Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2024 | 9:52

Thương hiệu nông sản là yếu tố quyết định lên giá trị sản phẩm

Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản là một trong những yếu tố quyết định lên giá trị sản phẩm nông sản, không những ở trong nước mà còn ở cả thị trường nước ngoài. Vì vậy, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất để thương hiệu luôn được duy trì và phát triển.

Thương hiệu nâng cao giá trị sản phẩm

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay, đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như: "Nhãn chín muộn Đại Thành" (huyện Quốc Oai), "Gạo thơm Bối Khê" (huyện Thanh Oai), "Chuối Vân Nam" (huyện Phúc Thọ), "Vịt Vân Đình" (huyện Ứng Hòa), “Bưởi tôm vàng” (huyện Đan Phượng)…Bên cạnh đó còn có một số sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài thành phố. Một số sản phẩm như: Gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai).

Những sản phẩm nông sản sau khi đã có thương hiệu, sản phẩm đưa ra thị trường trogn và ngoài nước đều có giá bán tăng 15-20% so với khi chưa có thương hiệu. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bên cạnh đó còn giúp các hợp tác xã, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng trong giám sát chất lượng nông sản trên thị trường từ gốc.

Sản phẩm “Bưởi tôm vàng” (huyện Đan Phượng) bảo đảm chất lượng và cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc

Giám đốc Hợp tác xã Bưởi tôm vàng, xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) Nguyễn Quý Thành cho biết, trên địa bàn xã hiện nay 100% diện tích đất nông nghiệp đã chuyển sang trồng bưởi tôm vàng và cây ăn quả khác, trong đó 152ha trồng bưởi. Nhờ chất lượng và sản phẩm đã có thương hiệu nên mỗi năm, hợp tác xã thu hoạch 500-600 tấn bưởi, thu nhập từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên cho hay, sản phẩm “Gạo thơm Bối Khê” của Hợp tác xã đã có thương hiệu, nên đã tạo được uy tín và niềm tin cho khách hàng. Vì vậy trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung ứng ra thị trường 15-20 tấn gạo; vào dịp lễ, Tết có thể lên tới 40 tấn.

“Nhờ nỗ lực phát huy giá trị nhãn hiệu tập thể, sản phẩm gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường; sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu”, ông Đỗ Văn Kiên cho biết thêm.

Cũng nhờ có thương hiệu một số sản phẩm nông sản như “Gạo hữu cơ Đồng Phú” (huyện Chương Mỹ); “Gạo nếp cái Hoa vàng Thuỵ Lâm” (huyện Đông Anh) hay “Gà đồi Ba Vì” luôn có mức giá cao hơn 15% so với trước đây khi chưa có nhãn hiệu.

Tuân thủ nghiêm ngặt để thương hiệu luôn bền vững

Thương hiệu sản phẩm có được là từ chất lượng của sản phẩm, muốn có chất lượng thì trong quá trình sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thụy Lâm (Đông Anh) Nguyễn Thị Cúc 

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuỵ Lâm cho biết, để giữ gìn thương hiệu tập thể của sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Thuỵ Lâm, HTX đã ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI). Với phương pháp canh tác SRI  đã giúp giảm chi phí thóc giống, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, giảm sâu bệnh và đặc biệt là góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cho lúa. Chính điều này sẽ làm cho thương hiệu tập thể nếp cái hoa vàng Thuỵ Lâm được giữ vững.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, chế biến nông sản Yến Anh (huyện Ba Vì) Phạm Thị Tư Hậu cho biết, hợp tác xã đang sản xuất, chế biến nông sản sạch như: Ngô, khoai, sắn, dừa… Toàn bộ sản phẩm của đơn vị đều được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ và có thương hiệu. Trong đó có 3 sản phẩm như: Ngô chiên bơ, khoai lang kén, bánh sắn nướng cốt dừa được công nhận đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Điều này để giữ uy tín cho HTX và thương hiệu các sản phẩm do HTX sản xuất.

