Thủ tướng yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.
Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban). Cùng dự có các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương và các tập đoàn về công nghệ thông tin.
Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Từ đầu năm 2024, công tác chuyển đổi số quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật là: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao; công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ, điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia; hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển; các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh.
Đến nay, đã có gần 14,6 triệu tài khoản và hơn 46,2 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; gần 26,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 12,9 nghìn tỷ đồng. Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu ở mức độ 3, 4; kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển tích cực, trong quý I/2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ.
Hiện có 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số, làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, rào cản, điểm nghẽn và nguyên nhân; chia sẻ những cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn, bài học kinh nghiệm; các giải pháp trọng tâm để thực hiện cao nhất nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới.
Các đại biểu đề xuất tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thế chế; kiện toàn tổ chức bộ máy nâng cao năng lực quản lý nhà nước về chuyển đổi số; thúc đẩy giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển dữ liệu số và chia sẻ, khai thác dữ liệu số; ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số vào quản lý, vận hành, phát triển các ngành; đầu tư xây dựng hạ tầng số; đảm bảo an toàn thông tin mạng...
Ông Huỳnh Quang Liêm - Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, chuyển đổi số nông nghiệp là một bài toán khó nhưng không thể không làm. VNPT cũng như các bộ, các cơ quan và rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang hoài bão về sự thay đổi của ngành nông nghiệp nước nhà.
Bằng việc đầu tư phát triển Hệ sinh thái nông nghiệp số, VNPT kỳ vọng có thể xây dựng nên nền tảng nông nghiệp số quốc gia, giải quyết các vấn đề khó khăn của nền nông nghiệp Việt Nam. Đó sẽ là nền tảng liên kết chuỗi giá trị nông sản bền vững, giải được những khó khăn mang tính chất hệ thống và kết nối, nông sản đáp ứng được đa dạng thị trường quốc tế, mang khoa học vào nông nghiệp làm gia tăng giá trị nông sản, từ đó các doanh nghiệp dễ dàng hội nhập quốc tế, giảm thiểu rủi ro, người nông dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Để có thể triển khai, tiếp tục phát triển hạ tầng, ứng dụng cho nông nghiệp số, VNPT mong nhận được sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo, dẫn dắt, định hướng, tạo hành lang pháp lý để triển khai của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, sự hưởng ứng của các địa phương trên cả nước, từ đó chúng ta tạo ra bước nhảy về chuyển đổi số nông nghiệp nước ta.
Về công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay ngành giáo dục đã triển khai 100% các cơ sở dự liệu của ngành giáo dục từ mầm nong, phổ thông giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học.
Từ cơ sở dữ liệu giáo dục, bộ đã triển khai hiệu quả các ứng dụng phục vụ người dân là học sinh, giáo viên, nhà trường, trong đó phục vụ công tác thống kê, quản lý, điều hành ngành giáo dục.
Năm 2023, bộ đã hoàn thành xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục để khai thác CSDL ngành giáo dục phục vụ quản lý điều hành của bộ có hiệu quả. Đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho phép 100% học sinh (khoảng 1 triệu thí sinh hàng năm) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình phục vụ gần 700,000 thí sinh (hàng năm) đăng ký các nguyện vọng tuyển sinh vào đại học, thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến và thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến.
Từ năm 2023, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Công an đưa vào sử dụng chính thức công cụ khai thác dữ liệu dân cư trên Hệ thống CSDL ngành giáo dục nhằm phục vụ các cơ sở giáo dục kiểm tra, xác nhận cho thí sinh về thông tin cư trú (lịch sử thường trú để xác định đối tượng ưu tiên), phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp (không sử dụng giấy xác nhận lịch sử thường trú của công an xã/phường). Mỗi năm phục vụ hàng triệu thí sinh thực hiện tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp THPT sử dụng dịch vụ này...
Với quyết tâm thúc đẩy việc số hóa trong giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị Bộ TT&TT xem xét tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ các bộ ngành về hạ tầng công nghệ tt và bảo đảm thông tin dùng chung cho các cơ sở dự liệu trọng yếu, hỗ trợ nguồn lực cho giáo dục địa phương thực hiện chuyển đổi số.
Nhất là với Thành phố Hà Nội, để đảm bảo thu hồ sơ trực tuyến với tất cả các trường học, tránh tình trạng chen lấn nộp hồ sơ như mọi năm, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị Thành phố Hà Nội thực hiện nhiêm túc việc thu hồ sơ trực tuyến. Bộ sẽ cương quyết nếu đơn vị nào không thực hiện thu hồ sơ trực tuyến sẽ bị dừng tuyển sinh.
Phát biểu kết luận phiên họp, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số còn chậm; chưa có cơ chế hiệu quả để kiểm tra, giám sát, theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc triển khai công tác chuyển đổi số tại bộ, ngành, địa phương.
Nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số; Xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chưa kịp thời; Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.
Tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, chưa thực sự thu hút người dân, doanh nghiệp; hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa có đột phá.
Cùng với đó Thủ tướng đã chỉ rõ những bài học kinh nghiệm trong đó nhấn mạnh, phải có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Nắm chắc tình hình thực tế, có phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, tổ chức triển khai quyết liệt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của chuyển đổi số quốc gia; xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là về kinh tế số, xã hội số; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, tổ chức triển khai hiệu quả, quyết liệt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.
Về quan điểm phát triển kinh tế số, Thủ tướng nêu rõ, phải quán triệt, bám sát và hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng thực chất, hiệu quả. Huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế số là đòi hỏi, yêu cầu bắt buộc trong phát triển KTXH của Việt Nam phù hợp xu thế phát triển hiện nay. Phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Phát triển kinh tế số là một quá trình liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng; phải đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư để bắt cùng, tiến kịp với khu vực, thế giới.
Phát triển kinh tế số một cách tổng thể, toàn diện, ưu tiên chất lượng hơn số lượng; kết hợp đồng bộ, hiệu quả phát triển hạ tầng số, dịch vụ số, dữ liệu số, kỹ năng số, thể chế số và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới Thủ tướng yêu cầu, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng nêu rõ "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh", trong đó chỉ rõ: "3 tăng cường" là tăng cường nhận thức về vai trò của chuyển đổi số đến từng người dân, doanh nghiệp, nhất nêu cao là vai trò của người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho chuyển đổi số.
“5 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; Đẩy mạnh tạo lập dữ liệu số, phát triển dịch vụ số, bảo đảm kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ; Đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH; Đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin để bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa”.
Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: Về phát triển Chính phủ số; Về phát triển kinh tế số và xã hội số; Về phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.
Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT sớm hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc tăng ít nhất 5 bậc và chỉ số an toàn an ninh mạng thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trong Đề án 06. Các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.
Các địa phương phối hợp với chặt chẽ các doanh nghiệp viễn thông xóa bỏ các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12/2024; tiếp tục nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động. Cùng với đó tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành triển khai 12/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại theo Quyết định 06/QĐ-TTg. Đồng thời khẩn trương tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế số của nước ta sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KTXH nhanh và bền vững, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.