Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dâng hương tại Khu Di tích lịch sử quốc gia 27/7 và thăm, tặng quà thương, bệnh binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Chiều 27/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chính Minh và tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại Khu Di tích lịch sử quốc gia 27/7 - địa điểm công bố bức thư của Bác Hồ ghi nhận sự ra đời ngày Thương binh - liệt sĩ và Di tích lịch sử Quốc gia 60 Liệt sĩ Thanh niên xung phong Đại đội 915 - nơi ghi dấu sự biết ơn và lòng thành kính đối với 60 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam và gặp mặt, tặng quà người có công huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Cùng đi có Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan; các đồng chí đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ.
Thủ tướng tặng quà người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện Đại Từ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại khu di tích lịch sử lịch sử Quốc gia 27/7, nơi vào ngày 27/7/1947 đã diễn ra lễ công bố lấy ngày 27/7 là “Ngày Thương binh toàn quốc” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động được gặp mặt, trò chuyện với các đại biểu người có công huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của nhiều danh nhân lịch sử văn hóa.
Thủ tướng nhấn mạnh, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống tốt đẹp, quý báu, được hun đúc, vun đắp bởi biết bao thế hệ người dân Việt Nam trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc. Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trên cả nước nói chung, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nói riêng những tình cảm sâu nặng, lời thăm hỏi ân cần, sự tri ân sâu sắc và những lời chúc tốt đẹp nhất.
Thủ tướng chia sẻ, buổi gặp mặt của chúng ta hôm nay diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, người luôn đặc biệt quan tâm chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Thủ tướng nhấn mạnh, đất nước ta đã phải trải qua những cuộc chiến tranh cam go, khốc liệt để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong những năm tháng gian khổ ấy, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, lớp lớp thanh niên xung đã phong ra chiến trường, để lại mẹ già, vợ trẻ, con thơ nơi hậu phương. Nhiều người đã mãi mãi không trở về, máu thịt các anh, các chị đã hòa vào sông núi. Có người được may mắn trở về nhà nhưng đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường hoặc bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Có không ít những đứa trẻ sinh ra trong hòa bình nhưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi, mang trong người di chứng nặng nề của chiến tranh mà không có gì bù đắp được.
Thủ tướng chia sẻ, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất; nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau, biết bao vết thương vẫn ngày đêm đau nhức. Thấu hiểu, sẻ chia với những nỗi đau đó, trong suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo và có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.
Đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện về cả vật chất và tinh thần. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, các Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội” ngày càng phát triển. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư; công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực, có hiệu quả…
Thủ tướng cho biết, mới đây, ngày 1/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77, điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công và thân nhân người có công. Trong dịp này, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã tổ chức thăm, tặng quà cho gần 1,4 triệu người có công, thân nhân của người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 420 tỷ đồng.
Riêng tỉnh Thái Nguyên có trên 130 nghìn người có công với cách mạng, trong đó có gần 20 nghìn người đang hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng kinh phí hằng năm thực hiện chi trả trợ cấp trên 600 tỷ đồng. Huyện Đại Từ có trên 15 nghìn đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó, có 1.516 liệt sĩ, 106 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 838 thương bệnh binh; hiện có 3.205 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7.
Thủ tướng xúc động khi biết nhiều bác, anh chị cựu chiến binh, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đã nỗ lực vượt qua đau thương, mất mát, chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, gương mẫu đi đầu trong công tác, lao động, học tập; năng động, sáng tạo, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước. Các bác, các anh chị không chỉ là những anh hùng trong chiến đấu, mà còn là những chiến sĩ tiên phong trong học tập, lao động, sản xuất, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thật sự là những tấm gương sáng để các thế hệ trẻ tự hào, học tập và noi theo.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà Bộ LĐ-TB-XH, các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng và trân trọng những thành công mà các cựu chiến binh trên cả nước đã đạt được, trong đó có các thương bệnh binh, người có công huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Thủ tướng chỉ rõ, mặc dù Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn quan tâm, chăm lo với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao nhất, nhưng đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần không có người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi.
Tiếp tục nghiên cứu, thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi phù hợp; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”; góp phần bù đắp những thiệt thòi của người có công và gia đình có công với cách mạng.
Nhân dịp này, Thủ tướng mong các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nói chung, 20 đại biểu tiêu biểu có mặt hôm nay nói riêng tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của người “Bộ đội Cụ Hồ”, mãi mãi là những tấm gương sáng, tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Là địa phương gắn liền với sự ra đời của Ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Nguyên nói chung, huyện Đại Từ nói riêng tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, làm tốt hơn nữa công tác chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hơn nữa đời sống của người có công trên địa bàn.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các địa phương, các cơ quan, đơn vị, kêu gọi mỗi tổ chức, cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực với ý thức trách nhiệm cao hãy chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, coi đây là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Cũng trong chiều nay 27/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên.
Trong không khí trang nghiêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác thành kính thắp nén tâm nhang, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với 60 liệt sĩ Thanh niên xung phong Đại đội 915 đã anh dũng hy sinh vào đêm Noel 24/12/1972, khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa quân sự tại Ga Lưu Xá, chi viện cho chiến trường miền Nam. Sự hy sinh anh dũng của các chị, các anh đã trở thành khúc tráng ca bất tử, là biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, bản hùng ca bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Với tấm lòng thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn công lao của các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong đã hy sinh khi đấu tranh để giành được độc lập, tự do cho Tổ quốc, Thủ tướng và Đoàn công tác nguyện phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.