Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 10 năm 2022 | 21:36

Thủ tướng: Nghiên cứu các chính sách đặc thù dành riêng cho phụ nữ

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, trong đó lưu ý chính sách đặc thù dành riêng cho phụ nữ trên nhiều lĩnh vực.

Sáng 15/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội". Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các địa phương. Hơn 300 đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm tại Hà Nội và trên 5.000 cán bộ, hội viên phụ nữ, các nữ doanh nhân, nữ trí thức, phụ nữ lực lượng vũ trang, phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực tham gia tại các điểm cầu.

Thủ tướng: Các chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ thời gian qua góp phần tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bảo đảm tối đa quyền và lợi ích cho phụ nữ, trẻ em

Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã giải đáp các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu về 3 nhóm chủ đề: (1) Phụ nữ với phát triển kinh tế; (2) Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; (3) Phụ nữ và thế hệ tương lai.

Trực tiếp làm rõ thêm một số nội dung, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu khi xây dựng các cơ chế, chính sách, ngoài các quy định chung, cần tính tới các quy định riêng phù hợp với phụ nữ.

GS.TS. Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đặt câu hỏi về giải pháp nhằm thu hút và sử dụng nhà khoa học nữ trong thời gian tới tham gia tích cực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội đất nước?

Thủ tướng cho rằng, chủ trương bình đẳng giới của Đảng, Nhà nước ta đã mang lại hiệu quả rất quan trọng. Với thiên chức của mình, người phụ nữ có vai trò người mẹ, người vợ, người bà trong gia đình, nên có những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả hơn trong việc tham gia nghiên cứu khoa học. Do đó, ngoài những chính sách chung, để phát huy vai trò của người phụ nữ trong phát triển khoa học và công nghệ thì chúng ta phải suy nghĩ thêm các chính sách riêng, Bộ Khoa học và Công nghệ, các ngành, các cấp liên quan phải rà soát, sửa đổi, hoàn thiện, đề xuất các cơ chế, chính sách để khuyến khích phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học, với các tiêu chí cụ thể.

Chị Nguyễn Thị Bình, người dân tộc Mường, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bản Dao tỉnh Hòa Bình, chuyên sản xuất các sản phẩm tinh dầu như tinh dầu sả, đặt câu hỏi: Chính phủ có giải pháp gì nhằm tạo cơ hội để phụ nữ chủ động, sáng tạo tham gia  khởi nghiệp, kinh tế tập thể...,  đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ các Hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, các giải pháp hỗ trợ các sản phẩm của phụ nữ đạt tiêu chuẩn OCOP?

Chị Nguyễn Thị Bình, người dân tộc Mường, Chủ nhiệm Hợp tác xã Bản Dao tỉnh Hòa Bình đặt câu hỏi tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp đó, chị Đỗ Thị Ninh, Trưởng phòng giao dịch 03, Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương chi nhánh Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đề nghị có giải pháp để mở rộng đối tượng khách hàng và nguồn vốn vay cho các tổ chức tài chính vi mô.

"Chúng ta phải tránh phân biệt đối xử, nhưng nếu phụ nữ khó khăn, nhọc nhằn hơn thì phải có chính sách riêng để phụ nữ đỡ khó khăn, nhọc nhằn, thế mới là bình đẳng", Thủ tướng nói.

Sau phần trả lời của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, phân tích thêm một số nội dung, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Đảng đã có nghị quyết, Quốc hội có luật về hợp tác xã, Chính phủ, các bộ, ngành đã có quy định, hướng dẫn về phát triển hợp tác xã. Thủ tướng giao các bộ, ngành tiếp tục xem xét, điều chỉnh, sửa đổi các vướng mắc, các quy định chưa sát thực tế, nhất là các cơ chế chính sách để khuyến khích chị em tham gia hợp tác xã.

Thủ tướng cho rằng, có 5 vấn đề để phát triển sản phẩm OCOP bền vững, hiệu quả: Xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; sự hỗ trợ về vốn của các tổ chức tín dụng; hỗ trợ khoa học công nghệ; hỗ trợ thị trường. 

