Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 12 năm 2023 | 15:56

Thực hiện đồng bộ chính sách phát triển khí sinh học, cải thiện chất lượng môi trường

Nhằm hạn chế vấn đề ô nhiễm và phát thải khí nhà kính do chất thải chăn nuôi gây ra, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi cũng như sử dụng các giải pháp thân thiện với môi trường trong xử lý chất thải chăn nuôi.

Trong đó, đáng chú ý là việc áp dụng công nghệ khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi để tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện chất lượng môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Chú trọng công nghệ khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi (KSH)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, mô hình áp dụng công nghệ khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi (KSH) được đánh giá là có tiềm năng và cần được khuyến khích áp dụng rộng rãi.

Tại Việt Nam, áp dụng công nghệ KSH mang lại đa lợi ích, do đó nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cộng đồng và người dân, thể hiện xu hướng rõ rệt về nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái tại nước ta.

Qua triển khai thực hiện cho thấy, việc sử dụng công nghệ KSH xử lý chất thải chăn nuôi đã mang đến lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi như: Phát triển kinh tế, thay đổi môi trường, giải phóng sức lao động phụ nữ từ việc sử dụng năng lượng sạch để đun nấu... Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng công nghệ này vẫn chưa phổ biến bởi nhiều yếu tố tác động khác nhau.

Việc xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng chuyển đổi năng lượng xanh vẫn là một bài toán khó.

Bên cạnh đó, việc phát triển công nghệ KSH vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như chưa đáp ứng các yêu cầu về thông số phát thải nếu chỉ áp dụng công nghệ KSH, việc sử dụng khí mê-tan từ công trình không cạnh tranh được với khí ga công nghiệp vì tính tiện lợi.

Cùng với đó, hệ thống phát điện KSH còn nhiều bất cập như chi phí cao, hiệu quả kinh tế không hấp dẫn nhà đầu tư, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ sẽ không có động lực trong việc xây dựng hệ thống công trình KSH để xử lý chất thải chăn nuôi...

Trong Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi là một trong 5 đề án ưu tiên. Theo đó, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện và mở ra hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn đảm bảo phát triển chăn nuôi hiệu quả, trong đó có việc vận hành tái sử dụng chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, góp phần hình thành nền nông nghiệp phát thải thấp nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ trong phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Tuy được ưu tiên nhưng việc xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng chuyển đổi năng lượng xanh vẫn là một bài toán khó. Kết quả tính toán trong dự án "Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam" cho thấy, sau khi trang trại đầu tư máy phát điện biogas, trang trại đã giảm được 46% lượng điện lưới sử dụng, song, rất nhiều trang trại chăn nuôi vẫn chưa đầu tư máy phát điện biogas mặc dù công nghệ này đã được giới thiệu và thương mại hóa ở nước ta nhiều năm nay.

Cùng với vấn đề xuất phát điểm của ngành Chăn nuôi nước ta thấp hơn nhiều nước trong khu vực và những bất cập trong tổ chức triển khai các chính sách, thì thời gian qua mà việc khuyến khích phát triển công nghệ KSH còn gặp một số tồn tại, hạn chế, dẫn đến phát triển thiếu bền vững, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Hạn chế xuất phát từ chính các hộ chăn nuôi, nhưng cũng có những nguyên nhân tác động từ bên ngoài (từ cơ chế, chính sách của Chính phủ...) ảnh hưởng tới việc áp dụng công nghệ KSH.

Bên cạnh đó, việc chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ đã gây ra những khó khăn nhất định cho người chăn nuôi vì khu chăn nuôi chủ yếu nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường do không có đủ diện tích để đầu tư áp dụng công nghệ xử lý môi trường.

Trong khi đó, nhận thức của hộ chăn nuôi còn chưa đầy đủ, dẫn đến thiếu ý thức tự giác bảo vệ môi trường; Dịch bệnh và thiên tai diễn biến phức tạp, nhất là những dịch bệnh mới như tả lợn châu Phi, thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đang tác động trực tiếp đến ngành Chăn nuôi...

Nhằm giải quyết những khó khăn trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc áp dụng chính sách cần được thực hiện đầy đủ, đồng bộ và hoàn thiện. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc đầu tư công nghệ xử lý chất thải; trực tiếp hỗ trợ, khuyến khích các hộ chăn nuôi sử dụng công nghệ KSH để xử lý chất thải chăn nuôi thông qua các biện pháp hỗ trợ chi phí đầu tư công trình KSH...

Song song với đó, cần tiếp tục duy trì, thực hiện có hiệu quả chính sách, ưu đãi thuế đối với hoạt động trong các lĩnh vực của ngành Chăn nuôi nhằm tạo điều kiện phát triển chăn nuôi hiện đại, toàn diện, đồng bộ; Hỗ trợ nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi cho các quy mô khác nhau để đáp ứng nhu cầu sử dụng khí, tránh tình trạng quá tải và đáp ứng các yêu cầu về môi trường; Khuyến khích các công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ phát triển thị trường cung cấp công nghệ, dịch vụ liên quan đến việc xây dựng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình cũng như các thiết bị sử dụng KSH...

Kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nông nghiệp 

Phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn là một trong những chủ trương, định hướng của Nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã áp dụng các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp. Những mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, song vẫn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân, doanh nghiệp về phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi còn chưa đầy đủ, nhiều hộ tham gia vẫn theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên việc tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Ngoài ra, việc sản xuất và thương mại phế phụ phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm còn chưa được quan tâm đúng mức, đa số mới chỉ dừng lại ở việc tận dụng để phục vụ trồng trọt trong gia đình…

Mặc dù, Việt Nam có tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp thu hồi tài nguyên trong nước thải và khí sinh học trong chất thải rắn từ trang trại chăn nuôi lợn, trong đó, đáng chú ý là khí sinh học nhưng vẫn còn những bất cập. Khí sinh học chưa được coi là nguồn năng lượng thứ cấp. Ngoài ra, còn có những thách thức về mặt pháp lý, khi chưa có chương trình cụ thể để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khí sinh học. Bên cạnh đó, việc khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến vào xử lý chất thải có thu hồi tài nguyên theo hướng kinh tế tuần hoàn và bền vững vẫn chưa được quan tâm đúng mức…

Từ những kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc phát triển các hệ thống khí sinh học và công nghệ thu hồi tài nguyên ở nước ta cần có những giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực cho các trang trại xây dựng hệ thống xử lý chất thải, đáp ứng quy định pháp luật về môi trường; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn quy trình thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp; khuyến khích phát triển công nghệ thu hồi tài nguyên kết hợp các công trình khí sinh học nhỏ ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành các chương trình cụ thể, chẳng hạn như các chương trình sử dụng nhiên liệu sinh học và đề xuất các chính sách sử dụng tài nguyên địa phương, ứng dụng công nghệ thu hồi tài nguyên trong xử lý chất thải…

Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương về sản xuất và sử dụng khí sinh học và các chính sách ưu tiên về ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thu hồi tài nguyên từ chất thải chăn nuôi. Để đạt được điều đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung vào các quy mô chăn nuôi nhỏ ở nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung vào phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong xử lý chất thải và bảo vệ môi trường; Bộ Công Thương cần xây dựng và đề xuất các chính sách tạo điều kiện đưa khí sinh học trở thành nguồn năng lượng chính phục vụ cho các nhu cầu của quốc gia. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn  quy định về việc “bắt buộc” áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng thu hồi tài nguyên và tái sử dụng. Tăng cường nguồn tài chính cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận để đầu tư công nghệ kết hợp sản xuất khí sinh học. Do đó, việc thúc đẩy các hệ thống khí sinh học, ứng dụng công nghệ mới trong thu hồi tài nguyên không chỉ liên quan đến chính sách năng lượng mà còn trong một số lĩnh vực chính sách khác, chẳng hạn như chính sách nông nghiệp, môi trường và xử lý chất thải.

Sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường

Lâu nay, chất thải trong nông nghiệp cũng như phế phụ phẩm sau thu hoạch chưa được quan tâm xử lý, tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, có một số đơn vị, doanh nghiệp (DN) điển hình kiên trì thực hiện phương châm “sản xuất nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường” để phát triển bền vững.

Công ty TNHH Chăn nuôi H&Q Việt Nam nuôi lợn quy mô lớn tại xã Tam Tiến (Yên Thế, Bắc Giang). Khu vực chăn nuôi xa khu dân cư, đến trang trại không có mùi chất thải như chăn nuôi thông thường dù nuôi tới 2,4 nghìn lợn nái. Điểm khác biệt của DN này là liên kết chăn nuôi gia công với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nên từ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đến tiêu thụ… đều được phía đối tác bảo đảm, giá cả ổn định. 

Đặc biệt, quy trình chăn nuôi được vận hành bằng hệ thống máy móc tự động; hệ thống xử lý chất thải tuần hoàn khép kín, bể biogas có sức chứa 6 nghìn m3 nên xử lý gần như triệt để chất thải chăn nuôi. Một phần khí biogas còn phục vụ phát điện. Nước sau khi qua bể xử lý được dùng tưới cây, chất thải qua hệ thống bóc tách được ủ, bán cho nhà vườn, cơ sở trồng trọt. 

Theo đại diện DN này, muốn sản xuất lâu dài thì cần bảo vệ môi trường. DN không thể chỉ biết đến lợi ích của mình mà không quan tâm đến cộng đồng. Với phương châm ấy, DN đã xây dựng nhiều trang trại nuôi lợn quy mô lớn trong tỉnh, bảo đảm các điều kiện theo quy định.

Ông Hoàng Đình Quê, thôn Quỳnh, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng, Bắc Giang) sở hữu trang trại quy mô chăn nuôi hơn 3 nghìn con lợn/năm, lượng chất thải lên tới hàng trăm tấn, nếu không xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, ông Quê đã nuôi giun trùn quế để tận dụng nguồn chất thải và cải thiện môi trường, lại có thêm thu nhập. Nguồn thức ăn của giun là toàn bộ chất thải từ lợn. Giun thương phẩm được bán cho các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy sản.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, những mô hình chăn nuôi như trên đã áp dụng hướng đi của kinh tế tuần hoàn, xu thế tất yếu thời gian tới. Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu kỳ khép kín thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Các chất thải, phụ phẩm được tái chế làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp đa mục tiêu, đa giá trị. 

Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, ngành nông nghiệp xác định cần chú trọng mô hình kinh tế tuần hoàn trên cơ sở xây dựng các mô hình điểm; có cơ chế hỗ trợ từng bước nhân rộng, hướng đến sản xuất xanh, nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Cùng đó, DN, người sản xuất phải thay đổi nhận thức, chung tay vì lợi ích chung, đó là sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường.

 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top