Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 5 năm 2022 | 21:14

Thúc đẩy kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore trên nền tảng số

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Quốc hội Singapore tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện cho quá trình hợp tác phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, đưa kết nối hai nền kinh tế hướng tới tầm cao mới là "kết nối trên nền tảng số"...

 
Thúc đẩy kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore trên nền tảng số - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin đang thăm chính thức Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Sáng 20/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin đang thăm chính thức Việt Nam.

 

Thúc đẩy kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore trên nền tảng số - Ảnh 2.

Thủ tướng nhấn mạnh, Singapore luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Trong không khí chân thành, tin cậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Singapore đã đạt được những thành tựu vượt bậc; luôn đi đầu ở khu vực trong nắm bắt các xu thế phát triển mới của thế giới, đặc biệt là về khoa học - công nghệ; vị thế, uy tín quốc tế ngày càng nâng cao; đồng thời chúc mừng Đoàn Thể thao Singapore tham dự SEA Games 31 đã gặt hái được nhiều thành công, đến hết ngày 19/5/2022 đã giành được 44 Huy chương Vàng, tạm đứng vị trí thứ 3 toàn đoàn.

Thúc đẩy kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore trên nền tảng số - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội Singapore về những hình ảnh đất nước, con người Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thủ tướng nhấn mạnh, Singapore luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở khu vực. Chuyến thăm của ngài Chủ tịch Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore ngày càng sâu rộng và hiệu quả, nhất là trong bối cảnh hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2023.

Thúc đẩy kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore trên nền tảng số - Ảnh 5.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thủ tướng vui mừng nhận thấy dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn tăng trưởng tích cực (đạt 8,3 tỷ USD năm 2021, tăng trên 23% so với năm 2020). Singapore là nhà đầu tư  lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN (với 2.866 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 67,56 tỷ USD). Các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) không chỉ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế vùng miền ở Việt Nam, mà còn giúp lan tỏa tinh thần làm việc, kỷ luật lao động, tư duy quản lý Singapore ở Việt Nam, trở thành hình mẫu thành công trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Singapore.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên đẩy mạnh các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp ở tất cả các kênh; triển khai hiệu quả các cơ chế, thỏa thuận hợp tác song phương, nhất là Hội nghị Bộ trưởng về kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore.

Thủ tướng mong muốn Quốc hội hai bên tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện cho quá trình hợp tác phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, trong đó tập trung vào các lĩnh vực Singapore có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như: Đổi mới sáng tạo, năng lượng xanh, kinh tế số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu…; đưa kết nối hai nền kinh tế hướng tới tầm cao mới là "kết nối trên nền tảng số" thông qua việc triển khai hiệu quả "Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số" được ký trong chuyến thăm Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 2/2022; phát triển các khu VSIP tại một số tỉnh thành theo hướng khu công nghiệp thông minh, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng; tận dụng hiệu quả lợi thế từ quá trình triển khai các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, RCEP.

Về hợp tác phòng, chống COVID-19, Thủ tướng chúc mừng Singapore là nước có tỉ lệ tiêm chủng vaccine cao hàng đầu thế giới, đã chuyển sang giai đoạn "thích nghi, phát triển và chung sống lâu dài với COVID-19", trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ quý báu, kịp thời về thiết bị y tế, vaccine mà Singapore đã dành cho Việt Nam, đề nghị hai bên đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu, sản xuất vaccine và các loại thuốc điều trị COVID-19.

Trên tinh thần chân thành, tin cậy, Thủ tướng đề nghị hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân…, đồng thời tìm ra những động lực phát triển mới, đặc biệt trong những lĩnh vực mà Singapore có thế mạnh, Việt Nam có tiềm năng.

Thủ tướng đề nghị Singapore chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, ví dụ trong lĩnh vực thu thuế, ngân hàng, quản lý dân cư..., tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao, tăng thêm học bổng đào tạo cho cán bộ quản lý các cấp ở Việt Nam. Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn và đề nghị Singapore tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng khoảng 13.000 người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Singapore.

Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, trọng thị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đánh giá cao cao sự chu đáo, tình hữu nghị mà nước chủ nhà Việt Nam dành cho đoàn thể thao Singapore tham dự SEA Games 31, vui mừng chứng kiến các vận động viên các nước đã nỗ lực hết mình trong thi đấu và gặt hái được nhiều thành công.

Chủ tịch Tan Chuan-Jin đánh giá cao nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhất trong khu vực, cho rằng hợp tác kinh tế là nền tảng quan trọng trong quan hệ hai nước, tiềm năng còn rất lớn, vì vậy cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, nhất là hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, công nghệ… và các lĩnh vực hợp tác mới.

Chủ tịch Quốc hội Singapore thông báo với Thủ tướng về bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Quốc hội hai nước, khẳng định, về mặt lập pháp Quốc hội Singapore ủng hộ sự hợp tác giữa hai Chính phủ, ủng hộ các doanh nghiệp Singapore đầu tư tại Việt Nam, mở rộng các Khu công nghiệp VSIP ở các địa phương khác để ngày càng thắt chặt và nâng cao hiệu quả quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về tình hình khu vực, thế giới và các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó nhấn mạnh ASEAN cần kiên định lập trường nguyên tắc về Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông./.

 

 

Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top