Chiều 14/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) để trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Các ý kiến tại cuộc làm việc bày tỏ vui mừng khi EU đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam; còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Hiệp định Thương mai tự do Việt Nam-EU (EVFTA) là động lực quan trọng giúp thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng, năm 2022, kim ngạch thương mại đạt 62,4 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2021.
Thủ tướng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
EU cũng vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam. Hai bên tin tưởng rằng, hợp tác thương mại-đầu tư giữa hai bên có nhiều dư địa để khai thác sau khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) có hiệu lực, hiện có 12/27 nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn 36 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đến hết năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam ước đạt 409 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.100 USD; quy mô thương mại thuộc nhóm 30 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có EU và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.
Trong năm 2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tăng trưởng GDP 2022 đạt trên 8%; kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 732 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu trên 11 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 05 năm qua. Đến nay, Việt Nam có sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 36.400 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 440 tỷ USD.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị được duy trì ổn định; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đối ngoại được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, trải qua nhiều năm chiến tranh, còn rất nhiều khó khăn, nên trong quá trình hợp tác, hai bên cần chân thành, kiên trì lắng nghe, trao đổi, tìm ra các giải pháp để xử lý các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện, trách nhiệm với nhau để làm tốt hơn nữa trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả".
Ông Jens Ruebbert, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hội đồng doanh nghiệp EU-ASEAN cho biết tham gia đoàn có đông đảo hơn 50 lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, đây cũng là đoàn công tác đầu tiên trong năm 2023 của Hội đồng doanh nghiệp EU – ASEAN, cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam.
Ông chúc mừng những thành tựu của Việt Nam thời gian qua trong kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đạt tốc độ tăng trưởng cao, đưa Việt Nam trở thành một hiện tượng trên thế giới, một điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp. Việt Nam đang và sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa với EU về thương mại và đầu tư, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động hiện nay.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng vào những thành tựu, kết quả mới trong triển khai Hiệp định EVFTA thời gian tới và khẳng định các doanh nghiệp sẽ tích cực thúc đẩy việc thông qua Hiệp định EVIPA.
Ông Jens Ruebbert và ông Alain Cany nêu một số câu hỏi và kiến nghị liên quan tới chính sách cho điện gió ngoài khơi; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch phát triển điện VIII; lộ trình cải cách lĩnh vực y tế và danh sách thuốc thuộc danh mục bảo hiểm chi trả; gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài…
Trả lời các câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết các cơ quan đang tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội dự án sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế trong năm 2023 và dự án sửa đổi Luật Dược vào tháng 5/2024, với nhiều chính sách cập nhật phù hợp thông lệ quốc tế, thực tế Việt Nam, giúp người bệnh được tiếp cận tốt hơn và sớm hơn các dịch vụ và phương pháp điều trị y tế tiên tiến.
Chính phủ cũng đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 80 cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Vừa qua, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có quyết định gia hạn gần 8.880 thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế.
Bộ cũng đã cập nhật thường xuyên hơn Danh sách thuốc thuộc danh mục bảo hiểm chi trả. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai các hoạt động để đẩy nhanh tiến độ cập nhật Danh mục thuốc một cách liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu và quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết quy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện quy hoạch không gian biển và sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023, tinh thần là nhiều ngành, lĩnh vực cùng khai thác, sử dụng trong một không gian biển cụ thể với yêu cầu không gây xung đột, mâu thuẫn, phát triển bền vững. Mặt khác, các cơ quan đang tích cực hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và tiếp tục rà soát, sửa đổi các chính sách phát triển điện, trong đó có điện gió phù hợp. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các nhà đầu tư châu Âu triển khai các nghệ cao, công nghệ mới tại Việt Nam để góp phần thúc đẩy kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết sẽ tham mưu các cơ quan có thẩm quyền mở rộng chính sách visa điện tử, tiếp tục cải cách các chính sách liên quan tới việc cư trú để tạo thuận lợi nhất cho lao động nước ngoài tại Việt Nam và hoạt động của các doanh nghiệp. Ông khẳng định Bộ Công an sẵn sàng tiếp tục lắng nghe, đối thoại và mong muốn các đối tác Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác để cùng bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Luôn lắng nghe để tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU cũng như quan hệ với các nước thành viên; luôn ủng hộ tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – EU.
Thủ tướng cảm ơn các ý kiến tại cuộc gặp mặt thể hiện trách nhiệm, sự chia sẻ, cũng như sự đồng hành, hỗ trợ của các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong suốt những năm qua với Việt Nam, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19; điều này khiến các cơ quan Việt Nam càng thấy trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn để hai bên tiếp tục hợp tác trên tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả".
Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đi đôi với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Đồng thời, Việt Nam ưu tiên tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng). Riêng năm 2022, Chính phủ tổ chức 9 cuộc họp chuyên đề về thể chế; trình Quốc hội thông qua 12 dự án luật, 06 nghị quyết; ban hành 131 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định, các bộ, ngành đã ban hành khoảng 403 thông tư.
Việt Nam cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên các động lực tăng trưởng bền vững như kinh tế số và chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; thực hiện có trách nhiệm các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; tôn trọng, khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Việt Nam sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các thị trường bất động sản, vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, lao động… để các thị trường này phát triển đúng bản chất, lành mạnh, an toàn, bền vững, hội nhập.
Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp EU tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong triển khai 3 khâu đột phá chiến lược, thúc đẩy 3 động lực phát triển (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư tài chính xanh và công nghệ cao, phục vụ nhu cầu phát triển bền vững trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển cơ sở hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm), đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng…
Để triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác Việt Na –EU cũng như ASEAN-EU trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Việt Nam-EU cùng nỗ lực triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA; có tiếng nói tích cực vận động các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) và EU xem xét tích cực, sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Làm rõ thêm các nội dung mà doanh nghiệp quan tâm, Thủ tướng cho biết vừa qua, Quốc hội đã thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia và các cơ quan sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, đây là cơ sở để các nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới.
Về các kiến nghị trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng cho biết các cơ quan đang tích cực sửa đổi các luật, nghị định, thông tư trên tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh hơn và tăng cường lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, các đối tượng tác động…
Về lộ trình phát triển bền vững liên quan tới phát triển điện gió, Quy hoạch điện VIII, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam có thế mạnh về điện gió, điện mặt trời, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và quyết tâm thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy hoạch liên quan tới phát triển điện trên cơ sở xem xét tổng thể 5 yếu tố: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện, giá điện phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế và thu nhập người dân. Trong đó, tìm giải pháp phù hợp về giá với các dự án điện gió đã triển khai đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả.
Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam có tiềm năng, dư địa rất lớn để phát triển kinh tế biển. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các cơ quan đang tích cực xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia trình cấp có thẩm quyền, trên cơ sở đó sẽ xác định các lĩnh vực, ngành mũi nhọn phát triển với chính sách ưu tiên phù hợp…
Về vấn đề cấp phép lao động, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp trước mắt thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Các cơ quan mong tiếp tục nhận được ý kiến góp ý về các khó khăn, vướng mắc và đang tích cực tiếp tục xem xét sửa đổi các quy định trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách, cắt giảm thủ tục theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa thuận tiện nhất có thể, giảm thời gian và chi phí, bảo đảm lợi ích của các bên.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.