Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 4 năm 2024 | 11:29

Tiền Giang triển khai giải pháp chống hạn mặn

Tỉnh Tiền Giang vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 tại huyện Tân Phú Đông. Được biết, huyện này đang thiếu 1.770 m3/ngày đêm. Trước thực trạng trên nhiều giải pháp phòng chống hạn mặn, cấp nước sinh hoạt đã được đưa ra.

Công bố tình trạng hạn mặn khẩn cấp

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thành bơm nước sạch để vận chuyển đến các hộ thiếu nước sinh hoạt (Ảnh: Apbac).

Sở Nông nghiệp và PTNT được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tân Phú Đông và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức vận chuyển nước ngọt (nước ngọt thô có độ mặn nhỏ hơn 100 mgCl-/lít) về các ao chứa nước tại huyện phục vụ duy trì hoạt động sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, sở này phải khảo sát chọn vị trí vận chuyển, thời gian vận chuyển, đảm bảo việc vận chuyển nước ngọt bổ cấp nước vào các ao chứa nước nhằm đảm bảo kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn xem xét kết thúc sớm hoặc kéo dài thời gian vận chuyển nước ngọt.

Người đứng đầu UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo phải thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông để người dân, các tổ chức biết và chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp trong sản xuất, sinh hoạt.

Tân Phú Đông là địa phương nằm giữa vùng hạ lưu sông Tiền có một phần tiếp giáp với biển Đông. Toàn huyện có hơn 44.000 người dân sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang kéo ngang sông Tiền. Hiện nay, nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn huyện là 10.270 m3/ngày đêm, trong đó nguồn tự cung cấp là 2.500 m3/ngày đêm, nhận nguồn từ nhà máy BOO Đồng Tâm là 6.000 m3/ngày đêm. Như vậy, nguồn nước phục vụ thực tế là 8.500 m3/ngày đêm, còn thiếu 1.770 m3/ngày đêm.

Ở một diễn biến khác, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như 2015-2016 và 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh trong tháng 4-5 (8-13/4, 22-28/4, 7-11/5). Hạn mặn năm nay dự báo sẽ khiến 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, 20.000 ha lúa đông xuân gieo sạ ngoài lịch khuyến cáo bị thiếu nước.

Sà lan vận chuyển nước ngọt thô về ao Phú Thạnh do các nhà hảo tâm tài trợ (Ảnh: Apbac).

Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Tài nguyên nước tiến hành nghiên cứu, lập bản đồ thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra tại khu vực ĐBSCL. Kết quả cho thấy, với kịch bản hiện trạng, tổng mức thiệt hại do xâm nhập mặn ở ĐBSCL khoảng 70.168 tỉ đồng. Đây là thiệt hại gây ra với hoạt động sản xuất gồm cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản. Các nhà khoa học cũng xây dựng kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở các năm 2030, năm 2040 và năm 2050 với mức thiệt hại lần lượt 72.385 tỉ đồng, 73.530 tỉ đồng và 76.485 tỉ đồng.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho biết, những năm gần đây, hạn, mặn thường diễn biến khá phức tạp, xâm nhập sâu vào các hệ thống kênh rạch, với độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở Biển Đông và Biển Tây cũng như tình trạng suy giảm của nguồn nước đến từ thượng nguồn.

Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu nên lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hạn hán, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, ngoài một số yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng cũng như tình trạng khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng.

Hỗ trợ nước sinh hoạt cho bà con

Toàn huyện Tân Phú Đông có 12.197 hộ/12.654 hộ sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang. Hiện nhu cầu sử dụng của người dân trên địa bàn huyện là 10.270 m3/ngày đêm; trong đó nguồn tự cung cấp là 2.500 m3/ngày đêm, nhận nguồn từ BOO là 6.000 m3/ngày đêm. Như vậy, nguồn nước phục vụ thực tế là 8.500 m3/ngày đêm, còn thiếu 1.770 m3/ngày đêm.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thành vận chuyển nước cho hộ người già neo đơn, khó khăn (Ảnh: Apbac).

Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Phú Đông, hiện nay, độ mặn sông Tiền, sông Cửa Trung tăng cao. Các kinh nội đồng cạn kiệt, nhiễm phèn, mặn không còn khả năng cung cấp vào các ao và phục vụ sản xuất. Nguồn nước sinh hoạt phục vụ nhân dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông chủ yếu từ nguồn ao Phú Thạnh, ao Tân Thới và nguồn BOO Đồng Tâm. Đến ngày 4/4, ao Phú Thạnh còn 8.200 m3, nhưng khả năng chỉ sử dụng được 4.000 m3, cung cấp 500 m3/ngày đêm. Do đó, nguồn nước ao Phú Thạnh sẽ phục vụ được 8 ngày thì cạn kiệt. Riêng ao Tân Thới còn 63.000 m3, nhưng khả năng sử dụng được là 40.000 m3, cung cấp 2.000 m3/ngày đêm. Do đó, nguồn nước ao Tân Thới sẽ phục vụ được 20 ngày. Nguồn tiếp nhận từ BOO Đồng Tâm là 6.000 m3/ngày đêm (giảm 700 - 1.000 m3/ngày đêm) do phải cung cấp cho các huyện khác.

Chủ động ứng phó diễn biến hạn mặn trong những ngày tới, không để bị động trong việc cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang xây dựng phương án dùng sà lan vận chuyển nước ngọt từ phía thượng lưu sông Tiền về trữ trong hai ao chứa ở huyện cù lao Tân Phú Đông có tổng dung tích 182.000 m3 nhằm cung cấp nước ngọt phục vụ nhân dân.

Ngày 6/4, lãnh đạo công ty cho biết, trong ngày, 2 sà lan nước thô do các nhà hảo tâm hỗ trợ đã được vận chuyển về huyện Tân Phú Đông để bơm vào các ao chứa phục vụ sản xuất nước sinh hoạt. Theo đó, 2 sà lan vận chuyển 1.400 m3 nước thô được bơm vào ao chứa Phú Thạnh (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông) để sản xuất nước sinh hoạt. Những ngày qua, nguồn nước thô tại ao Phú Thạnh đã cạn kiệt.

Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã vận hành 12 giếng nước tầng sâu dự phòng nhằm tăng cường lượng nước bơm trữ trong các ao chứa nước ngọt tại các huyện phía Đông, đáp ứng tình hình thực tế. Ước tính, tổng lượng nước khai thác từ các giếng dự phòng cấp cho người dân đạt trên 336.000 m3. 

Tại Gò Công Đông, UBND huyện này đã ban hành Công văn về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn huyện. Theo đó, huyện yêu cầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến nhân dân về việc chủ động ứng phó diễn biến tình hình hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 với tinh thần tích cực, khẩn trương, hiệu quả.

Nhân dân đến lấy nước từ một điểm cấp nước miễn phí ở xã Long Bình, huyện Gò Công Tây.

Hiện nay, tại huyện Tân Phú Đông có 3 ao chứa nước ngọt trữ được gần 101.000 m3, huyện Gò Công Tây có 6 ao chứa trữ được trên 28.000 m3, thị xã Gò Công có 2 ao chứa trữ được trên 4.000 m3 và huyện Gò Công Đông có 6 ao chứa trữ khoảng 55.500 m3 nước ngọt. Theo dự kiến, với tình hình trữ nước ngọt như trên, huyện cù lao Tân Phú Đông có thể duy trì hoạt động cấp nước khoảng 35 ngày; các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công duy trì khoảng 57 ngày.

Chủ động ứng phó tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp, khô hạn và xâm nhập mặn sâu, kéo dài, tỉnh Tiền Giang đã mở 62 vòi nước công cộng miễn phí phục vụ nhân dân các địa bàn ven sông, ven biển, ngoài các đê bao ngăn mặn tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông… nằm phía Đông tỉnh. Địa phương quyết tâm không để bà con phải thiếu nước ngọt trầm trọng trong mùa khô hạn. Thời gian mở đến giữa tháng 5/2024, khi mùa khô hạn 2023 - 2024 dự kiến kết thúc.

Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô hạn 2023-2024.

Trường hợp mùa khô kéo dài, địa phương kịp thời thông tin, tuyên truyền và thông báo người dân biết, có giải pháp trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả và an toàn. Đồng thời, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang tăng cường công tác kiểm tra, vận hành của các nhà máy nước cũng như các trạm cấp nước, bảo đảm không để xảy ra sự cố khiến gián đoạn việc cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa

Từ ngày 3/4, UBND tỉnh Tiền Giang có chủ trương lấy nước mặn từ sông Tiền vào vùng 'ngọt hóa Gò Công', đây là một nghịch lý nhằm để giải quyết một số vấn đề đặt ra. Hiện nay, nước sông Tiền tại cống Xuân Hòa (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) nhiễm mặn hơn 3,3 gam/lít, nhưng UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản số 1906 yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu han Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang tổ chức vận hành lấy gạn nước tại cống Xuân Hòa. Theo đó từ chiều ngày 3/4 cống Xuân Hòa lấy gạn với độ mặn lấy vào dưới 2 gam/lít; mực nước trên các kênh trục chính vùng “ngọt hóa Gò Công” duy trì nhỏ hơn -0,30 mét.

