Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 9 năm 2024 | 17:2

Thanh Hóa tiếp tục ban hành công điện ứng phó với mưa lũ, sạt lỡ đất, ngập lụt

Sau khi cơn bão số 3 suy yếu, dự báo trong thời gian tới khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to. Ngày 9/9/2024, để chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND, về việc triển khai ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt.

Công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn dài ngày làm cho đất đá bị ngậm nước, dẫn đến nguy cơ trương nở bão hòa, tăng thể tích và trọng lượng, đồng thời giảm lực ma sát sẽ gây ra hiện tượng trượt lở mạnh.

 Sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều điểm giao thông bị giám đoạn.

Theo bản tin dự báo từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ nối với vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 3 nên dự báo trong chiều tối và đêm ngày 09/9/2024 ở khu vực tỉnh Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to; cảnh báo từ ngày 10/9/2024 đến ngày 13/9/2024, khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to và dông.

Để chủ động ứng phó với thiên tai trong những ngày tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ và các hình thái thiên tai có thể xảy ra do mưa lớn như lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; chủ động ứng phó với thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong việc ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Chính quyền các địa phương đang nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mưa bão.

Khẩn trương huy động các nguồn lực để nhanh chóng khắc phục các hậu quả do bão số 3 và mưa, lũ gây ra, trong đó chú trọng khắc phục ngay các hư hỏng, thiệt hại về nhà ở, đảm bảo an toàn cho người dân.

Chủ động tổ chức sơ tán, di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực đã chịu thiệt hại do bão số 3 vừa qua, các hộ gia đình có nhà yếu ách, không đảm bảo an toàn, đặc biệt là khu vực miền núi của tỉnh; bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm tràn, khu vực thường xuyên ngập lụt để hướng dẫn giao thông và đảm bảo an toàn cho người dân.

Tổ chức kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện và các công trình phòng, chống thiên tai khác, đặc biệt là các vị trí xung yếu, các công trình đang hư hỏng… Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để kịp thời cứu hộ, cứu nạn, xử lý các sự cố công trình và khắc phục nhanh hậu quả của mưa, lũ khi có các tình huống xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở ban ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn khôi phục sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại bị thiệt hại, tiếp tục triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều; chỉ đạo khắc phục các điểm trường, các sự cố công trình giao thông, theo dõi chặt chẽ các vị trí đang có dấu hiệu sạt lở, hư hỏng; chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan sẵn sàng triển khai công tác xử lý môi trường và phòng, chống dịch bệnh trong và sau thiên tai.

Lực lượng chức năng đang hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương khắc phục hậu quả.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn tiếp tục hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương khắc phục hậu quả của bão số 3, chủ động tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương ứng phó với mưa, lũ, sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn.

Các Công ty Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục thực hiện các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp; Công ty Điện lực Thanh Hóa có trách nhiệm cấp điện an toàn và liên tục cho các trạm bơm tiêu, cống tiêu (vận hành bằng điện); đồng thời, khẩn trương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình được giao quản lý, phụ trách.

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

  • Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 2/2024 đạt 6,93%, tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

Top