Sau hơn một năm, hai công trình trong Tiểu dự án nâng cao an toàn đập giai đoạn 1 tại Đắk Lắk (WB8) chỉ được sửa chữa sơ sài kiểu đối phó, vẫn chưa khắc phục việc thi công chưa đúng... Việc này ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, kinh tế VAC cũng như ảnh hưởng đến tái cơ cấu nông nghiệp...
Sự cần thiết thực hiện “Tiểu dự án nâng cao an toàn đập” tại Đắk Lắk
Dự án “Sửa chữa và Nâng cao an toàn đập” được Chính phủ vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư nâng cao an toàn cho đập, công trình liên quan trên toàn quốc nhằm đảm bảo an toàn cho người và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của cộng đồng hạ du theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập và hồ chứa nước ở Việt Nam được ban hành vào ngày 04/9/2018.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 599 hồ chứa. Hơn 50% số lượng công trình trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng từ cách đây 30 - 40 năm nên một số đập chứa nước bị rò rỉ nước thấm qua thân đập, cống lấy nước bị hư hỏng, tràn xả lũ không được gia cố, không đảm bảo thoát lũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn đối với khu vực hạ lưu trong mùa mưa lũ.
Sở Nông nghiệp và PTNT là chủ đầu tư tiểu dự án nâng cao an toàn đập (WB8) tại tỉnh Đắk Lắk
Nhằm chủ động nước thủy lợi phục vụ canh tác nông nghiệp cho 1.949ha trên địa bàn các huyện Krông Pắk, Krông Năng, Krông Búk, M'Đrắk, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ; sửa chữa, kiên cố hóa thân đập, các hạng mục công trình hồ chứa đảm bảo an toàn và thuận tiện trong vận hành, giai đoạn 1 tiểu dự án “Sửa chữa và Nâng cao an toàn đập tỉnh Đắk Lắk” đã được Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện với số tiền 170 tỷ đồng
Giai đoạn 1 Tiểu dự án được thực hiện tại 10 hồ thuộc các xã Hòa Tiến, Ea Yông, Dliê Ya, Phú Xuân, Cư Pơng, Cư Bao, Ea Drông, Ea Riêng, và Ea Kmút, với mục tiêu hỗ trợ thực hiện Chương trình bảo đảm an toàn các hồ chứa thông qua sửa chữa kiên cố hóa, nâng cấp các đập ưu tiên, tăng cường năng lực quản lý, vận hành an toàn đập nhằm bảo vệ cụ thể cho dân cư và hạ tầng kinh tế - xã hội vùng hạ du.
Tại tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 1 của tiểu dự án Sửa chữa và Nâng cao an toàn đập được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn hồ chứa thông qua việc sửa chữa, nâng cao an toàn 10 hồ đập và kiên cố hóa công trình hạ tầng liên quan; chủ động lượng nước tưới, tăng cường năng lực quản lý, vận hành an toàn đập nhằm bảo vệ cho dân cư và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dự án tại 9 xã thuộc huyện Krông Pắk, Krông Năng, Krông Búk, M'Đrắk, Ea Kar, và thị xã Buôn Hồ. Chủ đầu tư của tiểu dự án an toàn hồ đập tại tỉnh Đắk Lắk là Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh. Để diều hành tiểu dự án này, Sở NNông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Ban Quản lý dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Đắk Lắk do ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk, kiêm Giám đốc Ban này.
Công trình chưa đưa vào sử dụng đã hỏng
Nhiều lần có mặt tại 2 hồ (Hồ Buôn Dung II và hồ đội 11) thuộc thuộc lô 2 của tiểu dự án, nhóm phóng viên đã ghi nhận hàng loạt dấu hiệu hư hỏng dẫn đến chất lượng công trình không đạt tiêu chuẩn.
Dự án nâng cấp, sửa chữa hồ đội 11 (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar - xã Ea K’ly huyện Krông Pắc) và hồ Buôn Dung II (xã Ea Yông và xã Ea Kênh huyện Krông Pắc) với giá trúng thầu là 29,4 tỷ đồng (theo Quyết định 1395/QĐ-SNN của Sở Nông Nghiệp và PTNT Đắk Lắk, ngày 3/12/2019 về việc phê duyệt lựa chọn nhà thầu). Đơn vị trúng thầu thi công xây lắp, nâng cấp, sửa chữa hồ đội 11 và hồ Buôn Dung II là Công ty Cổ phần xây dựng thủy lợi 1 (trụ sở tại phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Thời hạn thi công là 18 tháng.
