Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, “trồng người” là một trong những sự nghiệp quan trọng nhất, đất nước thịnh hay suy là nhờ sự nghiệp giáo dục
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm Trường tiểu học thị trấn Yên Lập - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng ngày 3/9, trước thềm năm học mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm, động viên các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh và kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Trường tiểu học thị trấn Yên Lập và Trường THPT Yên Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập tuy mới thành lập cách đây 25 năm nhưng đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận. Còn Trường THPT Yên Lập là ngôi trường có bề dầy truyền thống và giàu thành tích của ngành giáo dục của tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là những ngôi trường miền núi có nhiều giáo viên và học sinh là người dân tộc thiểu số.
Tại các trường, Thủ tướng ân cần thăm hỏi, gửi lời chào thân ái và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các em, các thầy cô giáo nhân dịp năm học mới, kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Thủ tướng ân cần thăm hỏi các em học sinh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những thành tích đáng ghi nhận mà 2 cơ sở giáo dục đã đạt được trong những năm qua, nhất là đã vượt qua những khó khăn, thách thức do dịch bệnh trong năm học vừa qua; tích cực chuẩn bị cho năm học mới trong trạng thái bình thường, không phải dạy và học trực tuyến.
Thủ tướng khẳng định, giáo dục và đào tạo là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đất nước thịnh hay suy là nhờ sự nghiệp giáo dục, nhân dân ta, dân tộc ta có truyền thống hiếu học, “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Dù đất nước còn những khó khăn, nhưng chúng ta không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới công tác giáo dục, coi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người từng căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Nhấn mạnh phương châm “lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực”, Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục và các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, trong đó có Chỉ thị số 14 ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện, bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý không để bất cứ học sinh nào không được tới trường do hoàn cảnh khó khăn, hết sức quan tâm tới các em học sinh yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Ông nhắc lại, ngay từ năm 1945 và trong thời kỳ chiến tranh, chúng ta đã khắc phục những khó khăn rất lớn để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ngày nay, đất nước đã có điều kiện tốt hơn, chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm, đầu tư hơn nữa trong sự nghiệp này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trường tiểu học thị trấn Yên Lập. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng lưu ý việc bảo đảm sách giáo khoa cho học sinh; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; không để em học sinh nào đến trường mà không có sách giáo khoa. Thủ tướng lưu ý nghiên cứu, triển khai việc cho học sinh mượn sách giáo khoa, cùng với giáo dục các em về tinh thần tiết kiệm, trân trọng sách vở, đồ dùng học tập.
Bảo đảm tốt nhất có thể cơ sở vật chất, thư viện, thiết bị giảng dạy phù hợp với điều kiện của địa phương. Qua kiểm tra thực tế tại các nhà trường, Thủ tướng yêu cầu hết sức chú ý vấn đề vệ sinh, môi trường, nhà vệ sinh cho các em học sinh, không coi đây là “công trình phụ”. Ông nhắc nhở việc bảo đảm nước sạch trong nhà vệ sinh, khi có những vòi nước ngay trước ngày khai giảng vẫn chưa có nước.
Thủ tướng cũng lưu ý ngành giáo dục, các nhà trường trồng thêm nhiều cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa để tạo bóng mát cho các em và cảnh quan xanh, sạch, đẹp, tránh tình trạng “cả sân trường hàng nghìn mét vuông toàn bê tông không có cây xanh nào, rất nóng vào mùa Hè”. Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan, các địa phương nghiên cứu mở rộng khuôn viên các trường, tránh tình trạng các phòng học quá chật hẹp để tạo điều kiện tốt nhất cho việc giáo dục, chăm sóc các em.
Vừa qua, các cơ quan có thẩm quyền đã đồng ý bổ sung thêm 64.000 biên chế giáo viên trên cả nước. Thủ tướng yêu cầu thực hiện việc tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu được phân bổ bảo đảm số lượng và chất lượng; nguyên tắc là ở đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên, nhưng cơ cấu lại, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý, có phương án khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, âm nhạc, thể chất.
Thủ tướng yêu cầu tổ chức khai giảng năm học mới bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các em học sinh và các thầy cô giáo; thực hiện đúng các quy định về thu, chi, công khai các khoản thu đầu năm.
Thủ tướng đề nghị các nhà trường nghiên cứu đổi mới công tác quản trị, phương thức dạy và học, chú trọng hơn nữa tới công tác hoạt động ngoại khóa, giáo dục thể chất, nghệ thuật, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử của đất nước, lý tưởng cách mạng, đạo đức, ý thức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, tạo môi trường để học sinh dân tộc thiểu số vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa giao lưu, hòa nhập với học sinh các dân tộc khác.
Thủ tướng mong muốn tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường - cộng đồng dân cư để chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục các cháu, tổ chức hiệu quả, thực chất các hội nghị với phụ huynh để cùng nhà trường gắn bó chặt chẽ, giải quyết các vấn đề đặt ra.
Thủ tướng mong muốn các thầy cô giáo tận tụy với công việc, quan tâm, nắm bắt hoàn cảnh của từng em học sinh, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn - thân thiện - hạnh phúc, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui với các em.
Thủ tướng khẳng định dù đất nước còn có những khó khăn, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Phú Thọ và các trường phổ thông làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg, ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước và đạt đẳng cấp quốc tế.
Nhân dịp này, một lần nữa, Thủ tướng đề nghị các địa phương, ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, các phụ huynh học sinh đặc biệt lưu ý nhiệm vụ tiêm vaccine phòng chống COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả để các em học sinh được yên tâm tới trường an toàn, phụ huynh yên tâm, thầy cô không lo lắng.
Thủ tướng khẳng định dù đất nước còn có những khó khăn, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cân đối ngân sách để cải cách chính sách tiền lương, trong đó có tiền lương với đội ngũ giáo viên, tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất của ngành giáo dục.
Thủ tướng tin tưởng các thầy cô sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang, để “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”, tất cả vì học sinh thân yêu, vì thế hệ tương lai của đất nước như Bác Hồ hằng mong đợi.
Nhân dịp này, Thủ tướng và đoàn công tác đã trao tặng mỗi trường khoản kinh phí 100 triệu đồng cho các trường với mong muốn nhà trường có thêm kinh phí để tặng học bổng cho các em học sinh xuất sắc và hỗ trợ, động viên các em có hoàn cảnh khó khăn.
* Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm Dự án xây dựng công trình Trường THPT Chuyên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) với tổng mức đầu tư 457,4 tỷ đồng đang chuẩn bị hoàn thành.
Đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư nguồn lực của tỉnh Phú Thọ dành cho ngôi trường này, Thủ tướng đề nghị nhà trường tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, giáo dục học sinh toàn diện về đức – trí – thể - mỹ, góp phần đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh Phú Thọ, vùng và cả nước.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.