Về tài chính vi mô, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng nghiên cứu, mở rộng đối tượng, hạn mức, thời gian ưu đãi cho phụ nữ tiếp cận nguồn vốn, bảo đảm nguồn vốn phù hợp, để người dân nói chung và phụ nữ nói riêng không phải vay tín dụng đen, đồng thời giúp chị em sử dụng vốn hiệu quả để trả lại cho ngân hàng.

Chị Vi Thanh Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đặt câu hỏi về mô hình hoặc giải pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa vai trò và sự đóng góp của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông thôn mới thời gian tới.

Theo Thủ tướng, nông nghiệp luôn là trụ đỡ rất quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là trong lúc khó khăn, như hiện nay khi sức ép lạm phát tăng lên. Thời gian qua, chúng ta đã bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cân đối về lương thực, thực phẩm nhờ sản xuất nông nghiệp, không chỉ bảo đảm được nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu được gạo và nhiều mặt hàng nông sản với tổng kim ngạch khoảng trên 40 tỷ USD trong 9 tháng qua. Để phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó có cơ chế, chính sách ưu tiên cho chị em phụ nữ.

Chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH May SH từ Thừa Thiên Huế đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng tích cực triển khai các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới văn hóa, với quan điểm phát triển văn hóa ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất.

Thủ tướng cho rằng áo dài giản dị, chi phí vừa phải, phù hợp, nhưng tôn vinh lên rất nhiều vẻ đẹp của người phụ nữ, được phụ nữ lựa chọn cho các dịp quan trọng, nên rất xứng đáng được ghi danh, tôn vinh trong nền văn hóa của Việt Nam. Nhiều vị khách nữ quốc tế đến Việt Nam cũng lựa chọn áo dài. Nếu các quy định của pháp luật không phù hợp thì cần nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp với lòng dân. Nếu vướng về thể chế thì gỡ vướng thể chế, nếu vướng về thủ tục thì gỡ về thủ tục.

Trước băn khoăn của PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn sơn Kova về những giải pháp để đất nước phát triển hơn nữa, Thủ tướng nêu rõ, đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc là mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước ta. Đại hội XIII của Đảng đã xác định các mục tiêu phát triển trong 5 năm tới và tới dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước.

Theo Thủ tướng, Việt Nam là đất nước đang phát triển, trải qua gần một thế kỷ vật lộn với chiến tranh để giành lại độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất Tổ quốc, sau đó là nhiều năm cấm vận, nhưng sau hơn 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Quy mô nền kinh tế từ 4 tỷ USD khi bắt đầu đổi mới tăng lên khoảng 400 tỷ USD trong năm nay, tức là tăng 100 lần, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.000 USD. Trong điều kiện thế giới khó khăn như vừa qua, chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đó là nền tảng để đất nước ta tiếp tục vươn lên, phát triển.

Theo Thủ tướng, những ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Thị Hòe cho thấy sự trăn trở, băn khoăn, lo lắng đầy trách nhiệm trước sự phát triển của đất nước và đây cũng là suy nghĩ của nhiều người, chúng ta phải cố gắng hơn nữa để những băn khoăn đó giảm bớt đi và đến lúc nào đó không còn băn khoăn này nữa. Chúng ta tin tưởng rằng sẽ làm được.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời các câu hỏi liên quan tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chị Trần Thị Tuyết Thương (Tân Bình, Phụng Hiệp, Hậu Giang) đặt câu hỏi về việc giải quyết các vấn đề của phụ nữ di cư trở về địa phương, nhất là các vấn đề liên quan đến pháp lý của phụ nữ, trẻ em theo mẹ di cư trở về từ nước ngoài; tạo điều kiện để họ tiếp cận đầy đủ, dễ dàng chính sách hỗ trợ và tái hòa nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống?         

