Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 7 năm 2024 | 11:12

Tháng Bảy trên đất lửa

Trở lại Quảng Trị những ngày tháng Bảy, tôi thấy các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh luôn tấp nập, từng dòng người từ khắp mọi miền đổ về dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc, tại đây, tôi được chứng kiến và nghe những câu chuyện xúc động.

Những chuyến bồi đắp tâm hồn

Tháng Bảy, người thân của các liệt sỹ, người dân cả nước hướng đến Quảng Trị, nơi có nhiều nghĩa trang liệt sĩ, đặc biệt là Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Quốc gia Đường 9. Từng lượt xe ô tô, từng đoàn người từ mọi miền đất nước đến đây để tri ân, thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Màu áo xanh bộ đội của các cựu chiến binh, các sĩ quan quân đội, màu áo xanh của thanh niên tình nguyện, màu áo dài nhiều sắc của những phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau cùng đến đây, chung một tâm nguyện nặng sâu.

Trong chuyến về lại Quảng Trị, chúng tôi may mắn được gặp cựu chiến binh Bùi Quốc Doanh (quê Nam Định), là chiến sỹ từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Ông Doanh hiểu rõ hơn ai hết về sự ác liệt và mất mát đau thương trong kháng chiến khi chính mắt ông chứng kiến đồng đội mình lần lượt ngã xuống nơi mảnh đất khói lửa một thời này.

Cựu chiến binh Bùi Quốc Doanh thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ.

“Cứ đến tháng Bảy, chúng tôi lại cùng nhau vào đây dâng hương và hoa tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Với chúng tôi, Quảng Trị là quê hương thứ hai sâu nặng nghĩa tình”, ông Doanh nói trong xúc động.

Trong dòng người hướng về Quảng Trị những ngày tháng Bảy lịch sử, chị Tô Thị Ngọc Lan, đến từ Thừa Thiên - Huế cho hay, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, chị cùng cơ quan, bạn bè lại về đây để bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho độc lập, tự do.

“Năm nào đoàn chúng tôi cũng đến Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và Di tích Thành Cổ Quảng Trị để thăm viếng. Họ là những người con trai, con gái từ khắp các vùng quê của đất nước, đã ngã xuống khi tuổi còn đôi mươi, nhiều người chưa lập gia đình. Đây là những chuyến đi để mình bồi đắp tâm hồn. Khi tới đây, tôi cảm thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn để xứng đáng với truyền thống ông cha”, chị Lan tâm sự.

 Giữa cái nắng đổ lửa của những ngày tháng Bảy này, tại các di tích lịch sử khác trên địa bàn Quảng Trị là từng dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn với những người đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là dịp để các đoàn cựu chiến binh quay trở lại, thăm chiến trường xưa và những người đồng đội đã từng kề vai, sát cánh trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Chăm lo giấc ngủ cho các liệt sỹ

Tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, nơi yên nghỉ của hơn 10.800 anh hùng, liệt sỹ, chúng tôi gặp chị Cao Thị Huyền,  (37 tuổi, quê ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), người chăm sóc bia mộ tại nghĩa trang. Vừa cẩn thận lau chùi tấm bia khắc dòng chữ trên bia mộ, chị kể, chị là nhân viên làm việc ở Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 và Nghĩa Quốc gia Trường Sơn đã được 9 năm. Công việc của chị là chăm sóc, khắc ghi thông tin trên bia mộ liệt sĩ đã bị phai mờ.

Chị Cao Thị Huyền đang cẩn thận từng thông tin trên bia mộ liệt sĩ.

“Do làm việc ở nơi linh thiêng nên lúc mới bắt đầu công việc, tôi cũng rất run, sợ bị sai tên địa chỉ, ngày sinh các anh nên phải dò sổ sách cẩn thận từng con chữ. Giờ thì đã quen, nếu có chỗ nào mà mờ quá thì mình lấy sổ dò lại, khắc sâu đậm hơn”, chị Huyền chia sẻ.

Nhận thấy công việc quan trọng, nhằm giúp người dân, đặc biệt là thân nhân các liệt sĩ trong việc nhận biết phần mộ người thân, do đó, chị Huyền phải cẩn thận, tỷ mỷ từng nét chữ của mình.

Gần 10 năm làm việc ở bộ phận tiếp thân nhân liệt sỹ, anh Trần Văn Nhân, Phó trưởng phòng quản lý Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn dâng trào cảm xúc khi thấy trong dòng người đổ về những ngày tháng Bảy, không chỉ có thân nhân các liệt sỹ mà cả những em học sinh, người cao tuổi, cho tới các đoàn Việt kiều. Không chỉ viếng thăm, các cá nhân, tập thể và ban ngành các địa phương, tỉnh, thành cũng chăm lo những phần việc thiết thực như tạo nên phong trào “Hoa cho các liệt sỹ”, để trên mộ các anh lúc nào cũng có hoa tươi khiến nghĩa trang thêm khang trang, ấm cúng hơn.

Tháng Bảy, người dân cả nước hướng về Quảng Trị, đến các nghĩa trang liệt sĩ thành kính dâng hương những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Với suy nghĩ nếu không có những người nằm dưới mộ thì chắc hẳn không có ngày hôm nay, anh Nhân coi việc chăm sóc các phần mộ là một cách để tri ân những  anh hùng đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước. Là một trong số những cán bộ của Ban Quản lý Nghĩa trang, anh nhận thấy đây là một trách nhiệm lớn, đồng thời cũng là niềm vinh dự mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước giao phó. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, với cương vị là người lãnh đạo của đơn vị, bản thân anh không ngừng giáo dục, động viên đội ngũ cán bộ viên chức của đơn vị về tinh thần, thái độ phục vụ, có đạo đức trong sáng, có lòng nhiệt huyết với nghề nghiệp; không quản ngại khó khăn, gian khổ để làm tròn trách nhiệm, bổn phận, để nghĩa trang thật sự là nơi yên nghỉ của các liệt sĩ.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ với gần 60.000 liệt sỹ đang an nghỉ. Mỗi năm vào dịp 27/7, có tới hàng chục vạn người dân và du khách trong cả nước đến Quảng Trị để viếng, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. 
Từ năm 2021, Quảng Trị đã dành  gần 5 tỷ đồng thực hiện chuẩn hóa khắc lại trên 6 ngàn bia “Mộ liệt sỹ chưa xác định được thông tin”. 
Trong những năm tiếp theo, tỉnh sẽ cần gần 10 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện công việc chuẩn hóa khắc lại gần 14 ngàn tấm bia trên các mộ liệt sỹ còn lại.

Trong tháng tri ân này, tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Ban quản lý nghĩa trang chỉ có 5 người nhưng mỗi ngày sắp xếp, đón tiếp hàng ngàn lượt người vào viếng. Nhưng dù nắng hay mưa và kể cả ban đêm, tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, du khách hành hương đến với Quảng Trị đều được hướng dẫn tận tình, chu đáo việc thực hiện các nghi lễ.

Đến với Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn hôm nay, chúng ta có thể nhận thấy sự khang trang, đẹp đẽ của các khu mộ, phần mộ sạch đẹp, các nhà bia ấm cúng của các tỉnh, thành phố và những hàng cây xanh tươi bốn mùa… Điều đó có được từ công sức, sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý liệt sỹ Trường Sơn. Đó không chỉ là phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao mà đó còn là sự thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top