Đạt nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người, thầy giáo Lý Thường Kiệt, người Khmer, còn đam mê với ruộng vườn.
Sau giờ ở trường, về nhà thầy trở thành… nông dân chăm sóc 5 công đất làm lúa (1 công = 1.000m2) và 2 con bò, vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa giúp thầy gắn bó với nghề giáo.
Người thầy truyền lửa
Khi biết thầy dạy môn Giáo dục công dân (GDCD), không ít bạn bè ngạc nhiên vì sao không chọn môn khác mà lại chọn môn học “khô khan”, kén người học này. Nhưng, dạy GDCD là đam mê và thầy đã truyền lửa đam mê đó cho học sinh của mình..., dù sau giờ dạy, thầy phải chạy gần 30km từ trường về nhà để nuôi bò và làm ruộng.
Trò chuyện cùng tôi, thầy Lý Thường Kiệt (33 tuổi), giáo viên Trường THPT Hòa Tú (Mỹ Xuyên - Sóc Trăng) cho biết, thầy sinh ra và lớn lên ở ấp Tà Điếp C1, xã Thạnh Trị (Thạnh Trị - Sóc Trăng). Năm 2010, sau khi tốt nghiệp sư phạm chuyên ngành GDCD, thầy nhận quyết định về công tác tại Trường THPT Hòa Tú cho đến nay. Trường cách nhà gần 30km, do điều kiện gia đình nên thầy phải đi và về hàng ngày, tính ra cũng 60km.
Thầy Kiệt trong giờ lên lớp.
Về nhận công tác tại ngôi trường thành lập trước đó chưa lâu, lại thuộc vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến nên còn nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu nghề, đam mê dạy học, thầy đã vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
“Tôi được phân công phụ trách giảng dạy môn GDCD khối 12, quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và gia đình học sinh. Ngoài ra, bản thân còn tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Bên cạnh đó, tôi còn đảm nhận chức vụ Bí thư Đoàn Thanh niên trường”, thầy nói.
Ngoài ra, thầy Kiệt cũng luôn đi đầu trong việc áp dụng khoa học, công nghệ vào giảng dạy, áp dụng nhiều phần mềm hỗ trợ để soạn giảng nhằm tạo ra những bài học sinh động, đem lại sự hấp dẫn, hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết học như phần mềm trình chiếu PowerPoint, phần mềm thiết kế bài giảng điện tử Adobe Presenter; sử dụng các phần mềm ứng dụng Google Meet, Zoom, Azota, Zalo, Padlet,… Bên cạnh đó, thầy cũng đã thực hiện được nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong công tác, được công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh.
“Hằng năm, tôi đều phối hợp với Đoàn Thanh niên và tổ chuyên môn thực hiện nhiều chuyên đề như: Giáo dục truyền thống cách mạng, tự hào dân tộc qua tổ chức tham quan di tích lịch sử cấp Quốc gia Đình Hòa Tú (xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên), Khu Căn cứ tỉnh ủy Sóc Trăng (xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú), tổ chức hướng nghiệp cho các em học sinh tại Khu công nghiệp An Nghiệp (Châu Thành - Sóc Trăng), tổ chức tham quan và hướng nghiệp tại Đại học Cần Thơ và một số trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, tổ chức chuyên đề Một số giải pháp giúp học sinh làm tốt câu hỏi trắc nghiệm khách quan ở tổ hợp Khoa học xã hội…”, thầy cho biết thêm.
Sự nỗ lực của thầy đã mang lại kết quả cao. Bộ môn GDCD ở các lớp do thầy phụ trách luôn đạt hiệu quả cao. Số học sinh có điểm trung bình cuối năm từ Khá – Giỏi luôn đạt 90-100%. Tỉ lệ học sinh đạt điểm trên trung bình trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn đạt 98-100%, cao hơn tỉ lệ chung của tỉnh. Nhiều học sinh đạt điểm 9-10.
Ngoài ra, từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2021-2022, thầy Kiệt còn được nhà trường phân công bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt kết quả cao. Đến nay, học sinh của thầy đã mang về cho nhà trường bảng thành tích đáng nể: Có 12 em đạt giải cao trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh, trong đó có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 3 giải Khuyến khích. Một con số mà không phải trường nào cũng có được.
