Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Trung Quốc và các nước ASEAN thúc đẩy mạnh mẽ thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững, phấn đấu đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại đầu tiên của Trung Quốc vượt mức kim ngạch 1.000 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và lãnh đạo các nước ASEAN dự Lễ khai mạc CAEXPO và CABIS lần thứ 20 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 17/9, tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và lãnh đạo các nước ASEAN dự Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO và CABIS) lần thứ 20.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, CAEXPO và CABIS là sự kiện quan trọng, uy tín về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN - Trung Quốc. Trải qua 20 kỳ tổ chức, CAEXPO và CABIS đã trở thành biểu tượng và ngọn cờ dẫn dắt của hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Trung Quốc và ASEAN.
20 năm qua đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong quan hệ Trung Quốc - ASEAN, thương mại song phương từ mức chỉ 78,2 tỷ USD năm 2003, đến nay đã đạt 975,6 tỷ USD vào năm 2022, đưa Trung Quốc và ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất và đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu của nhau.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khai mạc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhằm tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư ASEAN – Trung Quốc cũng như tận dụng tốt cơ chế CAEXPO, CABIS để mang lại lợi ích thiết thực cho các nước trong khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị:
(1) Thúc đẩy mạnh mẽ thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững, phấn đấu đưa ASEAN trở thành đối tác thương mại đầu tiên của Trung Quốc kim ngạch vượt mức 1.000 tỷ USD; phối hợp xây dựng chuỗi liên kết từ vùng nguyên liệu đến trung tâm sản xuất và hệ thống tiêu thụ sản phẩm của mỗi nước; tiếp tục mở cửa thị trường, chống chủ nghĩa bảo hộ, hợp tác nâng cao năng lực thích ứng với các tiêu chuẩn mới, thị hiếu mới, sản phẩm xanh. Thúc đẩy hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
(2) Đẩy mạnh kết nối chiến lược phát triển cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm; thúc đẩy kết nối chất lượng cao, hài hòa, cùng có lợi giữa "Vành đai và Con đường" và Quan điểm của ASEAN về hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như nhận thức chung của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc vừa qua; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, vận tải đa phương thức, nhất là đường sắt và đường bộ; lan tỏa và kết nối rộng hơn đến các nước ASEAN cũng như thông qua Trung Quốc để đưa hàng hóa của ASEAN đến với Châu Âu, Trung Á…
(3) Tăng cường giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa, du lịch, hàng không, phấn đấu sớm đưa hợp tác du lịch khôi phục trở lại như trước dịch COVID-19. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực mới nổi, tạo nên những động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, vật liệu mới, kinh tế chia sẻ...
Trong quá trình này, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và Trung Quốc chủ động tìm hiểu, khai thác, giúp đỡ lẫn nhau tận dụng tối đa cơ hội có được từ CAEXPO và CABIS, biến tiềm năng, cơ hội hợp tác thành kết quả và sản phẩm cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực đóng góp vào thành công chung của 20 kỳ CAEXPO và CABIS. Tại kỳ Hội chợ lần này, khu gian hàng thương mại Việt Nam có quy mô lớn nhất sau nước chủ nhà Trung Quốc, với sự tham gia của 120 doanh nghiệp, 200 gian hàng được trưng bày, với sản phẩm đa dạng, chất lượng cao thuộc các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và có tính bổ trợ cao với thị trường Trung Quốc.
Việt Nam mong muốn tiếp tục cùng Trung Quốc và các nước ASEAN khẩn trương hoàn tất đàm phán nâng cấp phiên bản 3.0 Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; nâng cấp kết nối cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đưa vào triển khai mở rộng thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu đầu tư, kinh doanh, giao thương, văn hóa, du lịch của cộng đồng doanh nghiệp và người dân mỗi nước.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định Trung Quốc và ASEAN đã trở thành hình mẫu thành công và có sức sống nhất trong hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong 20 năm qua, thương mại Trung Quốc - ASEAN đã tăng 16,8 lần, hai bên đã liên tục trong 3 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, đầu tư hai chiều lũy kế hơn 350 tỷ USD.
Hai bên không ngừng sáng tạo thêm các lĩnh vực hợp tác mới, hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, chuyển đổi năng lượng.
Trung Quốc kiên trì phương châm ngoại giao láng giềng "thân, thành, huệ, dung" trong hợp tác với các nước ASEAN và sẽ tiếp tục dành nhiều công sức hơn cho phương hướng này, kiên định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực.
Để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đề nghị Trung Quốc và ASEAN tập trung: Tăng cường tình cảm thân thiết, duy trì giao lưu đối thoại thường xuyên, tăng cường nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, mở rộng hợp tác văn hóa, du lịch, đào tạo, thanh niên để củng cố nền tảng hữu nghị nhân dân; sử dụng tốt các cơ chế hợp tác, tạo diễn đàn giao lưu hợp tác bền vững cho các doanh nghiệp;
Củng cố hơn nữa nền tảng chân thành, tin cậy. Trung Quốc kiên trì hợp tác chân thành với các nước ASEAN, sẵn sàng thực hiện các thỏa thuận hợp tác bằng hành động thực tế; kiên trì mở cửa và đi sâu thúc đẩy mở cửa về quy chế, quản lý, tiêu chuẩn, thúc đẩy và bảo vệ cạnh tranh công bằng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, thuận lợi;
Tăng cường hơn nữa lợi ích chung, phát huy ưu thế bổ sung lẫn nhau về kinh tế, hợp tác phát triển trên nguyên tắc cùng có lợi, nâng cao hơn nữa mức độ gắn kết lợi ích. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của các nước ASEAN, nâng cao mức độ kết nối khu vực; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như tăng trưởng xanh, kinh tế số..., xây dựng chuỗi ngành nghề, chuỗi cung ứng khu vực ổn định và thông suốt hơn;
Tăng cường hợp tác bao dung, kiên trì cởi mở, đoàn kết. Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy kết nối chiến lược giữa "Vành đai và Con đường" với chiến lược phát triển của các nước, hỗ trợ các nước thực hiện mục tiêu phát triển, thúc đẩy xây dựng nhất thể hóa khu vực, thúc đẩy nâng cao mức độ tự do hóa, tiện lợi hóa đầu tư, thương mại khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khai trương và tham quan Khu gian hàng thương mại của Việt Nam tại Hội chợ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong thời gian tham dự CAEXPO, CABIS, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khai trương và tham quan Khu gian hàng thương mại Việt Nam và Trung Quốc./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.