Hiện nay, tăng trưởng xanh (TTX) là xu hướng tiếp cận mới trong phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Theo đánh giá, tăng trưởng xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên.
Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có rất nhiều tiềm năng về phát triển các lĩnh vực kinh tế xanh - Ảnh: VGP/MT
Nỗ lực của Việt Nam
Là một nước đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và châu Á, Việt Nam đang là địa chỉ thu hút các nhà đầu tư trên thế giới vào thị trường năng lượng xanh của Việt Nam. Đồng thời, nông nghiệp đang là một ngành có thế mạnh của Việt Nam với những con số ấn tượng về xuất khẩu gạo, cà phê, nông sản, thực phẩm trên thị trường thế giới cho thấy Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về thị trường sản xuất, mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh theo mô hình kinh tế tuần hoàn của các thị trường khó tính.
Nhận thức được tầm quan trọng của TTX tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã và đang triển khai và cụ thể hóa TTX thông qua "Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050".
Cụ thể, ngay từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 nêu ra 3 nhiệm vụ trọng tâm là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Xanh hoá sản xuất; thực hiện một chiến lược công nghiệp hoá sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh. Xanh hoá lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại.
Sau hơn 10 năm triển khai Chiến lược TTX, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện TTX.
Trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy TTX, góp phần tích cực vào việc triển khai "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050".
Các kết quả khả quan đã đạt được của TTX ở Việt Nam trong thời kỳ 2011 - 2020 như: Các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng giảm 12,9% so với phương án phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm bình quân 1,8%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%… Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đã được chú trọng. Nhận thức về vai trò của TTX được nâng lên; tạo được làn sóng về đầu tư xanh như năng lượng gió, mặt trời, điện rác...
Trước những yêu cầu phát triển mới, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy "xanh hóa" nền kinh tế. Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. |
Việt Nam cũng đã xây dựng chiến lược cụ thể cho TTX như định hướng phát triển đối với các ngành, lĩnh vực chủ yếu, Chiến lược chỉ rõ, nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia.
Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, hữu cơ bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên…
Doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh
Trên thực tế, nhiều DN trong nước đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình. Từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải. Việc phát huy vai trò của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu về TTX, bền vững.
Có thể lấy Nestle' Việt Nam làm minh chứng cho ý thức trách nhiệm của DN tới chiến lược TTX của Việt Nam dưới góc độ của khối DN cũng như sự đóng góp của các chương trình, mục tiêu và hành động mà Nestle' Việt Nam đang triển khai tại Việt Nam.
Là DN gắn kết với ngành nông nghiệp (ngành có lượng khí thải nhiều nhất) nên Nestle' Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển bền vững với TTX làm trụ cột. Nestlé sẽ cùng các đối tác và người nông dân trồng cà phê ở khu vực Tây Nguyên triển khai trồng thí điểm các loại cây rừng và cây ăn quả ngay trên các nương rẫy cà phê theo mô hình nông lâm kết hợp/ trồng xen canh, hướng đến mục tiêu trồng khoảng 2,5 triệu cây trong giai đoạn năm 2023-2027. Khi được triển khai thành công và đạt được tổng số lượng cây trồng dự kiến, dự án không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho người nông dân, mà còn góp phần hấp thu và lưu trữ khí CO2.
Chia sẻ về các mục tiêu của phát triển bền vững và TTX, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, trong lộ trình thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Nestlé, giảm lượng khí thải từ nguyên vật liệu nông nghiệp thông qua việc áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh là một trong những điều quan trọng nhất mà Nestlé đang theo đuổi tại các thị trường.
Tại Việt Nam, nông nghiệp tái sinh được Nestlé thực hiện thông qua chương trình NESCAFÉ Plan và các sáng kiến hợp tác đa bên về nông nghiệp bền vững.
