Chiều 27/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình tổ chức Tết Nguyên đán năm 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết, thúc đẩy công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới Quý Mão.
Chiều 27/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình tổ chức Tết Nguyên đán năm 2023 và các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết, thúc đẩy công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới Quý Mão - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp, để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp, các ngành, các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, cơ quan, địa phương cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai các mặt công tác, tổ chức ứng trực thường xuyên để tổ chức Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm với tinh thần "không để ai không có Tết".
Chính sách xã hội được thực hiện "đúng, đủ, kịp thời", công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân được quan tâm; đã triển khai kịp thời các chính sách đối với gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đến ngày mùng 5 Tết, ước tính 63 địa phương đã dành khoảng 9.500 tỷ đồng hỗ trợ trên 25 triệu lượt người.
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6 quyết định hỗ trợ trên 18.000 tấn gạo cứu đói cho gần 200.000 hộ với trên 1,2 triệu nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023 cho 17 tỉnh. Đã có 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn với tổng nguồn kinh phí là trên 4.581 tỷ đồng…
Tiền lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp năm 2022 là 8,25 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm 2021. Ngoài tiền lương, tiền thưởng dịp Tết, tùy theo điều kiện, các doanh nghiệp còn có các hình thức khác hỗ trợ, chăm lo cho người lao động nhân dịp Tết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá nhìn chung, việc tổ chức chuẩn bị, đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đạt các mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hàng hóa dịp Tết phong phú, chất lượng bảo đảm, giá cả ổn định, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết 2023 tăng từ 8-10% so với tháng thường và tăng tương đương Tết năm 2022. Tình hình cung ứng điện, xăng dầu cơ bản ổn định. Ngành ngân hàng bảo đảm phục vụ nhu cầu thanh toán của nhân dân và doanh nghiệp.
Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch COVID-19, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát. Nhờ kinh nghiệm điều hành từ các năm trước, giao thông vận tải, trong đó có 2 sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất cơ bản thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa. Nông nghiệp được mùa, được giá, nông dân phấn khởi.
An ninh chính trị, chủ quyền quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tai nạn giao thông dù tăng 8 người bị thương, nhưng giảm 12 vụ (-7,3%), giảm 03 người chết (-3,3%). Trong dịp nghỉ Tết, không xảy ra các vụ việc tai nạn thương tích nghiêm trọng liên quan đến trẻ em.
Các lực lượng kiên quyết xử lý các vi phạm, nhất là vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, nhờ đó kiểm soát tình trạng uống bia rượu, các vụ tai nạn, đánh nhau, tử vong, thương tật vì bia rượu ngày Tết giảm. Đồng thời, kiểm soát việc đốt pháo, phòng chống cháy nổ…
Thực hiện nghiêm các quy định về văn hóa công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức đa dạng, phong phú, sôi động, đậm nét truyền thống.
Nhiều cơ quan, địa phương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Quý Mão 2023 bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, gắn với việc tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2023.
Các địa phương đã ra quân, tổ chức sản xuất ngay từ những ngày đầu năm mới với khí thế sôi nổi, nỗ lực cao để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Ngay trong dịp Tết, một số cửa khẩu biên giới đất liền đã mở cửa thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trở lại (Cửa khẩu quốc tế Hữu nghị, Cửa khẩu Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn)…
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Nhìn chung, việc tổ chức chuẩn bị, đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đạt các mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm Tết sum vầy, vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, an toàn, tiết kiệm, mọi người, mọi nhà đều có Tết, tạo năng lượng mới, khí thế mới cho cả dân tộc bước vào năm mới.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các cơ quan, địa phương, các lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong dịp Tết, đặc biệt là các cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; các bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế trực cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh 24/24 giờ; cán bộ, người lao động trực, làm việc trong dịp Tết…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, đơn vị ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 phải khẩn trương, tập trung vào công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế-xã hội, nhất là những công việc tồn đọng do nghỉ Tết.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy những kết quả năm 2022, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, tạo khí thế phấn khởi, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ đầu năm để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Sau cuộc họp, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão. Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Thủ tướng yêu cầu rà soát lại nguồn tăng thu để tập trung cho tăng lương, dự trữ quốc gia, an ninh quốc phòng, hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa… Đồng thời, tăng cường rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, quy định để khơi thông các nguồn lực, trong đó, khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo tinh thần giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính.
Thủ tướng nhấn mạnh thêm, cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa về những điển hình, tấm gương tốt như: Những người công nhân làm việc "xuyên Tết" trên công trường, hình ảnh lực lượng vũ trang phục vụ nhân dân, phản ánh khí thế ra quân sản xuất, kinh doanh ngay đầu năm mới…; đồng thời đấu tranh mạnh mẽ hơn với các luận điệu xuyên tạc, thù địch, chống phá.
Thủ tướng lưu ý cần có hình thức khen thưởng phù hợp với các lực lượng, cơ quan, cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là các lực lượng ứng trực, phục vụ cho nhân dân đón Tết.
Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng với quyết tâm, nỗ lực lớn, chúng ta sẽ đạt kết quả năm 2023 cao hơn năm 2022.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.