Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 21 tháng 5 năm 2022 | 20:28

Thủ tướng: "Mong các nhà đầu tư đến với Gia Lai bằng cả trái tim"

Dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các nhà đầu tư đến với Gia Lai “bằng cả trái tim mình”, nghiêm túc, chân thành, trách nhiệm, các bên phải thực hiện bằng được những điều đã cam kết...

 
Thủ tướng: ‘Mong các nhà đầu tư đến với Gia Lai bằng cả trái tim, nghiêm túc, chân thành” - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Chiều ngày 21/5, tại TP. Pleiku, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022. Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 400 đại biểu của các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi có đông đảo đại biểu tham dự hội nghị, cho thấy tình cảm dành cho tỉnh Gia Lai, các bài phát biểu của nhà đầu tư cũng thể hiện đam mê, khát vọng, cảm xúc với Gia Lai. Thủ tướng mong muốn không khí phấn khởi của hội nghị tiếp tục lan tỏa rộng rãi, mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho Gia Lai tiếp tục phát triển.

 

Thủ tướng: ‘Mong các nhà đầu tư đến với Gia Lai bằng cả trái tim, nghiêm túc, chân thành” - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Con người là tài sản lớn nhất, nguồn lực quan trọng nhất

Dành nhiều thời gian phân tích về tình hình thế giới, trong nước, Thủ tướng cho biết Việt Nam với vị trí chiến lược quan trọng, chịu tác động mạnh mẽ từ cạnh tranh chiến lược đang diễn ra quyết liệt giữa các nước, từ những diễn biến mới phức tạp, khó lường như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, an ninh mạng… Đây là những vấn đề toàn cầu mà Việt Nam phải cùng chung tay với các nước giải quyết, với tư duy, cách tiếp cận, giải pháp phù hợp.


Thủ tướng: ‘Mong các nhà đầu tư đến với Gia Lai bằng cả trái tim, nghiêm túc, chân thành” - Ảnh 3.

Với Gia Lai, Thủ tướng chỉ ra những tiềm năng, lợi thế, điều kiện phát triển của tỉnh như đất đai phù hợp phát triển cây công nghiệp, truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng...- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Chia sẻ những định hướng lớn trong phát triển đất nước, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Việt Nam xác định lấy nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử-văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa, hợp lý với ngoại lực (vốn, công nghệ, quản trị…) là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Trong đó, con người là tài sản lớn nhất, nguồn lực quan trọng nhất và tư duy đột phá sẽ tạo ra nguồn lực mới cho phát triển. Truyền thống của dân tộc ta là càng khó khăn, thách thức lại càng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành.

Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhất kể từ khi đổi mới, do dịch bệnh và chịu tác động mạnh từ những diễn biến mới vừa qua trên thế giới, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội cho hàng chục triệu người, kinh tế phục hồi và phát triển, duy trì tăng trưởng, GDP tăng hơn 5% trong quý I năm 2022, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ASEAN, quy mô xuất nhập khẩu vào nhóm 20 nước lớn nhất thế giới.

"Trong bối cảnh thế giới bất ổn mà chúng ta không xử lý được các vấn đề đặt ra thì không thể yên ổn làm ăn. Nếu đất nước bất ổn thì chúng ta không thể có mặt tại Gia Lai mà xúc tiến đầu tư", Thủ tướng nói.

 

Thủ tướng: ‘Mong các nhà đầu tư đến với Gia Lai bằng cả trái tim, nghiêm túc, chân thành” - Ảnh 5.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Phải thực hiện bằng được các cam kết để xúc tiến đầu tư thực chất, hiệu quả

Với Gia Lai, Thủ tướng chỉ ra những tiềm năng, lợi thế, điều kiện phát triển của tỉnh như đất đai phù hợp phát triển cây công nghiệp, truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, con người hiền hòa, chịu khó, một lòng đi theo Đảng, hệ thống hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện, vị trí địa lý nằm ở phía bắc Tây Nguyên, giáp với Campuchia…

Thủ tướng nhấn mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh vẫn là nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, trong đó phải hết sức chú ý công tác tiêm chủng vaccine để đạt được mục tiêu đã đề ra, tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực y tế.