Thông qua chương trình NESCAFÉ Plan khởi xướng năm 2011, chương trình NESCAFÉ Plan đã gắn kết thành công với người nông dân khu vực Tây Nguyên, nâng cao chất lượng hạt cà phê Việt, áp dụng phương pháp canh tác bền vững, tái canh diện tích cây cà phê già cỗi, gia tăng thu nhập cho các nông hộ, đảm bảo sinh kế cũng như gia tăng quyền năng của các nữ nông dân.
Đồng thời, nông nghiệp tái sinh còn giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Việc cải tạo chất lượng đất còn giúp tăng khả năng hấp thụ khí carbon vào đất, giảm phát thải. Chương trình đã giúp người nông dân tái canh 63.000 ha cà phê già cỗi, giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học/ thuốc trừ sâu, tăng 30-100% thu nhập nhờ áp dụng mô hình xen canh hợp lý, và giảm lượng phát thải carbon trên mỗi kg cà phê được thu hoạch.
Bên cạnh đó, NESCAFÉ Plan còn giúp tri thức hóa người nông dân thông qua việc áp dụng chuyển đổi số trên chính rẫy cà phê của mình. Cụ thể, chương trình đã hỗ trợ phát triển và xây dựng công cụ quản lý nhật ký nông hộ (Digital Farmer Field Book - FFB), giúp người nông dân quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, kiểm soát chi phí và lợi nhuận, thay thế việc quản lý bằng giấy tờ. Đồng thời, tính toán được chi tiết phát thải carbon trên rẫy cà phê của mình.
Theo ông Binu Jacob, mô hình nông nghiệp tái sinh của Nestlé đã và đang được áp dụng thành công trong canh tác cây cà phê, và cũng có thể là giải pháp cho các ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua Phiên họp toàn thể PSAV, Nestlé Việt Nam cũng khẳng định vai trò của mình đó là tiếp tục gia tăng giá trị nông sản, góp phần giúp Việt Nam trở thành trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm của châu Á thay chỉ vì xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị thấp.
Tiếp đến có thể nói đến những nỗ lực cao của Tập đoàn Greenfeed, là DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp-thực phẩm (chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến đổi khí hậu) đã có những kết quả ấn tượng trong bản vệ môi trường và TTX.
Một trang trại của Tập đoàn Greenfeed - Ảnh: VGP/Minh Thi
Theo thống kê năm 2022, Greenfeed đã giảm gần 9,2 tấn CO2 thải ra môi trường. Thành quả trên là nỗ lực từ việc sử dụng biomass cho lò hơi ở các nhà máy, kết hợp với lắp đặt biến tần, hệ thống tụ bù giúp giảm tổn thất điện năng, tiết kiệm nhiên liệu, cũng như triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái tại các nhà máy và trại chăn nuôi.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Phát triển bền vững, Greenfeed Việt Nam cho biết, Greenfeed đã chuyển đổi năng lượng được xác định thông qua việc đo lường cơ cấu tiêu thụ năng lượng và phát thải theo từng năm. Từ đó, Tập đoàn sẽ cân nhắc và đưa ra các sáng kiến phù hợp nhằm tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu tiêu thụ.
Xu hướng của nhiều quốc gia
Tại Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất toàn cầu, có nền kinh tế đứng hàng đầu thế giới đã đặt mục tiêu về TTX lên hàng đầu trong phát triển và đã "mạnh tay" chi cho môi trường trong những năm gần đây.
Trung Quốc đã đề ra các mục tiêu cụ thể cắt giảm phát thải carbon và đề ra mục tiêu giảm thiểu 10% phát thải khí NO và thiết lập thêm năng lực sản xuất điện không dùng nhiên liệu hóa thạch. Nhằm hướng tới TTX, cắt giảm phát thải carbon, Trung Quốc đã huy động nguồn lực tài chính chủ yếu là từ nguồn tài chính công. Thông qua chương trình "1.000 doanh nghiệp", Trung Quốc đã đầu tư nhiều vào việc cải thiện hiệu quả năng lượng. Hỗ trợ tài chính cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng; Thành lập Quỹ chuyên biệt cho việc xử lý chất thải gây ô nhiễm.
