Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 7 năm 2023 | 14:35

Thanh Hóa sẽ kiểm điểm các đơn vị còn chỉ tiêu mà không tuyển dụng trong ngành GD & ĐT

Sau phiên chất vấn, trả lời chất vấn ông Trần Văn Thức, giám đốc Sở GD & ĐT, chủ tọa phiên họp kết luận nội dung chất vấn và yêu cầu tỉnh Thanh Hóa kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các huyện, thị xã, thành phố, Sở Nội vụ nếu còn chỉ tiêu mà không tuyển dụng kịp thời với lý do chủ quan.

Sáng 12/7, sau hơn 2 ngày khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành chương trình đề ra và họp phiên bế mạc.

Các đại biểu tham dự kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hoá

Trên cơ sở xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND và UBND tỉnh trình kỳ họp, HĐND tỉnh đã thông qua 25 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, về kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn, về cơ chế, chính sách, về chủ trương đầu tư các dự án, về nhóm nghị quyết thường niên và các nội dung quan trọng khác.

Qua các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá XVIII, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp thu, giải trình và khẳng định ý kiến, kiến nghị rất xác đáng, tâm huyết, với tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu, của cử tri và Nhân dân trong toàn tỉnh, tất cả vì sự phát triển của tỉnh.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, tiếp thu và giải trình các ý kiến của đại biểu và cử tri quan tâm.

Ông Tuấn cũng phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2023. Nêu lên 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong 6 tháng cuối năm 2023.

Đồng thời, ông Tuấn đi sâu phân tích các nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm gửi tới kỳ họp về phát triển sản xuất; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, văn hóa - xã hội, cơ chế, chính sách, an ninh - trật tự, an toàn xã hội và một số vấn đề khác.

Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT giải trình các câu hỏi chất vấn của đại biểu và cử tri.

Liên quan đến thực trạng thiếu giáo diễn ra ở nhiều cấp học, đặc biệt giáo viên môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đầu giờ, các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn, trả lời chất vấn đối với giám đốc Sở GD &ĐT.

Nguyên nhân của việc thiếu nhiều Giáo viên như đã nêu, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho rằng, Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ. Đồng thời, hàng năm vẫn phải cắt giảm biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.

Các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn ngành giáo dục tỉnh Thanh Hoá

“Những năm trước đây, tỉnh Thanh Hóa không thực hiện tuyển dụng Giáo viên để bổ sung cho số Giáo viên nghỉ hưu. Hiện nay, đã có cơ chế tuyển Giáo viên nhưng một số huyện, thị, thành phố chưa kịp thời xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao hoặc phải cân đối bù trừ trong việc thừa, thiếu Giáo viên giữa các cấp học. Đối với Giáo viên bậc THCS thì đang cơ bản thừa, còn Giáo viên các bậc Tiểu học và Mầm non lại cơ bản thiếu so với biên chế tỉnh giao”, ông Thức lý giải.

Cũng theo “Tư lệnh” ngành GD&ĐT Thanh Hóa, do chương trình GDPT mới có nhiều thay đổi cơ cấu bộ môn, nên có môn thừa, có môn thiếu cục bộ. Đồng thời, có sự bất cập giữa chương trình GDPT mới ban hành và việc đào tạo nguồn sinh viên đáp ứng yêu cầu tại các trường ĐH nên nguồn tuyển Giáo viên đáp ứng yêu cầu GDPT mới thiếu, nhất là Giáo viên Văn hóa Tiểu học và Giáo viên các bộ môn đặc thù, gồm: Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật.

Các ý kiến của đại biểu và cử tri được lãnh đạo tỉnh tiếp thu và giải trình

Để khắc phục việc thiếu Giáo viên, ông Thức cho hay, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ trong việc hướng dẫn các huyện thị, thành phố thực hiện tuyển dụng Giáo viên kịp thời hết chỉ tiêu biên chế được giao. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng trước số giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, như: Giáo viên Văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật (cấp tiểu học); giáo viên Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật (cấp THCS), Âm nhạc, Mỹ thuật (THPT).

Cũng theo ông Thức, trong trường hợp chưa kịp tuyển dụng giáo viên, thì thực hiện hợp đồng lao động làm giáo viên đối với sinh viên mới ra trường, giáo viên đã nghỉ hưu, còn đủ sức khỏe và tâm huyết với nghề. Bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy liên cấp, dạy tăng tiết nhằm đảm bảo có đủ giáo viên dạy học theo chương trình mới.

HĐND tỉnh đã thống nhất biểu quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Sau phiên chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa phiên họp kết luận nội dung chất vấn, ông Hưng đánh giá cao thành tựu, nổ lực, cố gắng của nghành giáo dục tỉnh. Bên cạnh đó, ngành vẫn còn những tồn tại và hạn chế.

Để nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, ông Hưng chỉ đạo các Sở G&ĐT, Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, tuyển dụng kịp thời, hết chỉ tiêu biên chế được giao, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, như: Văn hóa, Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật đối với bậc tiểu học. Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật đối với bậc THCS. Âm Nhạc, Mỹ thuật đối với bậc THPT.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng bế mạc kỳ họp

Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cung yêu cầu tỉnh Thanh Hóa kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các huyện, thị xã, thành phố, Sở Nội vụ nếu còn chỉ tiêu mà không tuyển dụng kịp thời với lý do chủ quan.

“Lý do khách quan ở đâu chẳng có, cứ kêu là thiếu biên chế nhưng có mà không tuyển dụng được. Huyện nào mà để lý do chủ quan mà không tuyển dụng được thì phải kiểm điểm trách nhiệm, thậm chí phải xử lí… Sở Nội vụ là một khâu, nếu để chậm trễ, gây phiền hà thì cũng xử lí”, ông Hưng nhấn mạnh.

 

Lê Thức – Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top