Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 2 năm 2023 | 10:47

Thủ tướng lưu ý một số vấn đề trong triển khai đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La

Sáng 26/2, tại tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu).

Thủ tướng lưu ý một số vấn đề trong triển khai đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự lễ khởi công có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tuyến đường dài khoảng 50 km, đoạn 1 dài khoảng hơn 31 km, kết nối từ thị trấn Bo (Kim Bôi) với đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; đoạn 2 dài khoảng 19 km, nối từ phường Kỳ Sơn (TP. Hòa Bình) tới nút giao IC2 - quy hoạch cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (đoạn Hòa Bình - Mộc Châu).

Dự án do tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, trong đó giai đoạn 1 số vốn 1.829 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Thủ tướng lưu ý một số vấn đề trong triển khai đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La - Ảnh 2.

Thủ tướng biểu dương tỉnh Hòa Bình và các đơn vị đã chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự án trải dài qua 3 huyện, 1 thành phố với tổng số 470 hộ bị ảnh hưởng, khoảng hơn 300 hộ cần bố trí tái định cư, dự kiến 5 khu vực bố trí tái định cư.

Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Hòa Bình, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Hoà Bình và các địa phương trong vùng, kết nối với Thủ đô Hà Nội.

Dự án khi hoàn thành sẽ hình thành trục vành đai rất quan trọng, kết nối các trục giao thông, giúp rút ngắn quãng đường, thời gian di chuyển theo hướng Hà Nội -TP. Hòa Bình - Kim Bôi, tăng cường khả năng kết nối, giao thương các tỉnh Hà Nam - Hòa Bình - Phú Thọ - Sơn La với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tỉnh Hòa Bình đã quán triệt và triển khai dự án theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về đột phá chiến lược, lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm để triển khai; địa phương và các đơn vị đã chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công dự án.

Thủ tướng lưu ý một số vấn đề trong triển khai đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La - Ảnh 3.

Thủ tướng đề nghị triển khai ngay các công việc sau lễ khởi công - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị triển khai ngay các công việc sau lễ khởi công, "tránh tình trạng mà một số dự án đã gặp phải là khởi công rầm rộ, hoành tráng nhưng sau lễ khởi công lại chuyển máy móc, con người đi nơi khác, mọi việc lại im ắng".

Qua báo cáo, Thủ tướng đề nghị tỉnh Hòa Bình, các đơn vị liên quan, tư vấn phải nghiêm túc xem xét, tính toán lại một số nội dung. Theo đó, việc thiết kế dự án giai đoạn 1 chỉ có 2 làn xe nhưng tốc độ 80 km có thể không khả thi.

Mặt khác, tổng dự toán giai đoạn 1 là 1.829 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp khoảng 1.500 tỷ đồng còn  chi phí khác lên tới hơn 300 tỷ đồng. Dự án kéo dài trong 5 năm có khả năng dẫn tới đội vốn, lãng phí, nên cần nghiên cứu lại tiến độ thi công, phấn đấu triển khai trong 3 năm, nỗ lực tiết kiệm khoản 300 tỷ đồng kinh phí dự phòng, hoàn thành công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Ngay trước lễ khởi công, Thủ tướng đã nghe báo cáo về quy hoạch, dự kiến đầu tư các tuyến cao tốc kết nối Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La gồm Hòa Lạc - Hòa Bình, Hòa Bình – Mộc Châu. Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan, đơn vị tư vấn rà soát, tính toán lại để bảo đảm các dự án cao tốc đúng chuẩn cao tốc, "không làm nửa vời" gây lãng phí và nguy cơ ách tắc, nguy hiểm các các đối tượng tham gia giao thông. Tinh thần là quy hoạch các tuyến cao tốc toàn diện, tổng thể, liên thông, tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, chiến lược, còn đầu tư có thể phân kỳ, nhưng bố trí, tập trung nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, làm đoạn nào dứt điểm đoạn đó, tránh tình trạng vừa làm xong đã phải nâng cấp, sửa chữa, mở rộng, lãng phí công sức, chi phí, thủ tục…

Thủ tướng lưu ý một số vấn đề trong triển khai đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La - Ảnh 3.

