Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 12 năm 2023 | 20:23

Thanh Hoá: Vốn đầu tư công giải ngân chậm chủ yếu là do năng lực của chủ đầu tư

Đó là câu trả lời thẳng thắn của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trước đại biểu, cử tri tại phiên chất vấn, kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, về chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ngày 14/12, theo chương trình tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, sẽ diễn ra phiên chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm; đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Kỳ họp thứ 17, khoá XVIII, HĐND tỉnh Thanh Hoá

Liên quan đến nội dung chất vấn của các địa biểu tại kỳ họp lần này về các nguyên nhân và các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Nguyên nhân khách quan dẫn tới việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, đó là trong quá trình triển khai dự án có thêm một số quy định mới, như đánh giá tác động môi trường đối với dự án có sử dụng đất lúa, mất thời gian khoảng 2 tháng; phải lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 (mất thời gian khoảng 1 - 3 tháng) thay vì chỉ lập quy hoạch mặt bằng như trước đây.

Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư trả lời chất vấn của đại biểu và cử tri về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu và nguyên nhân trước tiên do năng lực của chủ đầu tư (tức UBND các huyện, các xã, các đơn vị được giao vốn công). Các chủ đầu tư trong quá trình khảo sát, thiết kế chưa tốt. Chất lượng tư vấn, kiểm soát của chủ đầu tư kém. Hồ sơ khi nộp lên cấp trên để trình, phê duyệt không đạt, phải trả lại. Chủ đầu tư thiếu sâu sát trong quá trình kiểm tra các bước công việc.

Ngoài ra, nguyên nhân cũng đến từ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm. Có địa phương chậm bố trí tái định cư, hoặc bố trí khu tái định cư nhưng người dân chưa chịu di chuyển đến.

Đại biểu Cao Tiến Đoan, thuộc tổ đại biểu HĐND TP Sầm Sơn đặt câu hỏi chất vấn

“Chưa có tái định cư vì chúng ta không bố trí những vị trí đẹp để người dân đến tái định cư, nhiều vị trí đẹp chúng ta đem đi đấu giá, tái định cư ít có thể làm ngay nhưng chờ làm cả khu để đấu giá, vừa có tiền tái định cư vừa lấy tiền đấu giá…”, ông Nghĩa lý giải.

Về giải pháp, theo ông Nghĩa để có chế tài mạnh, đối với các chủ đầu tư giải ngân vốn đầu tư chậm là không giao cho làm chủ đầu tư các dự án mới. Trong thời gian tới, nếu các chủ đầu tư không có chuyển biến tốt, Sở KH&ĐT sẽ tham mưu cho UBND, HĐND tỉnh không giao dự án mới cho chủ đầu tư có kết quả giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Theo ông Nghĩa, giải ngân vốn đầu tư công, nó có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế, cần xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công, đây là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chủ đầu tư.

Ngoài ra, Sở KH&ĐT sẽ rà soát, nghiên cứu vốn đầu tư trung hạn giai 2021 – 2015, cắt giảm vốn đầu tư dự án của các chủ đầu tư chậm giải ngân.

“Trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, đã xác định được dự án trong giai đoạn này và giao cho từng chủ đầu tư quản lý bao nhiêu dự án, đã thực hiện được bao nhiêu dự án, quá trình thực hiện dự án đến nay mà triển khai chậm và bao nhiêu dự án chưa triển khai thì chúng tôi sẽ nghiên cứu, rà soát cắt giảm vốn đầu tư công trung hạn của các chủ đầu tư”, ông Nghĩa nêu rõ.

 Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng kết luận nội dung chất vấn. 

Sau khi các đại biểu chất vấn, phát biểu kết luận nội dung, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh tập trung cao độ để chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và thực hiện các dự án đầu tư công. Xác định, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần tập trung ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư công, nhất là các dự án lớn, quan trọng, đồng thời chỉ đạo kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của việc giải ngân chậm đối với từng địa phương, đơn vị, chương trình, dự án cụ thể.

Kiên quyết điều chuyển vốn các dự án thực hiện chậm, không đảm bảo yêu cầu theo mốc thời gian giải ngân tỉnh giao, không giao các dự án mới cho các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, các đơn vị có nhiều dự án thực hiện chậm, không đạt yêu cầu.

 

Lê Thức - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top