Kể từ năm 2019, dư nợ cho vay xanh của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng trưởng theo cấp số nhân, từ 9,3 nghìn tỷ NDT (1,4 nghìn tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm 2019 lên 16 nghìn tỷ NDT (2,4 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2021, lớn nhất trên thế giới. Dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 22 nghìn tỷ NDT (3,3 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2022. Tốc độ tăng trưởng cho các khoản vay xanh đã được tăng tốc từ quý IV/2020 và đạt mức cao kỷ lục 33% vào quý 4/2021, so với tỷ lệ tăng trưởng 12% của tổng dư nợ cho vay trong quý đó.
Tại Hàn Quốc, quốc gia châu Á đã có những chính sách về TTX từ rất sớm như Chiến lược tăng trưởng xanh được Hội đồng quốc vụ thông qua tháng 9/2008. Để cụ thể hóa, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các hành động, bao gồm: Gói kích cầu "Hiệp định tăng trưởng xanh mới", "Kế hoạch Nghiên cứu và phát triển toàn diện về công nghệ xanh". Luật khung về tăng trưởng xanh cũng được Chính phủ Hàn Quốc công bố thi hành vào tháng 1/2010.
Hàn Quốc xây dựng công nghệ xanh bao gồm các nguồn năng lượng mới và tái sinh, năng lượng có hàm lượng carbon thấp, quản lý nước công nghệ cao, ứng dụng công nghệ LED, hệ thống giao thông tiết kiệm năng lượng và thành phố xanh công nghệ cao. Công nghiệp công nghệ cao tập trung vào các lĩnh vực như kết hợp viễn thông, công nghệ thông tin, ứng dụng robot, vật liệu mới và công nghệ nano, dược phẩm sinh học, y học công nghệ cao và công nghiệp thực phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn đẩy mạnh các chương trình sử dụng năng lượng sinh khối, xây dựng mô hình "nhà ở, trường học và công sở xanh".
Còn tại Singapore, chiến lược phát thải thấp theo hướng xanh của Singapore đã đặt lối sống bền vững là một trong năm trụ cột của Kế hoạch xanh 2021-2030 được ban hành bởi 5 cơ quan: Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển quốc gia, Bộ Môi trường và Bền vững, Bộ Giao thông, và Bộ thương mại và Công nghệ Singapore.
Mỹ là một trong những nước tiếp cận sớm chính sách TTX để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã thực hiện các chính sách mới nhằm phát triển nền kinh tế thông qua phát triển năng lượng, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện và đến năm 2030 nhu cầu điện trung bình sẽ giảm 15%, Chính phủ Mỹ đã thành lập Cơ quan Triển khai năng lượng sạch (CEDA) thuộc Bộ Năng lượng, có chức năng như một "ngân hàng xanh" để huy động và giải ngân vốn đầu tư cho các chương trình năng lượng sạch. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt tiêu chuẩn mới về khí thải như yêu cầu các công ty sản xuất ô tô chuyển sang các mẫu xe kết hợp sử dụng cả điện và xăng dầu, cùng với việc cải tiến các động cơ để tiết kiệm nhiên liệu.
Bên cạnh đó, Mỹ đã xây dựng chiến lược "việc làm xanh" và đã đạt được các kết quả quan trọng trong giai đoạn 2009 -2013. Trong đó, tổng số việc làm liên hệ tới sản phẩm và dịch vụ xanh trong năm 2010 đạt 3,13 triệu việc làm, chiếm 2,4 % tổng số việc làm tại Mỹ trong cùng năm.
Đan Mạch với mục tiêu tham vọng trở thành "quốc gia xanh nhất" tại châu Âu và trên thế giới. Theo đó, tất cả năng lượng điện và năng lượng nhiệt sẽ được cung cấp bởi các nguồn nhiêu liệu tái tạo. Để hiện thực hóa tham vọng của mình, Đan Mạch đã thông qua mức thuế đặc biệt với việc xử lý chất thải, bao gồm cả mức phí xử lý chất thải xây dựng. Đồng thời, chi tiêu công cho các sản phẩm hàng hóa do nhà nước điều chỉnh nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt và việc sản xuất quá nhiều bao bì hàng hóa.