Quyết định của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Đắk Lắk về việc phê duyệt nhà thầu thi công hồ đội 11 và hồ Buôn Dung II
Cụ thể, tại hồ Buôn Dung II có hiện tượng mái hạ lưu thiếu đất. Đường bê tông mặt đập nứt một số điểm, mặt bê tông khoảng lưu không hai bên tràn xuất hiện hàng loạt vết nứt, một số điểm nước đã thấm ngang qua tường tràn; kích thước, vật liệu lọc rãnh bảo vệ mái hạ lưu bộc lộ khiếm khuyết. Bên cạnh đó, còn một hạng mục khác cũng xuất hiện nhiều dấu hiệu không đảm bảo chất lượng cần phải kiểm tra lại.
Mái hạ lưu tại hồ Buôn Dung II có hiện tượng thiếu đất
Mặt bê tông khoảng lưu không hai bên tràn tại hồ Buôn Dung II xuất hiện hàng loạt vết nứt
Tại Hồ Buôn Dung II, một số điểm nước đã thấm ngang qua tường tràn
Nhà thầu dùng đá mồ côi dạng lớn tại hồ Buôn Dung II
Tại hồ Đội 11, xuất hiện hàng loạt các lỗi và các hạng mục bị hư hỏng. Bê tông mái thượng lưu nứt hàng loạt cả ngang và dọc, đổ bê tông liền khối không tạo khe co giãn khiến nhiều tấm bê tông bị nứt, mái đập thượng lưu bị sụt lún, trồng cỏ mái hạ lưu chỗ có chỗ không, không đồng đều. Đường bê tông mặt đập một số điểm bị nứt.
Đập hồ đội 11 nhìn từ trên cao
Trên toàn mái đập hồ đội 11 xuất hiện hàng loạt các vết nứt tấm bê tông cả ngang và dọc
Mái đập thượng lưu bị sụt lún ở rất nhiểu điểm tại hồ đội 11
Sau khi ghi nhận thực tế tại 2 công trình trên, phóng viên liên lạc với ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Đắk Lắk để phản ánh. Ông Côn cho biết, sẽ cho xác minh và kiểm tra lại.
Thế nhưng, sau hơn một năm, nhiều lần phóng viên quay lại hai công trình nói trên thì chỉ thấy nhà thầu sửa chữa sơ sài theo kiểu đối phó, vẫn còn nhiều hạng mục hư hỏng nặng. Đúng ra cần phải thực hiện những phương pháp cụ thể để khắc phục việc thi công chưa đúng, khiến chất lượng công trình chưa đảm bảo.
Tại hồ đội 11, những chỗ mái đập thượng lưu bị sụt lún nhà thầu khắc phục bằng cách cho đục sơ sài rồi trét lại bằng xi măng
Những chỗ bị nứt tại hồ đội 11, nhà thầu khắc phục bằng cách rót nhựa đường vào, nhìn rất phảm cảm
Việc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng hồ Buôn Dung II và hồ đội 11 là việc rất cần thiết đối với sự phát triển của những vùng chịu ảnh hưởng của hai hồ. Những vùng xung quanh hai hồ đều lấy phát triển kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo. Xung quanh hồ là các ruộng lúa và diện tích lớn trồng các loại cây như: cà phê, tiêu, điều, sầu riêng... Các hộ dân đều phát triển theo mô hình kinh tế vườn để phù hợp với thực tế địa phương. Vì vậy, điều tiết được nguồn nước tại hai hồ là việc quan trọng. Thế nhưng, với chất lượng thực hiện xây lắp, sửa chữa hai công trình như vậy khiến không ít người lo lắng liệu có mang lại hiệu quả theo hướng lâu dài cũng như đáp ứng được mục đích của tiểu dự án WB8 tại Đắk Lắk hay không.
Bên cạnh đó, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc chất lượng các hồ đập không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Đề án. Chính vì vậy, các công trình hồ đập được xây lắp, sửa chữa xuất hiện nhiều dấu hiệu hư hỏng khi chưa đưa vào sử dụng sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của tỉnh Đắk Lắk, nhất là ở vùng nông thôn phát triển nông nghiệp, kinh tế VAC.
Kỳ 2: Nhiều công trình chưa đưa vào vào sử dụng đã hỏng
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.