Chiều nay 18/8 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết năm học 2022-2023 và Triển khai Nhiệm vụ năm học 2023-2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các thầy giáo, cô giáo.
Trong thời gian vừa qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả tích cực trong đó, GD-ĐT tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của TW được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả.
Hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì; Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thực chất, hiệu quả hơn, nhất là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.
Riêng trong năm học 2022-2023, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Tổng số giáo viên mầm non, phổ thông năm học 2022-2023 là trên 1,23 triệu người, tăng gần 72 nghìn giáo viên so với năm học trước. Trong đó số lượng và tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019 tăng ở tất cả các cấp học.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương những thành tựu quan trọng đạt được của ngành GD-ĐT trong năm học 2022-2023, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của toàn Ngành. Đồng thời chỉ ra những hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tình trạng thừa, thiếu giáo viên; chính sách, chế độ đãi ngộ cho giáo viên… Cùng với đó Thủ tướng đã chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển GD-ĐT phải gắn với nhu cầu phát triển KTXH và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ KHCN; phù hợp quy luật khách quan; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của Nhân dân và toàn xã hội. Các cơ chế, chính sách về GD-ĐT phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta; là vấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi tác động lớn nên cần đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện.
Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024.
Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc.
Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp. Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch đổi mới giáo dục đào tạo phải được thực hiện khoa học, bài bản, kĩ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn.
GD-ĐT phải bám sát tư tưởng: lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; vận hành hiệu quả mối quan hệ “Nhà trường, Học sinh, và Giáo viên”; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới GD-ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.
Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu, Tổ chức tốt việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra; Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với ngũ giáo viên phù hợp; Đẩy mạnh tự chủ giáo dục và tiếp tục rà soát, kiểm tra việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học; Tăng cường thông tin truyền thông về những chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới giáo dục, tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân; Có giải pháp hiệu quả phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh đó Thủ tướng giao các bộ ngành, địa phương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt về đường truyền internet tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo để bảo đảm triển khai nhiệm vụ; kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 – 2026.
Thủ tướng nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học và có truyền thống hiếu học. Chính vì vậy, giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm, các thầy giáo, cô giáo đang mang trên mình trọng trách “dạy chữ, dạy người” cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.
Thủ tướng cho biết: “Nhiệm vụ “chấn hưng giáo dục”, thực hiện sự nghiệp “trồng người” rất vẻ vang nhưng cũng đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ và sẽ luôn đồng hành cùng giải quyết những khó khăn, thử thách của ngành Giáo dục, cũng như của hơn 1 triệu thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
Mỗi cán bộ công chức, viên chức làm công tác giáo dục, đào tạo; mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh, sinh viên, cần nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất và năng lực công dân; đặc biệt chú trọng và quan tâm giáo dục lý tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật, ý thức công dân trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mỗi cháu học sinh, sinh viên cần nỗ lực phấn đấu, học tập và rèn luyện; tích cực, tự giác, chủ động và sáng tạo nhiều hơn trong các hoạt động giáo dục và học tập. Phải biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau; không ngừng rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi - không phụ công nuôi dưỡng của gia đình, sự dạy dỗ của các thầy cô cũng như kỳ vọng của xã hội.”
Trước thềm năm học mới 2023-2024, Thủ tướng chúc các cán bộ làm công tác quản lý, các thầy giáo, cô giáo luôn phát huy lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.
Theo VOV.VN
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.