Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 5 năm 2024 | 15:47

Thanh Hóa triển khai nhiều giải pháp đồng hành cùng ngư dân bám biển

Những năm qua, để kinh tế biển phát triển theo hướng bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ thẻ vàng IUU và nâng cao giá trị thủy sản.

Giá trị từ kinh tế biển

Nắm bắt được lợi thế là tỉnh có chiều dài bờ biển 102km, trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng từ khai thác chế biến thủy sản ở Thanh Hóa đang ngày càng phát triển theo hướng bền vững với quy mô đứng thứ 11 cả nước.

Ông Nguyễn Văn Quang, Phó chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: Ngư Lộc là một trong những địa phương đa số người dân đều vươn khơi bám biển, toàn xã có 212 tàu đánh bắt với khoảng 1.600 lao động tham gia khai thác thủy sản, tổng sản lượng ước tính đạt 12.000-13.000 tấn/năm.

“Nghề biển này mang lại giá trị thu nhập ổn định, phát triển kinh tế cho người dân, những con tàu nhỏ khai thác gần bờ bình quân cho thu nhập hàng tháng 8-10 triệu đồng/người; đối với những con tàu lớn đánh bắt tại khai trường phía nam cho thu nhập 15-20 triệu đồng/người; bên cạnh đó, số lượng lao động phụ nữ cho thu nhập 5-7 triệu đồng”, ông Quang chia sẻ.

Những ngôi nhà khang trang của ngư dân nhờ vươn khơi bám biển.

Những ngôi nhà khang trang của ngư dân nhờ vươn khơi bám biển.

Theo con số thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2023, sản lượng khai thác hải sản ở Thanh Hoá khoảng 140.500 tấn, trong khi sản lượng nuôi trồng đạt xấp xỉ 73.500 tấn, hoạt động khai thác hải sản đã và đang tạo nên những cú hích phát triển kinh tế biển mạnh mẽ, bền vững.

Hiện nay, tổng số tàu cá ở Thanh Hóa tính đến ngày 15/4/2024 là 6.057 tàu, trong đó hoạt động ven bờ 4.246 tàu, vùng lộng 716 tàu, vùng khơi 1.095 tàu với hơn 25.000 lao động hoạt động tham gia khai thác hải sản trên biển và hàng chục ngàn lao động tham gia chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, hiện tất cả tàu cá ở Thanh Hóa đã đăng ký được cập nhật đầy đủ vào Vnfishbase (cơ sở dữ liệu trực tuyến và đồng bộ cho quản lý thông tin về đăng ký, đăng kiểm tàu cá…).

Nguồn lợi thủy sản mang lại cuộc sống ổn định người dân ven biển

Nguồn lợi thủy sản mang lại cuộc sống ổn định người dân ven biển.

Ông Nguyễn Xuân Đồng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Trong tháng 4/2024, sản lượng khai thác thủy sản ước tính đạt 17.700 tấn, tăng 102,9% so với cùng kỳ, trong đó khai thác trên biển 11.400 tấn, nuôi trồng thủy sản gần 6.000 tấn. Lũy kế bốn tháng đầu năm, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước tính đạt hơn 68.000 tấn, tăng 100,7% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có 8 cảng cá, trong đó 3 cảng cá thuộc loại II và năm cảng cá loại III. Ngoài ra, có bốn khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, 25 cơ sở đóng sửa tàu thuyền và 28 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản.

Theo ông Đồng, sản lượng khai thác hải sản hiện nay chưa đạt hiệu quả cao, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục phát triển sản xuất trên biển gắn với tái cơ cấu ngành thuỷ sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Đặc biệt, khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thực tế sản xuất như hệ thống đèn chiếu sáng, máy thu lưới, hầm bảo quản, máy thông tin liên lạc tầm xa tích hợp định vị vệ tinh… để mở rộng ngư trường khai thác, tăng thời gian để ngư dân đánh bắt trên biển.

Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU

Theo con số thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa cho thấy, hiện tỉnh Thanh Hoá đang còn 70 tàu cá “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác), 339 tàu hết hạn đăng kiểm, 41 tàu chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản, 46 tàu chưa cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 110 tàu chưa bật thiết bị giám sát hành trình trên sáu tháng.

Ông Hà Văn Xuân (52 tuổi), trú tại xã Quảng Nham, Quảng Xương cho biết: Hiện, Việt Nam đang bị gắn “thẻ vàng” IUU cho hải sản, vì thế, sản phẩm chúng tôi khai thác không xuất khẩu được đi các nước châu Âu… Dù đánh bắt sản lượng nhiều nhưng giá thành thấp, trong khi đó chi phí cho mỗi chuyến ra khơi lại rất lớn.

“Việc lắp các thiết bị giám sát hành trình có nhiều lợi ích như: trong quá trình đánh bắt thủy hải sản ngoài khơi nếu máy móc trục trặc thì Biên phòng, tàu bạn có thể hỗ trợ kịp thời; các chủ tàu được thông báo trong trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài…, bản thân tôi đã động viên một số bạn tàu thực hiện”, ông Xuân nói.

Thanh Hóa triển khai quyết liệt những giải pháp cấp bách để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Thanh Hóa triển khai quyết liệt những giải pháp cấp bách để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hoá cho biết: Trong sáu năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt những giải pháp cấp bách để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Kiên quyết không cho các tàu cá đi biển khi không đảm bảo trang thiết bị, thủ tục, giấy tờ theo quy định.

Trong bốn tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra 108 tàu cá, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 38 trường hợp với tổng số tiền 513 triệu đồng.

Đối với các tàu cá “ba không” UBND tỉnh đã giao cho chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Ban quản lý cảng cá rà soát, xác định vị trí neo đậu của các tàu cá này; đồng thời yêu cầu các chủ tàu cá ký cam kết không đưa tàu đi đánh bắt khi chưa đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định. Đối với các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 10 ngày và trên sáu tháng, lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương làm việc, lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Thanh Hóa yêu cầu gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chống khai thác IUU, nhất là ở các xã, phường ven biển; kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao về chống khai thác IUU…

Để phát triển kinh tế biển bền vững, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, Thanh Hóa đã có những đề án, chính sách hỗ trợ ngư dân, từng bước mở rộng tổ chức sản xuất trên biển gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản và hình thành các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top