Ngày 5/3, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Thành ủy Nha Trang phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề: “100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố”.
Đây là một trong ba hội thảo quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh (2009 - 2024).
Xây dựng văn hóa, con người để đáp ứng yêu cầu phát triển
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Nha Trang Hồ Văn Mừng cho biết: Nha Trang là một đô thị lớn, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa, là đô thị năng động của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ về văn hóa - xã hội, trình độ dân trí, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và nhân dân thành phố ngày càng được nâng cao, đời sống văn hóa trong cộng đồng ngày càng phong phú.
Bí thư Thành ủy Nha Trang Hồ Văn Mừng phát biểu tại hội thảo.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành; nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực, phát huy được giá trị truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng... Nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống trên địa bàn thành phố được bảo tồn và phục dựng, đồng thời đã xóa bỏ được các phong tục, hủ tục lạc hậu. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa thường xuyên được tăng cường. Đầu tư cơ sở vật chất cho công tác giáo dục luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi ngân sách thành phố. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, giáo dục ngày càng được mở rộng, hiệu quả. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa trên địa bàn thành phố được tăng cường thường xuyên…
Tuy nhiên, so với những thành tựu trên các lĩnh vực khác, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả trong xây dựng con người và môi trường văn hóa thật sự lành mạnh, tiến bộ, chưa thật sự là động lực quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố.
Một góc đô thị TP.Nha Trang
Do vậy, việc tập trung xây dựng văn hóa, con người để đáp ứng với yêu cầu phát triển thành phố là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp bách và chiến lược.
Hội thảo đã tập hợp 55 chuyên đề tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước về các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, như: Tiêu chí xác định giá trị, bản sắc văn hóa, con người hiện nay - Những gợi mở cho thành phố Nha Trang; Tầm nhìn chiến lược để phát triển Nha Trang ngang tầm với sứ mệnh lịch sử trong thời kỳ mới; Không gian và văn hóa biển, đảo - Nguồn lực, động lực then chốt cho xây dựng, phát triển Nha Trang - Khánh Hòa trong thời kỳ mới... Các chuyên đề tập trung làm rõ những nét đặc trưng về văn hóa vùng đất, con người Nha Trang trong tiến trình lịch sử, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, con người trong xây dựng, phát triển thành phố thời gian tới.
Tạo đột phá chiến lược cho TP. Nha Trang
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, TP. Nha Trang có di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) đa dạng, phong phú cần đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa liên quan đến biển, đảo, sự kiện, tâm linh, và các chương trình trải nghiệm văn hóa để thu hút du khách và phát triển ngành du lịch. Nha Trang nên tiến hành đánh giá tình trạng bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) có sẵn trong khu vực. Đồng thời, cần đầu tư vào việc bảo tồn, khôi phục và bảo vệ các di sản này để đảm bảo tính nguyên vẹn và thu hút du khách. Xây dựng các làng cổ, làng nghề và khu trải nghiệm văn hóa; tạo ra các khu vực tham quan làng cổ, làng nghề và cung cấp các chương trình trải nghiệm văn hóa cho du khách….
Quang cảnh hội thảo
GS.TS Đinh Xuân Dũng, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương thì cho rằng, cần quy hoạch TP. Nha Trang theo chuẩn mực văn hóa, ở đó, tất cả các công trình, sản phẩm phải hàm chứa trong đó cái độc đáo của Nha Trang và nhu cầu của hiện tại. Ví như, kiến trúc của thành phố này cần kết hợp hài hòa giữa nét đẹp của kiến trúc cổ kính vốn có của Nha Trang với kiểu dáng và kết cấu kiến trúc hiện đại, tạo nên vẻ đẹp riêng của thành phố. Hầu như các thành phố nổi tiếng trên thế giới đều đạt tới sự hài hòa đó. Hoặc ví dụ như, các sản phẩm văn hóa - du lịch của Nha Trang phải mang đậm dấu ấn sáng tạo riêng có của văn hóa và con người Nha Trang. Liệu có một nhà hát - nơi hội tụ và trình diễn các thành tựu nghệ thuật của các dân tộc sống trên mảnh đất này và các sản phẩm nghệ thuật đương đại của con người hôm nay. Hướng đến phát triển văn hóa Nha Trang thành đỉnh cao hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Còn theo Bí thư Thành ủy Nha Trang Hồ Văn Mừng, để bảo đảm TP. Nha Trang phát triển nhanh và bền vững, trước tiên, cần nghiêm túc quán triệt, triển khai, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người nói chung thông qua các chương trình, đề án cụ thể sát thực tiễn TP. Nha Trang.
TP. Nha Trang ngày nay vào đêm - 100 năm hành trình lịch sử
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cao nhận thức nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong công tác chăm lo gìn giữ, xây dựng văn hóa, con người TP. Nha Trang, xem đây là trách nhiệm quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mỗi người dân thành phố.
Thứ ba, phải quan tâm đúng mức, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và kinh tế trên địa bàn thành phố,
Thứ tư, cần nghiên cứu, triển khai thực hiện những giải pháp khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn thành phố nhằm ngăn chặn, xử lý hiệu quả, dứt điểm những biểu hiện, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống, góp phần đẩy lùi tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội.
Thứ năm, chú trọng công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn những giá trị văn hóa mang tính chất “hồn cốt” của dân tộc, của quê hương Nha Trang - Khánh Hòa.
Thứ sáu, tập trung xây dựng văn hóa trong đảng bộ, trong bộ máy hành chính nói riêng và hệ thống chính trị thành phố nói chung, trọng tâm là xây dựng nền hành chính thành phố minh bạch, liêm chính, thân thiện, mang đậm tính phục vụ cộng đồng.
“Nhằm phát huy thành tựu đã đạt được và bài học kinh nghiệm quý báu trong suốt chặng đường 100 năm xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang (giai đoạn 1924 - 2024); 15 năm thành phố Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (giai đoạn 2009 - 2024); từ giá trị truyền thống văn hóa của vùng đất và con người thành phố cùng với niềm tin, vị thế, điều kiện và sức bật mới..., Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Nha Trang tiếp tục phát huy dân chủ, quyết tâm đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí, khát vọng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ mọi nguồn lực, ra sức thi đua, sáng tạo, phấn đấu đạt các mục tiêu cao hơn, vững chắc hơn nữa, hướng tới xây dựng thành phố phát triển nhanh và bền vững về mọi mặt, ngày càng năng động trong phát triển và hội nhập, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, Bí thư Thành ủy Nha Trang nhấn mạnh.
Kết quả hội thảo sẽ là căn cứ khoa học và thực tiễn để Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố vận dụng ban hành nghị quyết về phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng thành phố phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, thành phố sẽ tập hợp một số bài viết để xuất bản thành sách, trở thành tư liệu có giá trị để nghiên cứu, vận dụng lâu dài trong thực tiễn. |
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.