Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 3 năm 2024 | 16:36

Thanh niên chung tay hành động chống rác thải nhựa đại dương

Ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là ô nhiễm trắng đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa.

Tại Việt Nam, bằng những hành động cụ thể, mô hình thiết thực, đoàn viên, thanh niên đã và đang chứng tỏ là lực lượng xung kích đi đầu, là hạt nhân kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động chống rác thải nhựa.

Việt Nam thất thoát chất thải nhựa ra môi trường rất lớn

Theo báo cáo, khối lượng chất thải nhựa phát sinh tại các tỉnh/thành phố trên toàn quốc có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Năm 2021, mỗi ngày, Việt Nam thải ra khoảng 8.021 tấn rác thải nhựa, tương đương khoảng 2,93 triệu tấn/năm. Con số ghi nhận vào năm 2018 là xấp xỉ 2,7 triệu tấn, năm 2019 là 2,83 triệu tấn.

Trong năm 2021, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh ở khu vực đô thị khoảng 4.460 tấn/ngày, tương ứng với 1,63 triệu tấn/năm. Tại khu vực nông thôn, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh khoảng 3.561 tấn/ngày, tương ứng 1,3 triệu tấn/năm.

Tính theo vùng, đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ là hai khu vực đứng đầu cả nước về khối lượng chất thải nhựa phát sinh. Đây cũng là những nơi có chỉ số phát sinh chất thải bình quân người cao hơn so với các khu vực còn lại. Hầu hết các khu vực đô thị có chỉ số phát sinh chất thải nhựa đầu người khá đồng đều từ 40 - 50 kg/người/năm. Ngoài ra, các tỉnh thành ven biển cũng ghi nhận lượng chất thải nhựa nhiều hơn khu vực vùng núi.

Tính theo địa phương, Hà Nội và TP. HCM là hai nơi có lượng chất thải nhựa lớn nhất. TP. HCM – thành phố đông dân nhất cả nước ghi nhận lượng chất thải nhựa trung bình mỗi ngày khoảng 1068 tấn, còn thủ đô Hà Nội ghi nhận khoảng 738 tấn mỗi ngày vào năm 2021.

Rác thải nhựa được thải ra sau đêm giao thừa ở TP. HCM. Ảnh Duy Anh.

Ngoài ra, các thành phố du lịch phát triển và các trung tâm kinh tế lớn cũng ghi nhận lượng chất thải nhựa trên đầu người nhiều hơn các thành phố khác. Năm 2021, người dân TP. HCM thải ra trung bình 43kg/người/năm, con số này ở Bình Dương là 41kg, ở Ninh Thuận là 44kg, ở Quảng Ninh là 40kg. Tuy nhiên, số lượng này đã được cải thiện so với con số công bố năm 2019.

Theo nhóm chuyên gia xây dựng báo cáo, sự gia tăng khối lượng chất thải nhựa theo thời gian có liên quan đến xu thế phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu và thói quen của người dân đối với tiêu dùng sản phẩm nhựa. Trong các năm gần đây, xu hướng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, đặc biệt là dụng cụ ăn uống và đựng thực phẩm đã gia tăng nhanh chóng.

Một điểm đáng lưu ý, dù tỷ lệ chất thải nhựa tăng đều qua các năm nhưng việc thu gom chất thải nhựa, đặc biệt là việc tái chế nhựa có tỷ lệ rất thấp khiến chất thải nhựa thất thoát ra môi trường rất lớn.

Theo số liệu năm 2021, tổng khối lượng chất thải nhựa được thu gom là 6.581 tấn/ngày, tương ứng với 2,4 triệu tấn/năm. Khối lượng phát sinh không được thu gom là 1.440 tấn/ngày tương đương với 0,53 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 18% tổng khối lượng. Tỷ lệ thu gom chất thải nhựa có sự chênh lệch rất lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị cũng như các tỉnh/thành phố trên cả nước. Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ chất thải nhựa được thu gom thấp hơn so với các khu vực khác.

Trong đó, phần lớn chất thải nhựa thu gom được xử lý bằng hình thức chôn lấp hoặc đốt, tỷ lệ tái chế khá thấp. Năm 2021, chất thải nhựa được tái chế là 0,89 triệu tấn/năm nhưng khối lượng thực sự được đưa vào tái chế chỉ 0,77 triệu tấn/năm, khoảng 10% khối lượng chất thải nhựa thất thoát trong quá trình tái chế, tương ứng với 77.366 tấn.