Thủ tướng xem bản đồ quy hoạch liên kết giao thông vùng Hà Nội -Hòa Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Hòa Bình không "khoán trắng" cho Ban Quản lý dự án, phân công 1 lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án, đây là dự án trọng điểm của tỉnh thì tỉnh phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Cũng qua báo cáo, Thủ tướng cho rằng còn một số vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng mà tỉnh chưa báo cáo rõ; tuy chỉ có 300 hộ nhưng đây là việc rất khó, là khâu khó khăn nhất để triển khai dự án, vì vậy tỉnh cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, mỗi người, mỗi chủ thể đều phải có trách nhiệm, phát huy trách nhiệm cao nhất, làm việc rất cụ thể, tuyên truyền, vận động, giải thích để nhân dân yên tâm nhường đất cho dự án.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh không "khoán trắng" cho huyện và Ban Quản lý dự án; tập trung quan tâm chăm lo, bảo đảm ổn định đời sống, công việc và điều kiện ăn ở cho đồng bào đã bàn giao mặt bằng, nhường nơi sinh sống, canh tác nhiều đời cho dự án, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. "Nếu người dân chưa di dời, dù chỉ còn 1 hộ dân thôi thì các đồng chí cũng phải tìm hiểu, kể cả Bí thư Tỉnh ủy cũng cần sẵn sàng xuống tìm hiểu, làm sao để bà con thông về tư tưởng vì cái chung", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị đồng bào trên địa bàn tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi công Dự án. Việc triển khai dự án sẽ giúp khai thác tiềm năng mỏ nước khoáng Kim Bôi là tài nguyên rất đặc thù của Hòa Bình, giúp biến tiềm lực này thành nguồn lực, đồng thời tạo không gian phát triển mới, phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ…, tạo động lực phát triển mới cho địa phương.

Ban Quản lý dự án phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, lăn lộn với công trình, kiểm điểm tiến độ từng tuần, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, cho nhân dân nơi dự án đi qua, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát huy truyền thống của tỉnh Hòa Bình với những hy sinh to lớn vì cả nước trong xây dựng Thủy điện Hòa Bình.

Các nhà thầu thi công đã cam kết là phải làm; đã làm là phải có hiệu quả; vướng đến đâu gỡ đến đó, tập trung nguồn lực, con người, thi công 3 ca 4 kíp.

Thủ tướng lưu ý các bên liên quan phải triển khai dự án bảo đảm tiến độ, không để kéo dài; bảo đảm tiết kiệm, không đội vốn bất hợp lý; bảo đảm chất lượng thi công, các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm hiệu quả đầu tư, không để xảy ra, tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm vệ sinh, môi trường; bảo đảm an toàn lao động và chăm lo đời sống công nhân; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, tuân thủ nghiêm, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, làm tốt các công tác quy hoạch, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quy trình, quy chuẩn… và kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật.

Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "đã cam kết là phải làm; đã làm là phải có hiệu quả, đã làm là được", nhân dân đã di dời, nhường mặt bằng cho dự án thì phải nhìn thấy kết quả cụ thể. Đã cố gắng, nỗ lực, quyết tâm rồi phải cố gắng, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, rà soát, tính toán lại để triển khai công việc phù hợp, tiết kiệm, khả thi, hiệu quả hơn.

Thủ tướng bày tỏ, với tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng và sự quyết tâm cao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, sự nỗ lực của các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương liên quan, tin tưởng rằng, dự án sẽ được triển khai tốt, góp phần quan trọng cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Hòa Bình, các địa phương trong vùng và cả nước, tỉnh Hòa Bình sớm trở thành một điểm sáng về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển KT-XH, tất cả vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

 

Hà Văn/Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top