Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ việc chăm lo thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm, tặng quà cho thương, bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), chiều 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, tặng quà các thương, bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng, Hà Nam; thăm, tặng quà các gia đình chính sách, có công với cách mạng tại tỉnh Hà Nam.
Cùng dự hoạt động này của Thủ tướng Chinh phủ có Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo Bộ Quốc phòng và tỉnh Hà Nam.
Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam là đơn vị thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, được thành lập năm 1976 với chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho thương binh, bệnh binh nặng hạng đặc biệt và một số đối tượng khác có hoàn cảnh đặc biệt.
Hiện Trung tâm có trên 60 cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng, đang chăm sóc, chữa bệnh và quản lý cho hơn 112 thương binh, bệnh binh nặng hạng đặc biệt, mất sức từ 81% trở lên, các thân nhân người có công của 20 tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra. Trong đó có nhiều thương binh nặng, tuổi cao, mất trí nhớ, có biểu hiện tâm thần, không có khả năng tự phục vụ, phải chăm sóc thường xuyên.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trên cả nước và các thương binh, bệnh binh đang điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng lời thăm hỏi ân cần và những tình cảm trân trọng nhất; gửi tới toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động Trung tâm lời chào thân ái và những tình cảm thân thiết.
Thủ tướng xúc động cho biết trong những năm tháng cam go của các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, lớp lớp các thế hệ thanh niên đã gác lại tuổi thanh xuân, hăng hái lên đường đi đánh giặc để bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, cao cả đó, hàng triệu người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, để lại nỗi đau cho những người thân, đặc biệt là người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ…”; hàng ngàn, hàng vạn thương binh, bệnh binh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường để “vết thương trên ngực cha, cứ trở gió lại đau nhức nhối” và nỗi đau khi các thế hệ sau bị di chứng chất độc da cam… Nỗi đau đó thấm vào suy nghĩ và hành động của mỗi chúng ta.
Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ chiến tranh đã lùi xa nhưng sự mất mát ấy, nỗi đau thể chất và tinh thần ấy vẫn hàng ngày hiện hữu, dày vò những thương binh, bệnh binh. Tri ân, tôn vinh những công lao đó, chia sẻ với sự mất mát và nỗi đau đó, trong suốt 75 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng; tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa,” ''Uống nước nhớ nguồn,'' “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”...
Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện hiệu quả; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi không ngừng được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thủ tướng cho biết đến nay, hơn 9,2 triệu người có công được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng ngàn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được đảm bảo bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Số người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên gần 1,2 triệu.
Hằng năm gần 106 ngàn lượt người được điều dưỡng tập trung và gần 387 ngàn lượt người điều dưỡng tại gia đình. Cả nước có 65 cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, trong đó có 30 trung tâm nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng.
Thủ tướng vui mừng khi được biết Trung tâm hiện là ngôi nhà chung ấm áp nghĩa tình của 77 thương binh, bệnh binh nặng hạng đặc biệt, mất sức từ 81% trở lên và 35 thân nhân người có công. Tại đây, các thương, bệnh binh được kê đơn, cắt thuốc, được nhận những “liều thuốc tinh thần” - chính là sự tri ân, chia sẻ, cảm thông của đội ngũ cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng, những người vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, luôn ân cần trong công tác chăm sóc, điều trị và sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ tâm sự của các thương, bệnh binh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương những thành tích mà Trung tâm điều dưỡng Kim Bảng đã đạt được trong những năm qua, góp phần tích cực vào công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên cả nước.
Thủ tướng bày tỏ xúc động và cảm phục khi được biết có nhiều thương binh, bệnh binh ở Trung tâm tuổi từ 65-70 trở lên, sức khỏe giảm sút, rất khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Nhiều người phải cố gắng chịu đựng những vết thương đau nhức mỗi khi “trái nắng, trở trời”… Song phát huy phẩm chất và bản lĩnh của anh Bộ đội Cụ Hồ, bằng nghị lực, ý chí phi thường của mình, các thương binh, bệnh binh đã vươn lên chiến thắng thương tật, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống và tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, ủng hộ, giúp đỡ những thành viên có hoàn cảnh khó khăn.
Các thương binh, bệnh binh, người có công tại trung tâm thực sự là những tấm giương sáng để các thế hệ trẻ tự hào, học tập và noi theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời vinh danh, tri ân công ơn, sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh; luôn quan tâm, chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.
Đây là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, là đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Như Bác Hồ kính yêu đã từng căn dặn: “Ðối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Ðảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”…
Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, ngày 24/7/2021 của Chính phủ về quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng… “Xác định việc chăm lo thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội” - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục rà soát toàn diện các chính sách liên quan đến người có công, gia đình chính sách và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn. Đẩy mạnh các phong trào ''Đền ơn đáp nghĩa'', ''Uống nước nhớ nguồn,'' “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”... qua đó huy động nhiều hơn nữa nguồn lực xã hội, chung tay cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trung tâm nuôi dưỡng người có công; có chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động. Quan tâm, giải quyết kịp thời, hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của các Trung tâm điều dưỡng thương binh trên cả nước nói chung và Trung tâm Kim Bảng nói riêng.
Thủ tướng đề nghị Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng phát huy kết quả tích cực đạt được, tiếp tục làm tốt công tác nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn đối với các thương binh, bệnh binh nặng và các đối tượng khác có hoàn cảnh đặc biệt tại trung tâm; mong muốn và tin tưởng các thương bệnh binh, người có công tại Trung tâm tiếp tục vươn lên, vượt qua nỗi đau thể chất và tinh thần, ổn định đời sống, mãi là tấm gương sáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng gửi đến các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng trên cả nước lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.
“Sự hy sinh, cống hiến của các anh, các chị là động lực, là sức mạnh tinh thần để chúng ta cố gắng hơn, vượt qua mọi khó khăn, vất vả để xây dựng đất nước hòa bình, phồn vinh và phát triển; nhân dân được ấm no, hạnh phúc” - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành dành thời gian thăm hỏi, động viên tinh thần, trực tiếp tặng quà các thương binh, bệnh binh và cán bộ, nhân viên Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng.
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các gia đình chính sách tỉnh Hà Nam. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thêm công tác đền ơn đáp nghĩa là công việc thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, thực hiện của các cấp chính quyền và toàn xã hội; thể hiện truyền thống văn hóa, nghĩa tình, uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Hà Nam là tỉnh có số đối tượng chính sách cao hơn mức bình quân chung của cả nước và đã thực hiện tốt các chính sách người có công. Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục chăm lo cho các gia đình chính sách để các gia đình có đời sống vật chất, tinh thần cao hơn mức sống của người dân trong khu dân cư; công tác đền ơn đáp nghĩa phải được thực hiện bằng cả tấm lòng, tình cảm, chân thành, tránh hình thức.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại diện các bộ, ngành Trung ương đã trao sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng tặng 30 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Hà Nam; trao tượng trưng tặng 1.000 suất quà cho gia đình chính sách.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên mẹ Việt Nam Anh hùng Lại Thị Tý ở số nhà 99, đường Châu Cầu, tổ 5, phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý và gia đình Liệt sỹ Lê Văn Dũng ở số nhà 29, đường Quy Lưu, tổ 2, phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam./.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.