Ở Vương Quốc Anh, Chiến lược dài hạn theo hướng xanh cung cấp một gói các biện pháp cho từng lĩnh vực, được gọi là "chính sách và đề xuất". Một số ví dụ về biện pháp như vậy bao gồm: mở ra cơ hội kinh doanh để sử dụng năng lượng hiệu quả, cải thiện nhà ở và giảm hóa đơn tiền điện và sưởi ấm, thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện có lượng khí thải thấp. Đầu tiên, chiến lược phác thảo tầm nhìn cho từng lĩnh vực, xác định các cơ hội và sau đó đưa ra các mục tiêu. Việc liên kết với các kế hoạch ngành khác được nêu trong Chiến lược dài hạn theo hướng xanh.
Thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh
Vào giữa tháng 9/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành nông nghiệp thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp...
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Lĩnh vực trồng trọt sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu từng vùng, miền; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn.
Cùng với chuyển đổi 300.000 ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường, ngành nông nghiệp phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt.
Đồng thời, mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Ngành sẽ chuyển đổi phương thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, hình thành vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường, an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ.
Đối với thủy sản, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Áp dụng đối tượng nuôi trồng thủy sản mới có hiệu quả cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu. Ngành sẽ điều chỉnh cường độ và cơ cấu khai thác hải sản đảm bảo hiệu quả, bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
Đối với lâm nghiệp, ngành sẽ phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung; phục hồi rừng tự nhiên, phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ theo hướng sản xuất hàng hóa. Mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý bền vững; phát huy tối đa dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu; khai thác các tiềm năng, các dịch vụ mới, đặc biệt là dịch vụ du lịch sinh thái, các dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050, đó là "Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn".
Ông Đào Thế Anh, Viện Phó Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ NN&PTNT - Ảnh: VGP/Quang Thương
Tại buổi Tọa đàm: "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam", ông Đào Thế Anh, Viện Phó Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết: Có thể nói rằng sau khi có Chiến lược tăng trưởng xanh do Chính phủ ban hành, Bộ Nông nghiệp và PTNT trước hết bắt tay xây dựng Chiến lược phát triển Nông nghiệp và PTNT bền vững 2021-2030.
Vào đầu năm 2022, chúng tôi ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh chung của Chính phủ. Trong kế hoạch tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp, chúng tôi nhận thức nông nghiệp là ngành trong thời gian qua có nhiều thành tựu về tăng trưởng xuất khẩu nhưng cũng sử dụng các nguồn tài nguyên về đất và ô nhiễm về tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học ảnh hưởng đến độ che phủ rừng. Vì thế, chúng tôi quyết tâm trong 10 năm tới, thứ nhất là vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp khoảng từ 2,5-3% hằng năm để đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân. Thứ hai là đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu vẫn đảm bảo khoảng 5-6%. Thứ ba là đảm bảo an ninh lương thực, anh ninh dinh dưỡng, xóa đói giảm nghèo cho toàn bộ người dân Việt Nam. Đó cũng là mục tiêu vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, giảm ô nhiễm đất, tăng cường sức khỏe cho đất, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng nước tiết kiệm. Thời gian vừa qua, thâm canh nông nghiệp cũng sử dụng nước tương đối lãng phí. Hiện nay, biến đổi khí hậu xảy ra nên nước không còn là tài nguyên thừa thãi nữa.
Ngành nông nghiệp cũng đã thực hiện cam kết của mình, hiện nay, phát thải của nông nghiệp khoảng 30%, tương đối cao, trong khi tiềm năng của ngành giảm tốt. Chúng tôi cũng có cam kết đến năm 2030 giảm 10% phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp. Đến 2050, thực hiện đúng cam kết của Chính phủ là "Net Zero" phát thải trong nông nghiệp.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.