Khối lượng chất thải nhựa bị thất thoát ra môi trường do không được thu gom trong toàn quốc là 1.152 tấn/ngày tương ứng với 420.373 tấn/năm. Việc chất thải nhựa bị thất thoát ra môi trường làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, tác động lên sức khoẻ con người và các loài sinh vật.

Chung tay hành động

Xác định vai trò của thanh niên, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tích cực cùng các cấp, các ngành tham gia công tác bảo vệ môi trường. Các hoạt động về bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống và bầu khí quyển được triển khai thường xuyên, liên tục. Nổi bật như việc tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh trên toàn quốc”, tổ chức chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, tổ chức Cuộc thi "Thách thức để thay đổi" nhằm vận động đoàn viên, thanh niên cả nước tình nguyện bảo vệ môi trường bằng các hành động thiết thực, xóa những "điểm đen" rác thải thành "điểm sáng - xanh - sạch đẹp"…

Theo ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội Nhựa Tái sinh (Hiệp hội Nhựa Việt Nam), để giảm thiểu rác thải nhựa, việc thay đổi hành vi và ứng xử của cả cộng đồng và doanh nghiệp đối với sản phẩm nhựa và rác thải nhựa là quan trọng nhất. Tổ chức Đoàn cần tiếp tục khích lệ đoàn viên thanh niên phát huy tinh thần sáng tạo, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần.

Thanh niên chung tay hành động chống rác thải nhựa đại dương.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, hơn 14.000 đoàn viên thanh niên của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường nói chung, phong trào chống rác thải nhựa nói riêng. Hàng năm, Đoàn Thanh niên Bộ thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hoạt động thu gom rác thải nhựa và làm sạch môi trường sống; triển khai mô hình công sở xanh tại cơ quan. Trong năm 2023, Đoàn Thanh niên Bộ tổ chức làm sạch bãi biển tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng; phát động Chương trình hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn tại trụ sở Bộ. Tại sự kiện này, các đoàn viên đã phân loại rác tại nguồn, đổi rác lấy cây xanh, chia sẻ các giải pháp sáng tạo về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

Cùng với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Đoàn Thanh niên Bộ đã tổ chức thành công cuộc thi “Sáng kiến tiêu dùng xanh, giảm ô nhiễm nhựa”. Sau hơn 2 tháng phát động (từ tháng 9-11/2023), Ban Tổ chức nhận được hơn 50 sáng kiến của các tác giả, nhóm tác giả từ khắp mọi miền Tổ quốc ở nhiều lứa tuổi và tầng lớp xã hội. Cuộc thi khơi dậy ý thức và hành động tiêu dùng xanh để giảm ô nhiễm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra tương lai bền vững; khuyến khích, vận động và tôn vinh những ý tưởng, sáng kiến, hành động giúp giảm ô nhiễm nhựa. Qua đó đẩy mạnh tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Lan tỏa những mô hình xanh

Chống rác thải nhựa là “cuộc chiến” dài hơi và không đơn giản. Với tinh thần xung kích của thanh niên, với mạng lưới rộng khắp của tổ chức Đoàn thanh niên, nhiều mô hình hành động chống rác thải nhựa được triển khai rộng rãi.

Điển hình là phong trào chống rác thải nhựa của Đoàn Thanh niên huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là lực lượng quan trọng trong quá trình triển khai dự án “Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện A Lưới do UBND tỉnh phối hợp cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam thực hiện.

Theo anh Trần Toàn, Bí thư Huyện đoàn A Lưới, tiểu thương và người đi chợ là nhóm cần quan tâm và tác động đầu tiên bởi lượng túi ni-lông và rác thải nhựa sử dụng một lần phát sinh trong hoạt động của nhóm đối tượng này lớn nhất. Huyện Đoàn đã chủ động phối hợp với dự án thực hiện “Mô hình chợ giảm rác nhựa” tại chợ Bốt Đỏ và chợ A Lưới. Đã có 25 tiểu thương tại chợ A Lưới trở thành Quầy hàng xanh giảm nhựa. Từ 3/2022, tủ cung cấp túi ni-lông sạch tái sử dụng được đưa vào vận hành và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ tiểu thương. Tiểu thương và người mua hàng sử dụng túi cho việc kinh doanh, mua sắm tại chợ, đồng nghĩa với việc giảm phát sinh túi ni-lông mới.

