Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 3 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 7 năm 2023 | 15:7

Thủ tướng: 6 nhiệm vụ trọng tâm để Long An hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh với tầm nhìn đến năm 2050

Sáng ngày 25/7, tại thành phố Tân An, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An. Long An là địa phương đầu tiên của khu vực phía nam được phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Long An - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị, các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được trực tiếp đối thoại với lãnh đạo tỉnh, cập nhật thông tin về Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tìm hiểu chủ trương, chính sách, định hướng phát triển, tư duy, tầm nhìn, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, không gian phát triển mới, tình hình kinh - tế xã hội và các dự án cụ thể của Long An.  Đồng thời, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có ý kiến, gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.

Địa phương đầu tiên của khu vực phía nam được phê duyệt quy hoạch

Long An là địa phương thứ 10 trên cả nước và là địa phương đầu tiên của khu vực phía nam được phê duyệt quy hoạch, hướng tới mục tiêu đưa Long An sớm là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía nam.

Theo Quy hoạch, tỉnh tổ chức không gian phát triển theo mô hình "Một trung tâm – Hai hành lang – Ba vùng kinh tế xã hội – Sáu trục động lực". Trong đó, 1 trung tâm là thành phố Tân An; 2 hành lang gồm: Hành lang đường Vành đai 3, 4 và hành lang phát triển phía nam; 3 vùng KTXH gồm: Vùng đô thị và công nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu, vùng đệm sinh thái; 6 trục động lực gồm: Trục động lực vành đai 3, 4, trục động lực quốc lộ 50B, trục động lực song hành quốc lộ 61B, trục động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh, trục động lực quốc lộ N1 và trục động lực Đức Hòa.

Quy hoạch đặt mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng ĐBSCL; kết nối chặt chẽ với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc".

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu hút đầu tư FDI của tỉnh năm 2022 đứng trong tốp 10 các tỉnh, thành phố và đứng đầu khu vực ĐBSCL; đến hết tháng 6/2023, thu hút đầu tư FDI của Long An vượt lên đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (sau Bắc Giang, Nghệ An, Bình Phước, Bắc Ninh) và tiếp tục đứng đầu khu vực ĐBSCL. Hiện nay, có gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào tỉnh.

Tại Hội nghị, Long An giới thiệu 13 dự án ưu đãi đầu tư gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Long An; khu công nghiệp Phú An Thạnh;  khu công nghiệp Việt Phát; khu công nghiệp Prodezi; khu phức hợp giải trí Khang Thông; khu đô thị Nam Long VCD; trung tâm công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười tại Long An; khu vực tiếp nhận kho vận, logistics - cảng Long An; xây dựng trung tâm kho vận lương thực tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An; trung tâm kho vận và dịch vụ logistics; phát triển chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Long An; đầu tư sản xuất và xây dựng các nhà máy chế biến khoai mỡ; nhà máy chế biến thanh long.

Tại Hội nghị, tỉnh Long An đã trao quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư, ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) với các nhà đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng, đánh giá cao Long An đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng nêu rõ, có quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt.

Đây là sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Long An nói riêng, mới nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 12 bậc

Dành thời gian thông tin khái quát về những nền tảng phát triển, tình hình KTXH và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam phát triển dựa trên 3 trụ cột (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa); lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thực hiện chính sách quốc phòng "bốn không": không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Thủ tướng thông tin khái quát về những nền tảng phát triển, tình hình KTXH và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tình hình thế giới thời gian gần đây tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là thị trường xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỉ giá, lãi suất... Các tác động, ảnh hưởng này càng nặng nề hơn do Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn nhưng độ mở lớn, trong khi sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Trước tình hình khó khăn đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH.

Thực hiện Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành và thực hiện quyết liệt nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ trình Quốc hội ban hành 9 luật, Chính phủ đã ban hành 44 nghị định, 106 nghị quyết theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tháo gỡ các vướng mắc…

Chính phủ đã thành lập 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và 26 đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn để kiểm tra, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các địa phương (trong đó đã xử lý 300/1.000 kiến nghị và đang tiếp tục xem xét, xử lý đối với trên 700 kiến nghị còn lại).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, hoạt động đối ngoại, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế, trong nước. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng KTXH trên cả nước gắn với tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vùng, địa phương.

Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tình hình KTXH tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực theo từng tháng, từng quý; đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước, góp phần củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu (theo báo cáo tháng 5/2023 của EIU - Economist Intelligence Unit).