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương giải quyết các trường hợp này trên cơ sở bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của pháp luật, đồng thời khẩn trương xử lý các khoảng trống pháp lý, các khó khăn, vướng mắc trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn. Trong thực tế, các quy định không bao giờ phủ kín được hết các góc cạnh của cuộc sống. "Đây là bài toán thực tiễn mà các địa phương, các cấp, các ngành phải chú ý để các cháu phải được đi học, được khám chữa bệnh, được bình đẳng, được mưu cầu hạnh phúc như các cháu khác", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước ý kiến đại biểu về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, Thủ tướng cho rằng cần phát huy tối đa mặt tích cực của công nghệ thông tin, công nghệ số, đồng thời hạn chế tối đa tác động tiêu cực. Các giải pháp cụ thể là hoàn thiện hành lang pháp lý; thực hiện một cách nghiêm túc, khen thưởng, xử lý kịp thời; nâng cao ý thức người dân; các cơ quan phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

Biểu tượng cao đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam

Phát biểu kết luận, Thủ tướng cho biết qua cuộc đối thoại, bản thân ông học hỏi được nhiều điều từ phát biểu của các đại biểu; có thêm nhiều thông tin cho quá trình chỉ đạo, điều hành; đồng thời có cơ hội để chia sẻ một số nội dung.

Nhân dịp Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10), thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới các mẹ Việt Nam anh hùng, các bà, các chị và tất cả phụ nữ Việt Nam lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi người phụ nữ Việt Nam là một bông hoa đẹp, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, sự ấm áp và khát vọng cống hiến trong gia đình và xã hội. Trong đó, hình ảnh người mẹ có lẽ là biểu tượng cao đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam, là người nuôi dưỡng, dẫn dắt cảm xúc, hành động và là tượng đài của mỗi chúng ta.

Đó là biểu tượng của đức hy sinh, sự hiền hậu, đảm đang như câu nói đầy ý nghĩa: "Vì con sống, mẹ suốt đời lam lũ - Vì con vui, mẹ gánh hết đau buồn". Truyền thống tốt đẹp đó luôn được gìn giữ, phát huy qua các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đã dành 8 chữ vàng tặng phụ nữ Việt Nam: "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".

Cách đây đúng 1 năm cũng tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với phụ nữ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhìn lại những nỗ lực 1 năm qua, tất cả chúng ta đều tự hào về những kết quả hết sức tích cực, ấn tượng mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được. 

Những kết quả này có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có vai trò, đóng góp của phụ nữ.

Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với chị em phụ nữ trong hơn 2 năm chống dịch, cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy đối ngoại và hội nhập. Phụ nữ đã có nhiều vất vả, hy sinh, lo toan, nhọc nhằn trong phòng, chống dịch, vừa gánh vác vai trò trong gia đình, vừa là thành viên của xã hội, đóng góp tích cực vào các nhiệm vụ, kết quả chung của đất nước.

Cơ bản thống nhất với các ý kiến phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung, trước hết là về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế. "Khi nói đến phụ nữ người ta hay gọi là "phái yếu" bởi sự tinh tế, dịu dàng, nhẹ nhàng và hiền hậu… Nhưng ẩn sâu trong sự yếu đuối đó, tôi muốn nhấn mạnh "sức mạnh mềm, sức mạnh của sự kiên cường, bền bỉ, dẻo dai, khả năng chống chịu và vượt qua khó khăn của phụ nữ", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết qua cuộc đối thoại, bản thân ông học hỏi được nhiều điều từ phát biểu của các đại biểu; có thêm nhiều thông tin cho quá trình chỉ đạo, điều hành; đồng thời có cơ hội để chia sẻ một số nội dung - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng lấy ví dụ, nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, nhiều doanh nhân nữ có đóng góp lớn cho xã hội được tôn vinh. Những mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi ngày càng được nhân rộng ở các địa phương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh. Việt Nam đã đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, trong đó có đóng góp quan trọng của phụ nữ.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, an sinh xã hội và bình đẳng giới là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt là bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đã ban hành nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ.

Các chính sách về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ thời gian qua góp phần tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí của phụ nữ; tạo môi trường để phụ nữ khẳng định mình; công tác phụ nữ và bình đẳng giới có chuyển biến tích cực; phụ nữ ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Năm 2021, Chính phủ đã Ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2031; Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025". Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tích cực thực hiện Chiến lược và Đề án này. Đồng thời, Hội cũng đã tăng cường phối hợp, tham gia tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Phụ nữ là một thành tố quan trọng để thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Trong phạm vi cả nước, mỗi phụ nữ là hạt nhân thực hiện an sinh xã hội từ sự lan tỏa lòng tốt, yêu thương, giúp đỡ những người cơ nhỡ, tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo… Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai. Nhờ chương trình này, nhiều trẻ em đã được nuôi dưỡng, hỗ trợ, xoa dịu mất mát của các cháu.