Để hỗ trợ các mặt hàng nông sản có thương hiệu mở rộng thị trường tiêu thụ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho hay, các đơn vị sản xuất đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất an toàn để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu tập thể. Các ngành chức năng hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực, phổ biến kiến thức, thông tin về quy định an toàn thực phẩm trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; đồng thời nâng cao kiến thức sở hữu trí tuệ cho hợp tác xã trong xây dựng, phát triển thương hiệu; hỗ trợ vốn để các hợp tác xã đầu tư áp dụng công nghệ xây dựng nhà kho, sơ chế đóng gói, máy móc, thiết bị trong chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm mang thương hiệu nông sản.

Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể nông sản còn khó khăn do một số vùng nông dân vẫn chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất VietGAP, ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bảo vệ thương hiệu nông sản. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ chưa nhiều, không ổn định; khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, gây khó khăn cho sản xuất của nông dân.

Vẫn còn những khó khăn

Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn mang lại hiệu quả rất lớn, nhưng trong quá trình triển khai còn khó khăn do các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn còn nhỏ lẻ, manh mún. Người dân, hợp tác xã thiếu vốn đầu tư trang trại, vùng sản xuất quy mô lớn, đồng bộ từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Người tiêu dùng vẫn còn dễ dãi chấp nhận mua nông sản không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường, gây khó khăn cho hàng nông sản an toàn cạnh tranh về giá…

Để tháo gỡ khó khăn và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bà Nguyễn Thị Lợi, thành viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông sản và dịch vụ thương mại Đông Xuân (huyện Quốc Oai) kiến nghị các sở, ngành tham mưu thành phố ban hành chính sách hỗ trợ về vay vốn ưu đãi, máy móc, trang thiết bị, địa điểm mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh; thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn, tham quan mô hình hợp tác xã sản xuất có hiệu quả, giúp cán bộ quản lý và thành viên của hợp tác xã có điều kiện học tập, tích lũy kinh nghiệm, tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến bảo đảm chất lượng sản phẩm ở mức tốt nhất.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, vận động, hướng dẫn nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng an toàn; tăng cường hỗ trợ các cấp hội, hội viên hội nông dân, hội phụ nữ trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đấu tranh lên án hành vi vi phạm; ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến thực phẩm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường giám sát sản phẩm trên diện rộng, theo vùng sản xuất tập trung, sản phẩm rủi ro cao, cảnh báo, đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng, chủ lực của thành phố, sản phẩm OCOP đến với đơn vị tiêu thụ, người tiêu dùng; cùng với các tỉnh, thành phố triển khai chương trình phối hợp “Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025”... để kiểm soát chất lượng nông sản trên thị trường.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp với sữa đậu nành tiện lợi

    Đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp với sữa đậu nành tiện lợi

    Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.

  • Bí quyết dưỡng nhan từ sâu bên trong của phụ nữ hiện đại

    Bí quyết dưỡng nhan từ sâu bên trong của phụ nữ hiện đại

    Sức khỏe và sắc đẹp là điều bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn sở hữu. Giữa nhịp sống hiện đại với bộn bề trách nhiệm trong gia đình, ngoài xã hội, nếu không có những bí quyết riêng thì người phụ nữ thật khó để có được cùng lúc hai điều này.

  • “Sống sành” cùng thẻ tín dụng PVcomBank Lifestyle Mastercard

    “Sống sành” cùng thẻ tín dụng PVcomBank Lifestyle Mastercard

    Nhằm tri ân các chủ thẻ tín dụng Lifestyle Mastercard, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) mới đây vừa triển khai chương trình “Sống sành” với thông điệp “Cùng thẻ bạn yêu, làm điều bạn thích”, mang đến gần 20.000 mã ưu đãi hấp dẫn dành cho các khách hàng trên Shopee và Xanh SM.

Top