Kênh Xuân Hòa đang cấp bổ nước mặn để hạn chế sạt lở, ô nhiễm bên trong (Ảnh: VOV).

Do lấy nước mặn vào kênh Xuân Hòa nên Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản đề nghị UBND các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thông tin rộng rãi trên đài truyền thanh xã để người dân biết không sử dụng nguồn nước này bơm tưới cho cây trồng, nhất là những loại cây trồng nhạy cảm với độ mặn; đồng thời thường xuyên phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang nắm tình hình vận hành công trình, độ mặn lấy qua cống Xuân Hòa để chỉ đạo cho Ủy ban nhân dân các xã, phường thông tin cho người dân biết.

Theo ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, việc lấy nước có độ mặn vào kênh Xuân Hòa trong cao điểm khô hạn là để nâng cao mực nước trên các kênh trục chính, kênh sườn trong vùng Dự án “ngọt hóa Gò Công” nhằm hạ nền nhiệt do nắng nóng gây ra, đồng thời hạn chế phèn, mặn nội tại trong đất phát sinh và mặn phía ngoài sông thẩm thấu vào vùng dự án gây ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Mặt khác, lấy nước vào kênh Xuân Hòa nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng sạt lở bờ kênh, rạch có thể xảy khi mực nước nội đồng ngày càng cạn kiệt. Hiện tại, mỗi ngày, cống Xuân Hòa lấy vô từ 900 mét khối đến 1 triệu mét khối nước mặn dưới 1,5 gam/lít.

Ông Đỗ Thành Sơn nói, vùng dự án “ngọt hóa Gò Công” hiện tại nước đồng trước khi lấy nước vào đã nhiễm mặn -1,3m rồi, hơn nữa nước mặn nội đồng phát sinh do trong đất phèn chảy ra thẩm thấu bên ngoài vào trên 2gam/ lít và ô nhiễm, các tuyến đê còn đến trên 5 gam/lít. Lấy nước vào để cải thiện môi trường, giữ ém mấy tầng phèn, hạn chế sạt lở, thậm chí nước 2 gam/lít vẫn tưới được cho cây thanh long, cỏ rất tốt. Hôm qua lấy được 5 giờ với khoảng 1,2 triệu mét khối, bắt đầu nước lấy giảm dần do nước trong nội đồng cao lên nên nước lấy gạn ít lại.

 

Tổng hợp từ các nguồn: VOV; Suckhodoisong; Baoapbac; TTXVN.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Địa chỉ đỏ Hà Tĩnh thu hút du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5

    Địa chỉ đỏ Hà Tĩnh thu hút du khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5

    Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người lao động được nghỉ 5 ngày. Với thời gian nghỉ lễ khá dài, nhiều người dân Hà Tĩnh đã lựa chọn hành hương về địa chỉ đỏ, các khu di tích văn hoá, tâm linh trên địa bàn Hà Tĩnh để tri ân các anh hùng liệt sỹ, những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

  • Nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm thú vị tại TP Hà Tĩnh trong dịp nghỉ lễ

    Nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm thú vị tại TP Hà Tĩnh trong dịp nghỉ lễ

    Vài năm trở đây, xu hướng du lịch tìm về với thiên nhiên, du lịch sinh thái đang thu hút giới trẻ và người dân Hà Tĩnh. Kỳ nghỉ lễ dài 30/4, 1/5 năm nay nhiều hoạt động phiên chợ nông thôn, du lịch sinh thái, ẩm thực ven đô... mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

  • Ẩm thực bốn phương hội tụ tại Huế

    Ẩm thực bốn phương hội tụ tại Huế

    Tối 27/04, tại Công viên Thương Bạc (thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế), diễn ra khai mạc Tuần lễ ẩm thực truyền thống Huế 2024 với chủ đề “Ẩm thực Huế với bốn phương”.

Top