Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 7 năm 2024 | 13:51

Thủ tướng phê bình các bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công thấp

Còn 33 bộ, cơ quan và 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước; trong đó có một số bộ, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân thấp. Thủ tướng phê bình nghiêm khắc và yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương này nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị thúc đẩy đầu tư công năm 2024.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Lưu quang, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm trong các phiên họp và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; trực tiếp kiểm tra công trường, đôn đốc, thăm, động viên cán bộ, công nhân, nhà thầu thi công, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công trình và giải ngân vốn đầu tư công. Duy trì hoạt động của 5 Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ đã giao 669,3 nghìn tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho bộ, cơ quan và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được Quốc hội phân bổ.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng giao là 196,7 nghìn tỷ đồng. Một số bộ, cơ quan và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt như: Đài Truyền hình Việt Nam (100%); Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (90,07%); Nam Định (58,75%); Thanh Hóa (56,83%); Phú Thọ (51,02%); Bộ Giao thông vận tải (41,16%)... Giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển KTXH đạt 78,23% kế hoạch; chương trình mục tiêu quốc gia đạt 35,43% kế hoạch.

Nhiều dự án, nhất là dự án quan trọng quốc gia đang được triển khai với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”... Trong đó, nhiều hạng mục vượt tiến độ đề ra như dự án thành phần 3, Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, đặc biệt là 11 bộ, cơ quan và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước, nhất là các tỉnh miền Trung, đóng góp quan trọng vào phát triển KTXH thời gian qua.

Thủ tướng đã phân tích những kết quả đạt được đồng thời nêu rõ những tồn tại, hạn chế, trong đó chỉ rõ, có 20/44 bộ, cơ quan và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao với tổng số vốn gần 29,9 nghìn tỷ đồng. Còn 33 bộ, cơ quan và 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước; trong đó có một số bộ, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân thấp; 15 bộ, cơ quan, 33 địa phương không duy trì được kết quả giải ngân tốt so với cùng kỳ năm 2023.

Thủ tướng phê bình nghiêm khắc và yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương này nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp để đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.

Thủ tướng đã chỉ rõ, nguyên nhân tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm. Về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, Thủ tướng đã nêu rõ quan điểm: Với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”.

Trong đó, "5 quyết tâm" gồm: Quyết tâm giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đẩy lùi tiêu cực; Quyết tâm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; Quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, thu tục; Quyết tâm ứng dụng giải pháp công nghệ mới, hiện đại, tăng cường chuyển đổi số; Quyết tâm giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng giao.

“5 Bảo đảm” gồm: Bảo đảm nguyên vật liệu nhất là cát sỏi, đất đắp nền…; Bảo đảm nhân lực; có phương án huy động đủ nhân lực, bố trí thêm khi cần đẩy nhanh tiến độ…; Bảo đảm công tác tái định cư, tạo sinh kế cho người dân trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân; Bảo đảm tiến độ, chất lượng theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển KTXH năm 2024 và phấn đấu đến năm 2025, nhất là 3.000 km đường bộ cao tốc. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tập trung thực hiện nghiêm túc các nghị quyết Chính phủ, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Tiếp duy trì hoạt động của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó bổ sung thêm 1 Tổ công tác do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Tổ trưởng; duy trì cơ chế hằng quý Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn theo Quyết định số 435/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; "chỉ bàn làm, không bàn lùi"; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Rà soát kỹ từ khâu chuẩn bị dự án, giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định; lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.

Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành địa phương, trong đó yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm 2024 trước ngày 31/7/2024.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công và các quy định tại các Luật liên quan theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền; bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng; giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính; tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc, xóa bỏ xin cho, chống phiền hà, sách nhiễu…, đặc biệt là các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Rà soát, tiếp thu, giải trình các ý kiến của Thành viên Chính phủ và hoàn thiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2024 giữa các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương;

Bộ GTVT, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, liên vùng gắn với Đợt thi đua “500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc”.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiên cứu, khẩn trương xử lý các kiến nghị của các đại biểu dự Hội nghị theo thẩm quyền và quy định; đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

 

Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top