởng toàn diện.

Cụ thể hơn, ông Nitin Kapoor-Đồng chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch kiêm TGĐ AstraZeneca Việt Nam cho rằng Tăng trưởng Xanh đồng nghĩa với đảm bảo “sức khỏe” của hành tinh, hạnh phúc của cộng đồng cũng như xây dựng các doanh nghiệp bền vững. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra bối cảnh hiện nay với môi trường cạnh tranh đánh dấu bằng thương mại, phân chia địa lý và căng thẳng địa chính trị. Vì vậy, Việt Nam cần có một hệ thống pháp luật với những chính sách mạnh mẽ, đáng tin cậy, bền vững và cơ sở hạ tầng cùng lực lượng lao động tốt. Điều này là rất cần thiết để vận hành suôn sẻ và thu hút đầu tư liên tục.

Theo ông Nitin Kapoor, các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng đưa thế giới đến một nơi tốt đẹp hơn, trong đó chú ý đến “cách ảnh hưởng” tới hành tinh và con người - Hướng đến sự công bằng và suy nghĩ cho tương lai. 

Năm 2024 được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021-2025. Chính phủ đã xác định chủ đề năm nay là “kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” và đưa ra 6 quan điểm trọng tâm chỉ đạo điều hành cùng 12 nhiệm vụ quan trọng, trong đó có thúc đẩy mạnh mẽ Chiến lược Tăng trưởng Xanh. 

Trên cơ sở đó, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), cho biết chủ đề VBF năm nay nhằm khẳng định về những hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, thể hiện sự ủng hộ và sẵn sàng cùng Chính phủ hiện thực hoá các mục tiêu tăng trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, ông Công nhấn mạnh mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050, thể hiện cam kết chính trị và quyết tâm rất lớn của Chính phủ Việt Nam trong chuyển đổi nền kinh tế, góp phần giải quyết thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu. Và, VBF là dịp để cộng đồng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đề xuất các giải pháp hiện thực mục tiêu này.

Không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"

Tham dự Hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024), với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, mục tiêu chiến lược của Việt Nam là phấn đấu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập Nước) là nước phát triển, có thu nhập cao. 

Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030. Kết quả năm 2024 phải tốt hơn năm 2023 như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Mục tiêu tổng quát của năm 2024 là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Thủ tướng đề nghị và mong muốn các doanh nghiệp FDI tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về 5 yếu tố: Nguồn vốn, thể chế, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cần phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có khu vực FDI. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; đồng thời không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Sử dụng phương thức tiếp cận toàn dân, toàn cầu, toàn diện trên tinh thần "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ". 

Chia sẻ quan điểm tăng trưởng xanh, Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi (cùng với chuyển đổi số) của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.

Kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh"; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, đây là xu thế tất yếu và là mục tiêu của mọi quốc gia, là một động lực tăng trưởng mới; không quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình này.

Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Việt Nam đã cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)…

Việt Nam ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII…

Việt Nam đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL; triển khai Kế hoạch "Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030", đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt 1 triệu ha, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai…

 

 

Theo Vietnam+/baochinhphu
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top