Góp phần xây dựng hình ảnh A Lưới thân thiện với môi trường trong mắt du khách, Huyện Đoàn xây dựng và đưa vào sử dụng “Hệ thống Poster điện tử” với 4 tấm áp phích điện tử, vận hành 24/24 giờ; lắp đặt các tấm pa-nô có nội dung tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở lưu trú. Đặc biệt, ý thức được sức mạnh của truyền thông của mạng xã hội, Huyện Đoàn thành lập chuyên mục “Tuổi trẻ A Lưới nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần” trên fanpage chính thức của đơn vị và thường xuyên đăng tải các hình ảnh hoạt động cũng như các câu chuyện ý nghĩa về bảo vệ môi trường và hoạt động giảm rác thải nhựa.

Với quyết tâm xây dựng Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa", Huyện đoàn Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã sáng tạo trong các ý tưởng về mô hình thùng rác thải nhựa, tiêu biểu là mô hình "Ngôi nhà phân loại rác"; đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa cho học sinh và phong trào "Kế hoạch nhỏ" thu gom, nhặt rác thải nhựa bán gây quỹ; tổ chức dọn vệ sinh môi trường từ trong nhà trường đến bãi biển... Đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt trong các tổ kiểm soát túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của du khách tại các cầu cảng. Tổ kiểm soát này sẽ yêu cầu du khách tập kết túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần vào thùng rác hoặc thiết bị lưu, chứa đặt tại cầu cảng.

Hưởng ứng Tháng Thanh niên 2024 với chủ đề “Thanh niên Thủ đô xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, sáng 2/3, Thành đoàn Hà Nội triển khai Mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa tại chợ Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì. Các đoàn viên thanh niên Thủ đô đã tuyên truyền, phát làn nhựa đi chợ và túi rác phân hủy sinh học cho người dân với mong muốn mỗi tổ chức, mỗi gia đình, mỗi cá nhân sẽ nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm trong việc hạn chế rác thải nhựa.

Dịp này, Thành đoàn Hà Nội ra mắt 3 đội hình tình nguyện: Đội tuyên truyền phòng chống rác thải nhựa, Đội bóc xóa quảng cáo, rao vặt và Đội giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải nhựa. Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Tiến chia sẻ, với mục tiêu xây dựng môi trường xanh, văn minh, thân thiện, hưởng ứng phong trào "Tôi yêu Hà Nội", Tuổi trẻ Thủ đô tích cực tham gia bảo vệ môi trường, trong đó có hoạt động giảm thiểu số lượng, tần suất sử dụng các chất thải từ nhựa, tăng cường sử dụng các vật liệu tái chế.

Diễn đàn "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên” là một trong nhiều hoạt đông của Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường hưởng ứng Tháng Thanh niên 2024. Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Đặng Quốc Khánh đề nghị các cấp cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Thanh niên Bộ, Đoàn Thanh niên các liên chi thuộc đoàn trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan tổ chức và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải nhựa. Mỗi đoàn viên, thanh niên gương mẫu đi đầu trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, gương mẫu thực hiện việc tái sử dụng các sản phẩm nhựa và thực hiện phân loại rác tại nguồn; đồng thời, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người dân chống rác thải nhựa, giúp người dân xây dựng các thói quen hạn chế và dần dẫn đến không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Tiến sỹ Phạm Mạnh Hoài (Chuyên gia Quản lý Đối tác và Chính sách, Chương trình Giảm nhựa của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam) cho rằng chúng ta không chỉ đang chống lại rác thải nhựa mà còn đang xây dựng tinh thần đoàn kết, sáng tạo và trách nhiệm đối với môi trường. Mỗi việc làm, mỗi ý tưởng sáng tạo của thanh niên đều là một đóng góp quý báu, là một hạt giống chúng ta gieo trồng cho tương lai./.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Dangcongsan,giaoduc....)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top