Chiều ngày 2/12 (giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 về Biến đổi khí hậu nhân dịp Hội nghị COP28 đã diễn ra tại Dubai, UAE.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận của hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hội nghị do Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez - Chủ tịch Nhóm G77 năm 2023 chủ trị, và có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cùng Lãnh đạo cấp cao và đại diện từ 134 nước thành viên Nhóm G77 và đông đảo các tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel Bermudez nhấn mạnh ý nghĩa của việc tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức lớn toàn cầu, kêu gọi các nước G77 cùng tiếp tục đoàn kết, chia sẻ tiếng nói, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đề cao tầm quan trọng của các nước đang phát triển trong thúc đẩy tiến trình đa phương vì các mục tiêu khí hậu, kêu gọi công bằng khí hậu và đặc biệt nhấn mạnh các nước phát triển cần nhanh chóng tăng cường hơn nữa hỗ trợ cho các nước phương Nam, nhất là thực hiện các cam kết tài chính khí hậu.
Hội nghị hoan nghênh và đánh giá rất cao ý nghĩa bước ngoặt của việc thông qua thoả thuận Quỹ Tổn thất và Thiệt hại, khẳng định cần phát huy vai trò Nhóm G77, tăng cường hành động, thúc đẩy các giải pháp hữu hiệu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại phiên thảo luận chính của Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng nhằm truyền tải chủ trương, cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng như đưa ra một số định hướng hợp tác cho Nhóm G77 trong thời gian tới.
Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến của Cuba tổ chức hội nghị, khẳng định vai trò dẫn dắt của Cuba trên cương vị Chủ tịch Nhóm G77.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đối với thế giới và Việt Nam, Thủ tướng đề xuất 3 định hướng hợp tác trong Nhóm G77.
Một là, thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương với phương châm trách nhiệm chung nhưng khác biệt, bảo đảm công bằng, hợp lý, tính tới nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các nước đang phát triển.
Hai là, đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong G77 trên cơ sở thiết lập cơ chế hợp tác bao trùm, tận dụng tốt thế mạnh của cả các nước phát triển (về vốn, công nghệ) và nhóm nước đang phát triển (về thị trường, tài nguyên).
Ba là, thúc đẩy tài chính ưu đãi cho khí hậu theo hướng dễ tiếp cận hơn, không làm gia tăng gánh nặng nợ và không đánh đổi nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển khác.
Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ quyết tâm chuyển đổi xanh của Việt Nam qua cam kết mạnh mẽ tại COP26, tham gia JETP, triển khai các quy hoạch, đề án, chiến lược về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng; bày tỏ sẵn sàng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm với các nước G77.
Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm G77 về biến đổi khí hậu thu hút sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đã cho thấy quan tâm ngày càng lớn của các nước đối với các cơ chế hợp tác Nam – Nam.
Trong bối cảnh các thách thức toàn cầu ngày càng lớn và các nước đang phát triển là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, việc các thành viên Nhóm cùng tập hợp và chia sẻ quan điểm, tiếng nói chung về biến đổi khí hậu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế vì các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.