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, nền kinh tế còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức và các cơ quan đang cần giải quyết. Phản ứng chính sách của một số bộ, cơ quan chưa kịp thời; một số địa phương tổ chức thực hiện chưa quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả; thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn rườm rà, phức tạp; một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, cần bám sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời và tổ chức thực hiện hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần đã nói làm làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cân đong đo đếm được, kiểm tra được; làm việc nào dứt việc đó; đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, uỷ quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; giữ vững bản lĩnh chính trị, tự tin, không cầu toàn, không nóng vội; không lạc quan khi thuận lợi; không bi quan khi khó khăn; phát huy tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; xử lý nghiêm việc đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Thủ tướng khẳng định thời gian tới, Việt Nam tiếp tục kiên định các chủ trương, đường lối đề ra và thực hiện quyết liệt, chủ động, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) gắn với kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân; trong đó đặc biệt chú trọng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực từ bên trong và bên ngoài cho phát triển đất nước. Đơn cử, liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết gần đây Việt Nam đã đưa hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào giao dịch.

Long An cần biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển

Về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Long An, Thủ tướng cơ bản đồng tình với ý kiến của các đại biểu và nhấn mạnh, Long An là vùng đất địa linh, nhân kiệt, thời kỳ nào người Long An cũng có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước; có truyền thống lịch sử hào hùng; có nhiều đổi mới; là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều vùng văn hóa; là trung tâm kết nối giữa miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ, hành lang kinh tế từ Bắc vào Nam, hành lang kinh tế Đông – Tây và hành lang kinh tế ven biển; có thêm nhiều kinh nghiệm và tiềm lực sau hơn 35 năm đổi mới.

Như vậy, Long An hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển KTXH nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển không chỉ cho Long An, mà còn lan tỏa cho vùng ĐBSCL và cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Long An chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư được trao Giấy chứng nhận chủ trương đầu tư - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Long An cần phát huy truyền thống, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển theo tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân"; hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém mà Quy hoạch tỉnh đã nêu lên; phát huy lợi thế trung tâm kết nối; phát huy tối đa các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tự lực, tự cường đi lên từ nội lực của mình (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử), đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu của mình; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Khẩn trương, quyết liệt triển khai Quy hoạch tỉnh

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trước hết, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Long An khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh 2 nội dung quan trọng gồm: (i) Ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển theo mô hình "Một trung tâm – Hai hành lang – Ba vùng kinh tế xã hội – Sáu trục động lực"; (ii) chú trọng công tác điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển KTXH.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, dựa trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng KTXH, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội, hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trong đó tạo thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, huy động các doanh nghiệp và người dân tham gia. Tập trung phát triển logistics, đóng vai trò trung chuyển cho vùng ĐBSCL.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản. "Yêu cầu các địa phương rà soát lại, cắt bỏ các thủ tục rườm rà; không ban hành các văn bản, thủ tục làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp, cản trở sự phát triển", Thủ tướng phát biểu.

Thứ năm, chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; đầu tư hơn nữa cho giáo dục, đào tạo, nhất là dạy nghề, phục vụ những ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh. Chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia, khai thác hiệu quả vai trò đầu mối giao thương, hợp tác với các địa phương của Campuchia.

"Nếu thực hiện tốt 6 nhiệm vụ này thì tôi tin chắc tỉnh Long An sẽ thực hiện được Quy hoạch vừa được công bố", Thủ tướng khẳng định.

Đề nghị nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc các cam kết

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện nghiêm túc các cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp, theo quy hoạch của Tỉnh. Đồng hành với chính quyền các cấp; thẳng thắn góp ý, kiến nghị có trách nhiệm, xây dựng với chính quyền. Thực hiện tốt văn hóa kinh doanh, tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động, tích cực tham gia đảm bảo an sinh xã hội.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục và đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào hoạt động với tinh thần "Đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", tập trung vào một số động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Đối với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể để phục vụ và là mục tiêu, động lực của sự phát triển".

Cùng với đó, giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của tỉnh và người dân, doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan. Phối hợp chặt chẽ với Long An đánh giá thực trạng, có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, sự thành công của Hội nghị hôm nay là bước khởi đầu tốt đẹp, tạo sức lan tỏa và thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Long An, tạo ra sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được, góp phần thúc đẩy tỉnh phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh với tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng ĐBSCL.

Nhân Hội nghị, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác, giúp đỡ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, Chính phủ, nhân dân các nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài trên các lĩnh vực.

 

Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top