Nhiệm vụ khác là đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời tạo ra đột phá mới, động lực mới cho phát triển, sự hấp dẫn mới với các nhà đầu tư.

Thủ tướng: ‘Mong các nhà đầu tư đến với Gia Lai bằng cả trái tim, nghiêm túc, chân thành” - Ảnh 6.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành quan tâm giúp đỡ Gia Lai về mọi mặt với trách nhiệm cao nhất - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thủ tướng cũng lưu ý nhiệm vụ đầu tư, xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế… Thủ tướng yêu cầu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, làm tới đâu dứt điểm tới đó, không dàn trải, manh mún, kéo dài; đồng thời đẩy mạnh hợp tác công-tư, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Ghi nhận những kết quả của Gia Lai như năm 2020, Chỉ số cải cách hành chính (ParIndex) xếp 21/63 tỉnh, thành phố, Chỉ số sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp 28/63, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 xếp 26/63, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…

Tỉnh cần tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, đa dạng hóa chuỗi cung ứng…

Thủ tướng lưu ý tỉnh cần quan tâm việc chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo, thích ứng biến đổi khí hậu; chú trọng, tập trung giữ gìn, phát triển và khai thác bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của vùng Tây Nguyên và địa phương.

Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai với cách làm mới, công nghệ mới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bảo đảm phát triển xanh, bền vững, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa doanh nghiệp, người dân và Nhà nước.

Thủ tướng: ‘Mong các nhà đầu tư đến với Gia Lai bằng cả trái tim, nghiêm túc, chân thành” - Ảnh 7.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xúc tiến đầu tư phải thực chất, tránh hình thức, tránh tổ chức, ký kết rầm rộ nhưng đạt hiệu quả thực tế không cao - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

"Các nhà đầu tư thì phải có lợi nhuận và có thể đầu tư ở những nơi thuận lợi như Thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương thì sẽ có lợi nhuận nhiều hơn. Nhưng đầu tư vào Gia Lai cũng có những thuận lợi riêng và chúng ta còn có thể sẻ chia với đồng bào, với mảnh đất còn nhiều khó khăn này. Làm việc gì cũng khó. Tôi rất mong các nhà đầu tư đến với Gia Lai một cách nghiêm túc, bằng cả trái tim mình. Phải yêu quý mảnh đất, con người, cảm nhận được những gì tốt đẹp nơi đây, phải có lòng tin, chân thành, trách nhiệm với nhau, thì mới đầu tư lâu dài được, thì mới biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", Thủ tướng nhắn nhủ. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành quan tâm giúp đỡ Gia Lai về mọi mặt với trách nhiệm cao nhất, đồng thời tỉnh Gia Lai phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa khẩu của mình.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xúc tiến đầu tư phải thực chất, tránh hình thức, tránh tổ chức, ký kết rầm rộ nhưng đạt hiệu quả thực tế không cao. Quan trọng nhất là sau hội nghị này, ai cam kết đã làm gì phải nghiêm túc làm, không để địa phương và người dân "hy vọng rồi thất vọng", góp phần phát triển vùng đất còn khó khăn này.

Cơ hội để Gia Lai chào đón "làn sóng" đầu tư

Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2021 (GRDP) tăng 9,03% so với năm 2020. Trong thu hút đầu tư, có 60 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng. Thu ngân sách tăng cao, đạt gần 8.000 tỷ đồng. Gia Lai chính thức gia nhập nhóm các tỉnh thành có mức thu ngân sách trên 5.000 tỷ đồng.

Tỉnh Gia Lai mong muốn Hội nghị là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trao đổi, nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, môi trường và sự khác biệt khi đầu tư vào Gia Lai. Tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch với các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ... để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại Gia Lai, ông Thành khẳng định.

Những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đã mở ra cánh cửa rộng lớn để Gia Lai chào đón "làn sóng" đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh. Đây cũng là các trụ cột chính trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết, trao các văn bản thỏa thuận, hợp tác đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

 

 

Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top