Vấn đề liên quan đến môi trường sống và an toàn cho trẻ em là nội dung được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam rất quan tâm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa để bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ Trái đất của chúng ta.

Bên cạnh đó, Hội cũng thực hiện nhiều chương trình thiết thực để tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em. Trong mỗi gia đình, phụ nữ là nhân tố quan trọng để hướng dẫn cho trẻ em những kỹ năng sinh tồn như bơi lội, phòng, chống cháy nổ, tham gia giao thông, học tập, giải trí trên môi trường mạng an toàn, tránh bạo lực gia đình, học đường…

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cũng còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Định kiến giới và những rào cản về văn hóa, chính sách vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ.

Nhận thức và thực hiện về bình đẳng giới ở một số nơi còn hạn chế. Cơ chế phối hợp giữa tổ chức Hội và chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn chưa phát huy hiệu quả, nguồn lực thực hiện các chương trình để phát triển phụ nữ còn bất cập…

Nhiều phụ nữ nghèo gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức mới, đào tạo nghề, thiếu vốn sản xuất; nhiều chị em làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức còn đối mặt với nhiều rủi ro, thiếu an toàn, khó khăn về nhà ở; nhiều trẻ em thiếu cơ sở trường học, nhà trẻ; chăm sóc sức khỏe phụ nữ, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Môi trường an toàn cho trẻ em chưa thực sự được bảo đảm, nhất là liên quan tới kỹ năng sinh tồn, chống đuối nước, cháy nổ, tai nạn giao thông, bạo lực học đường,… "Chúng ta vẫn nghe đến những câu chuyện đau lòng khi bé gái bị xâm hại hoặc phụ nữ bị bạo lực gia đình…, tuy không phổ biến nhưng vẫn còn", Thủ tướng bày tỏ.

Nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta cần tiếp tục nhận thức đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tiếp tục quán triệt một số quan điểm về công tác phụ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đó, phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Xác định công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình; của bản thân chị em phụ nữ.

Cần chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người vợ, người bà, người thầy đầu tiên của con người. Đồng thời, xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ.

Với các nội dung đối thoại, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, rà soát lại toàn bộ chính sách về bình đẳng giới, chính sách đối với phụ nữ để tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Phạm vi chính sách nào thuộc thẩm quyền, Chính phủ sẽ giải quyết; nếu vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng liên quan.

Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ làm việc ở khu vực phi chính thức, làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó, có chính sách về lao động, đào tạo, bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ, trường học…

Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường các giải pháp để đảm bảo các chỉ tiêu, mục tiêu về công tác cán bộ nữ; cơ chế đặc thù cho cán bộ ở các thành phố lớn, nhất là những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; xây dựng chính sách mở rộng kết nối giữa hệ thống các doanh nghiệp dẫn đầu với các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về bảo hiểm y tế, thực hiện các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó, có mục tiêu tăng cường sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam; phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố nghiên cứu, báo cáo chủ trương về máy tính cho cán bộ Hội cấp cơ sở, đảm bảo phương tiện, điều kiện làm việc trong bối cảnh thích ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc này cần triển khai phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước và từng nơi nhưng có ưu tiên cho phụ nữ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình giáo dục làm cha mẹ; rà soát, đảm bảo đủ chỗ học an toàn cho trẻ mầm non; chú trọng đưa vào chương trình dạy các kỹ năng sinh tồn và tạo môi trường an toàn cho trẻ em.

Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận khoa học, ứng dụng công nghệ và kỹ năng số, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số.

Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, đảm bảo cho các cấp Hội phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước; tạo điều kiện để Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh, toàn diện, hướng về cơ sở; có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra; chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội trong triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Thủ tướng đề nghị Hội tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó có các Chỉ thị số: 05, 06, 21 của Ban Bí thư về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, công tác giảm nghèo bền vững, công tác phụ nữ trong tình hình mới. Vận động phụ nữ tham gia tích cực, thành công phong trào thi đua "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" và các phong trào, chương trình liên quan.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục duy trì các cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với phụ nữ, đồng thời, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với phụ nữ để giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề theo tinh thần phân cấp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách, tình thế, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài.

 

Theo baochinhphu.vn

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top