Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 6 năm 2023 | 14:10

Thủ tướng: Luật Đất đai phải tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn, song cần có tầm nhìn

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa phải giải quyết vấn đề có tính thực tiễn, vừa phải có tầm nhìn mang tính dự báo để đáp ứng được mong mỏi của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Sáng nay 9/6, phát biểu thảo luận tại tổ với tư cách là một Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng nên các đại biểu cần rà soát xem luật bám sát chủ trương đường lối của Đảng và góp phần tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn hay chưa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Nhấn mạnh bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để nghiên cứu sửa luật, Thủ tướng đồng thời cho rằng không thể đòi hỏi một lần sửa đổi giải quyết được hết vướng mắc, bao phủ được hết góc cạnh của cuộc sống. Song, việc sửa đổi cố gắng xử lý được những vướng mắc, bất cập trong khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai – một nguồn lực quan trọng của đất nước, là một trong 3 trụ cột con người – thiên nhiên (có đất đai) và văn hóa, truyền thống lịch sử.

Mạnh dạn phân cấp, phân quyền

Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh, luật vừa phải giải quyết vấn đề có tính thực tiễn, vừa phải có tầm nhìn mang tính dự báo, từ đó sửa đổi mang tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược hơn để khi luật ra đời đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.

Khẳng định với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo chứng tỏ sự quan tâm của nhân dân và rất nhiều việc cần giải quyết, ông mong luật khi được Quốc hội ban hành góp phần quan trọng trong giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến của Đại biểu Quốc hội rằng cần rà soát lại các quy định liên quan phân cấp, phân quyền, bởi thực tế đang rất vướng, ông Phạm Minh Chính cho rằng có việc hiện qua quy trình nhiều bước nên mất rất nhiêu thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội.

“Phân cấp, phân quyền phải được quy định trong luật thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới làm được. Việc này phải đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao khả năng thực thi của đơn vị được phân cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu không tăng cường kiểm tra, giám sát có khi lại đi chệch hướng, không đi đúng mục tiêu” – đại biểu Phạm Minh Chính nói.

Nêu quan điểm phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng một số tỉnh, thành khi được xem xét cơ chế, chính sách đặc thù đều đề xuất việc phân cấp, chứng tỏ đây là vướng mắc từ thực tiễn chứ không còn là cơ chế ưu đãi.

Ông Phạm Minh Chính đề nghị các Đại biểu Quốc hội ủng hộ phân cấp, phân quyền, tất nhiên đến mức độ nào phù hợp với trình độ quản lý ở mỗi cấp. “Ta phải tin tưởng chứ, vì có tổ chức Đảng lãnh đạo, có cơ quan Nhà nước, có các đoàn thể… làm công tác kiểm tra, giám sát. Rà soát phân cấp phân quyền xem dự thảo luật thiết kế được chưa” – ông nêu ý kiến.

Trăn trở về thủ tục hành chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng có nhiều vấn đề cần tháo gỡ để giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, giảm đi lại và những chi phí không cần thiết cho người dân. Việc kéo dài làm mất chi phí, mất thời gian và mất luôn cơ hội của người dân, doanh nghiệp. Do đó cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý đất đai.

Khẳng định nhiều thủ tục hành chính vì quy định quá nhiều tầng nấc, ông Phạm Minh Chính mong các Đại biểu Quốc hội từ báo cáo thẩm tra và tờ trình của Chính phủ tiếp tục rà soát trên tinh thần cắt giảm.

Phát huy trí tuệ, đầu tư thời gian để luật chất lượng

Liên quan quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Thủ tướng cũng cho rằng cần quy định rõ thẩm quyền, phân cấp, phân quyền và giảm thủ tục hành chính. Quy hoạch đất vừa giải quyết vấn đề trước mắt vừa có tầm nhìn dài hạn để phát triển bền vững, lâu dài.

“Đất đai không thể sinh ra, phải sử dụng, khai thác sao cho hiệu quả, gồm cả không gian trên trời, mặt đất và không gian ngầm, rồi liên quan cả không gian biển như vấn đề lấn biển, lấp biển thế nào để vừa giữ môi trường, vừa đảm bảo sự phát triển của đất nước. Phải sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai; làm thế nào cho phù hợp phải có đánh giá” – ông Phạm Minh Chính nêu rõ.

Vấn đề tiếp theo được ông Phạm Minh Chính đặt ra là việc thu hồi đất và tái định cư. Đây là nội dung được người dân và cử tri quan tâm nhiều. Quan điểm của Đảng rất rõ: Khi thu hồi đất, thực hiện tái định cư thì làm sao người dân nhường đất chuyển đi nơi khác được đảm bảo bằng hoặc hơn nơi ở cũ. “Bằng” hoặc “hơn” thế nào thì luật cần lượng hoá. Điều kiện của từng khu vực, từng địa phương có khác nhau nên phải phân cấp để chủ động.

Định giá đất cũng được cử tri quan tâm. Tuy nhiên, định giá như thế nào cho phù hợp thì là vấn đề khó, thị trường luôn lên xuống nên tuân thủ thị trường thì có can thiệp gì khi cần thiết không? Phải cân đối, cần có công cụ của Nhà nước để thị trường phát triển lành mạnh nhưng không tạo nên xáo trộn, khó khăn cho người dân, DN khi phải nhường đất để triển khai các dự án.

“Cái này là khó. Không lượng hoá ra được sẽ dễ dẫn đến không bám sát thực tế và tùy tiện, dẫn đến sai” – ông Phạm Minh Chính lưu ý.

Vị đại biểu Quốc hội đoàn Cần Thơ cũng nhấn mạnh cần nâng cao năng lực quản lý của cán bộ địa chính, có cơ sở dữ liệu về đất đai mang tính chất bao quát, có thể liên thông tra cứu để tham khảo.

“Phải nói đây là dự án luật khó, nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, vừa phải xử lý những vấn đề bất cập trước đây, vừa giải quyết việc hiện tại nhưng phải có tầm nhìn trong tương lai” – Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích và mong Đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, đầu tư thêm thời gian, công sức, chắt lọc từ hàng nghìn trang tài liệu, hàng triệu ý kiến nhân dân để xây dựng bộ luật chất lượng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống, có tầm nhìn và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Chính phủ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, tiếp thu tối đa ý kiến hợp lý để hoàn thiện dự án luật rất quan trọng này.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top