Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 9 năm 2023 | 15:39

Thời cơ “vàng” để ngành dừa sánh cùng sầu riêng

Cơ hội xuất khẩu của ngành dừa đang rộng mở khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý nhập khẩu trái dừa Việt Nam. Tuy nhiên, để ngành dừa đem về lợi nhuận tối đa, cần có chính sách hỗ trợ về máy móc, vốn vay, xây dựng vùng trồng bền vững...

Nhiều tiềm năng

Việt Nam thuộc top 10 quốc gia sản xuất dừa lớn trên thế giới. Hiện nước ta có khoảng 200.000ha dừa, sản lượng khoảng 2 triệu tấn, tập trung tại các tỉnh Duyên hải miền Trung và ĐBSCL như Trà Vinh, Bến Tre...

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, Việt Nam đang là nước xuất khẩu dừa lớn thứ 4 châu Á - Thái Bình Dương. Bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt trên 900 triệu USD. Trung Quốc đang mở cửa thị trường và tăng mua sản phẩm này từ quý 2 nên hiệp hội kỳ vọng năm nay ngành dừa có thể cán đích 1 tỷ USD.

Ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng Thư  ký Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết, cả nước hiện có 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp đã xuất khẩu những sản phẩm chế biến sâu “Made in Vietnam”.  

Việt Nam thuộc tốp 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới, hiện có khoảng 200.000ha đất nông nghiệp trồng dừa.

“Ngành dừa không chỉ có doanh nghiệp chuyên sản xuất về dừa mà còn có nhiều doanh nghiệp khai thác nguyên liệu từ dừa như sản xuất thực phẩm, sản xuất tinh dầu trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, thân cây dừa đang có tiềm năng khai thác lớn để cho ra sản phẩm gỗ dừa”, ông Khoa chia sẻ.

Trước thông tin trái dừa sẽ được xuất đi Mỹ và Trung Quốc, thời gian qua, các địa phương khu vực ĐBSCL đã tập huấn, hướng dẫn bà con canh tác dừa theo tiêu chuẩn GAP, Global GAP, hữu cơ… 

Cụ thể, các địa phương trồng dừa đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Để xuất dừa sang Trung Quốc thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nông trại dừa hữu cơ. Chỉ riêng Bến Tre đã có hơn 7.000ha dừa đạt chứng nhận này.

Thời cơ “vàng”

Hai thị trường tiêu thụ dừa lớn là Mỹ và Trung Quốc mở cửa được xem là thời cơ “vàng” để mang lại lợi ích to lớn đối với ngành dừa Việt Nam, nhất là các thị trường khác cũng sẽ hưởng ứng khi nước ta đạt đủ các tiêu chí về chất lượng, quy trình sản xuất.

Theo đó, người nông dân, HTX, doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì.

Đặc biệt, để phát triển dừa một cách bền vững, các địa phương cần chú trọng phát triển theo hướng sạch, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, nói cách khác là, xây dựng các vùng trồng bền vững.

Bên cạnh chương trình xây dựng các vùng trồng bền vững, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa cần dành nguồn lực nghiên cứu phát triển phôi dừa chống chịu được hạn mặn và chính sách hỗ trợ phân bón cho người nông dân trồng dừa giảm chi phí đầu vào.

Đồng thời, Tham tán thương mại tại các nước hỗ trợ doanh nghiệp  tìm kiếm và kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhằm mở rộng thị trường, để trái dừa có thể xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, UAE (các Tiểu Vương quốc Ả rập).

Được đánh giá là mặt hàng nhiều tiềm năng thế nhưng việc khai thác tối đa lợi ích từ ngành dừa hiện còn hạn chế, bởi vì ngành dừa không đơn thuần chỉ sản xuất về dừa mà còn khai thác nguyên liệu từ dừa, phục vụ các ngành sản xuất thực phẩm, y tế, mỹ phẩm,... với hơn 200 sản phẩm liên quan đến cây dừa.

Nỗ lực thu lợi nhuận tối đa

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng, dù khó có thể vượt mặt được sầu riêng do diện tích vùng nguyên liệu hạn chế, nhưng sản phẩm dừa hoàn toàn có thể bắt kịp chuối với kim ngạch 600 - 700 triệu USD/năm. Đây mới chỉ là mặt hàng dừa tươi và các sản phẩm chế biến thực phẩm, còn nếu tính thêm những mặt hàng thủ công mỹ nghệ và các phụ phẩm khác từ dừa thì kim ngạch còn cao hơn nhiều.

Do vậy, các địa phương cần phát triển công nghiệp chế biến dừa theo chuỗi giá trị, đầu tư dây chuyền tự động hóa, khép kín để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn thế giới như nước dừa đóng lon, đóng hộp, nước cốt dừa đóng lon, kẹo dừa, dầu gội, kem dưỡng da…

Nhằm chuẩn bị cho việc xuất khẩu dừa, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã mở 55 lớp tập huấn về quy định kiểm dịch thực vật, với gần 5.000 cán bộ kỹ thuật được tổ chức. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt để các địa phương tuyên truyền về quy định kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như các quy trình canh tác, quản lý dịch hại đến với bà con nông dân và doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Trúc Liên, Giám đốc khối nguyên liệu Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), cho rằng, muốn trái dừa đem về lợi nhuận tối đa, cần có chính sách hỗ trợ về máy móc, vốn vay.

“Muốn phát triển ngành dừa theo hướng gia tăng giá trị, cần phải cải tiến khâu sơ chế. Hầu như sơ chế dừa trái đang làm thủ công, vì vậy, nhà khoa học cần quan tâm nghiên cứu phát triển máy móc sơ chế dừa trái, để các doanh nghiệp giảm phụ thuộc lao động thủ công”, bà Liên nói.

Bà Liên cũng đề xuất cơ chế ưu đãi về vốn cho các dự án đầu tư công nghệ chế biến dừa và các dự án hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững, theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.

Từ thực tế, để tiếp cận và tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dừa, cần sự nỗ lực của nhiều cơ quan, ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người trồng dừa.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cần tổ chức nhiều tổ khuyến nông cộng đồng ở cấp cơ sở, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, giúp người nông dân có thông tin chính thống. Đây cũng là cơ sở để bà con tăng cường khả năng tiếp xúc, kết nối với doanh nghiệp, tạo tiền đề cho việc tái cơ cấu, chuyển đổi vùng nguyên liệu theo hướng xanh, bền vững, đúng với xu hướng tiêu dùng các sản phẩm từ dừa của thế giới.

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top