Em Đào Thị Bích Ngọc, học sinh lớp 12A2 của trường cho biết: “Hồi trước em nghĩ môn GDCD là môn phụ, ít ai thích học. Thế nhưng khi được học thầy Lý Thường Kiệt, em thấy môn này rất quan trọng. Thầy cung cấp cho chúng em nhiều kiến thức về pháp luật, về đạo đức rất thiết thực, rất bổ ích. Thầy có phương pháp dạy rất hấp dẫn học sinh. Được học thầy là niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng em. Mỗi giờ học của thầy là một sự trải nghiệm, khám phá rất thú vị”.
“Cứ yêu nghề rồi nghề sẽ yêu mình”
Thầy Kiệt tâm sự: “Từ nhỏ tôi đã đam mê môn GDCD nên sau khi học xong THPT, tôi chọn thi vào sư phạm chuyên ngành GDCD. Khi nghe tin tôi học môn này, nhiều bạn bè ngạc nhiên, hỏi tôi sao không chọn các môn khác mà lại chọn môn kén người học này thì tôi nói đó là môn tôi đam mê. Cho đến bây giờ, tôi không hối hận về sự lựa chọn của mình. Nếu được trở lại từ đầu, tôi vẫn chọn môn GDCD”.
Thầy luôn gần gũi với các em học sinh.
Ngoài công tác chuyên môn, thầy còn tổ chức nhiều hoạt động khác như tổ chức cho các em tham gia cuộc thi “Thanh niên Sóc Trăng với văn hóa giao thông” do Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tổ chức. Kết quả đoạt giải Nhất, Nhì, Ba cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, thầy cùng Ban Thường vụ Đoàn trường đã vận động từ quý mạnh thường quân hỗ trợ nhiều suất học bổng với tổng số tiền 93.000.000 đồng giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học tốt; giúp em Võ Mỹ Loan có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 39.000.000 đồng; giúp em Võ Văn Kiên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 41.000.000 đồng; vận động trao tặng căn nhà cho em Trọng Khang trị giá 40.000.000 đồng cùng 1 sổ tiết kiệm trị giá 5.000.000 đồng. Ngoài ra, bản thân em Khang còn nhận được 113.000.000 đồng do các nhà hảo tâm hỗ trợ, qua đó giúp em vượt qua khó khăn vững bước đến trường.
Thầy Đinh Văn Sự, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Tú, nhận xét: “Thầy Lý Thường Kiệt là giáo viên trẻ, có chuyên môn vững vàng, nhiệt tình trong công tác chuyên môn và các công tác khác, có nhiều đóng góp cho phong trào dạy tốt học tốt cũng như các hoạt động xã hội tại trường”.
Những năm công tác tại Trường THPT Hòa Tú, thầy Lý Thường Kiệt liên tục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sỹ thi đua cơ sở nhiều năm liền; được nhận nhiều Giấy khen, Bằng khen… Đặc biệt, năm 2022 này, thầy Lý Thường Kiệt là 1 trong những gương nhà giáo là người dân tộc thiểu số được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới. Đây là chương trình nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thầy giáo, cô giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo ở miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các thầy giáo dạy học sinh giáo dục đặc biệt.
Gieo “con chữ” viết lên những ước mơ
Theo tìm hiểu của PV, hoàn cảnh gia đình thầy Lý Thường Kiệt cũng khó khăn, sau giờ dạy ở trường, về nhà thầy trở thành… nông dân với 5 công (5.000m2) đất làm lúa, nuôi 2 con bò.
Thầy nói: “Vợ không có việc làm, con nhỏ chưa đầy 2 tuổi. Lương nhà giáo khoảng 7,3 triệu đồng mỗi tháng, gói ghém lắm mới đủ chi tiêu. Vì vậy, về nhà, tôi là nông dân chính hiệu trên 5 công ruộng, nuôi thêm 2 con bò, trong đó có 1 con bò sinh sản, mỗi năm cho một con bò con, bán cũng chỉ được khoảng trên dưới 10 triệu đồng.
Gắn bó nghề giáo và đam mê đồng ruộng đó là sự chân chất ở người giáo viên nhân dân này. Cuộc sống cứ xoay vần và thầy luôn cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác khi có mảnh vườn sinh kế và đồng lương ổn định.
Sinh ra từ gia đình thuần nông nhiều vất vả, cực nhọc, vì vậy, thầy Kiệt luôn tâm niệm sẽ gieo thật nhiều “con chữ” kiến thức đến thật nhiều con em bà con và cố gắng tìm nguồn hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em tiếp tục đến trường viết tiếp và thực hiện được ước mơ của mình.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.