Chương trình cho học sinh, sinh viên (HSSV) vay vốn học tập của Chính phủ không chỉ tạo chỗ dựa, niềm tin cho những gia đình HSSV nghèo, mà còn là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc nhằm thực hiện mục tiêu không để HSSV nào phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí của Đảng.
Thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho thấy, trong hơn 15 năm qua, tổng doanh số tín dụng HSSV vay học tập đã chạm ngưỡng trên 80.000 tỉ đồng với hơn 3,7 triệu HSSV được thụ hưởng.
Chính sách xuyên suốt
Trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2005, Nhà nước đã ban hành một số chính sách an sinh xã hội hỗ trợ các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 quy định về học bổng và trợ cấp xã hội đối với HSSV, trong đó HSSV người dân tộc ít người ở vùng cao; người mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa; người tàn tật theo quy định chung của Nhà nước và gặp khó khăn về kinh tế; HSSV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế vượt khó học tập được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng 100.000 đồng/HSSV và được hưởng đủ 12 tháng.
Bên cạnh chính sách trợ cấp xã hội, HSSV cũng được hưởng thêm các chính sách khác như học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tỉ lệ sinh viên bỏ học hằng năm vẫn rất cao mà nguyên nhân chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế.
Trước thực trạng trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tín dụng đối với HSSV, được triển khai từ tháng 3/1998 theo Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đến năm 2007, chương trình mới cho vay được gần 100 ngàn HSSV với tổng dư nợ 290 tỷ đồng và tỉ lệ HSSV bỏ học vì khó khăn về kinh tế vẫn chưa giảm. Trước thực trạng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các cơ sở đào tạo, nắm bắt tình hình, tìm hiểu các nguyên nhân. Qua báo cáo của các cơ sở đào tạo, có thể thấy thời điểm đó bản thân sinh viên và gia đình hầu như chưa hiểu rõ về chương trình, cơ chế cho vay còn khó khăn.
Nắm bắt được các tồn tại, nguyên nhân trên, các bộ, ngành đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với HSSV. Từ thời điểm này, Chương trình tín dụng đối với HSSV thực sự trở thành chương trình tín dụng lớn, có tác động mạnh đối với xã hội. Quyết định 157/2007/QĐ-TTg đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương về phát triển giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội. Chương trình đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả do nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của thường trực Chính phủ; sự quan tâm, phối hợp triển khai tích cực của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là sự vào cuộc thực hiện quyết liệt, có trách nhiệm trong công tác cho vay vốn của NHCSXH. Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, chương trình đã đạt được kết quả về kinh tế, chính trị và xã hội rất tích cực.
Hộ vay nhận tiền vay tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đức Hòa.
Kênh dẫn vốn cho HSSV nghèo
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tổng doanh số cho vay từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW (ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư) và Kết luận số 06-KL/TW (ngày 10/06/2021 của Ban Bí thư) đến ngày 30/6/2023 đạt 20.573 tỷ đồng; tổng doanh số thu nợ đạt 37.759 tỷ đồng. Dư nợ đến ngày 30/6/2023 là 12.529 tỷ đồng, với trên 290 ngàn hộ gia đình còn dư nợ (vay vốn cho hơn 514 nghìn HSSV), trong đó nợ quá hạn hơn 70 tỷ đồng, chiếm 0,56% tổng dư nợ. Chương trình đã giúp cho trên 3,7 triệu lượt HSSV được vay vốn để chi phí học tập.
Kết quả đạt được cho thấy, đây là một trong các chính sách của Nhà nước nhằm thực hiện công bằng xã hội, hỗ trợ và tạo cơ hội cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường. Chính sách này đã giúp cho một bộ phận nhân dân thu nhập thấp có được sự bình đẳng về đào tạo, hỗ trợ kinh phí để theo học các bậc học khác nhau, kể cả đào tạo nghề, giúp họ có thể có một việc làm ổn định, phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình. Với ý nghĩa to lớn đó, chính sách tín dụng đối với HSSV đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận và nhiệt tình ủng hộ.
“Chính sách tín dụng đã phát huy hiệu quả theo đúng mục đích ban đầu là bảo đảm không còn tình trạng HSSV phải bỏ học giữa chừng vì khó khăn kinh tế. Chính sách đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn HSSV có đủ kinh phí để trang trải việc học tập, sinh hoạt, hàng trăm nghìn gia đình có điều kiện cho con em mình tiếp tục đến trường”, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.
Đơn cử như NHCSXH Đức Hòa (Long An), nhằm tiếp tục đồng hành và tiếp sức HSSV đến trường trong năm học mới 2023 - 2024, trong những ngày đầu tháng 8 /2023, tại các phiên giao dịch xã, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân hơn 2 tỷ đồng vốn chương trình cho vay HSSV.
Theo đó, có 53 hộ có vay nguồn vốn vay HSSV. Qua đây đã góp phần giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt phần nào gánh nặng về chi phí cho năm học mới. Được biết, để chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đức Hòa đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền, phổ biến chương trình cho vay HSSV hoàn cảnh khó khăn đến toàn thể người dân trên địa bàn thông qua các kênh như “Phát thanh câu chuyện xóm làng”, đăng tin và chia sẻ trên các trang mạng xã hội, các nhóm Zalo và lồng ghép tại các buổi sinh hoạt tổ,… Từ đó, góp phần hỗ trợ kịp thời cho HSSV, không để HSSV phải nghỉ học vì không có tiền đóng học phí.
Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành A (Hậu Giang), điển hình một số hộ vay vốn đã thoát nghèo bền vững trên địa bàn có hộ ông Lý Sót, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn. Vào thời điểm năm 2010, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo được chính quyền địa phương bình xét, hỗ trợ vay vốn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với số tiền 5 triệu đồng. Khi được vay vốn ông đã đầu tư vào đóng một cái thùng kem trên xe đi bán dạo. Còn vợ ông ở nhà làm bánh bán tại chợ.
Ngay thời điểm khó khăn đó, con gái lớn ông Sót lại thi đậu Trường Đại học Y dược Cần Thơ. Gia đình ông được tiếp tục bình xét và giới thiệu vay vốn HSSV có hoàn cảnh khó khăn để con được thực hiện ước mơ đến giảng đường đại học. Đến năm 2013, đứa con gái nhỏ đậu vào trường cao đẳng với chuyên ngành Anh văn. Gia đình tiếp tục được vay vốn HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay 2 con của ông Sót đã có việc làm ổn định, gia đình đã thoát nghèo năm 2016, nguồn vốn vay cũng được các con ông trả nợ đúng thời hạn ghi trên hợp đồng vay vốn.
Chương trình tín dụng đối với HSSV không chỉ hỗ trợ cho HSSV mà còn giúp cho các trường ổn định về số lượng, nguồn thu, đảm bảo phát triển chất lượng giảng dạy của nhà trường. Với sự quan tâm của các nhà trường, Chương trình tín dụng đối với HSSV được triển khai khá thuận lợi. Các trường đã thực hiện tốt công tác xác nhận cho HSSV; đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc tổ chức cho HSSV đang vay vốn ký cam kết trả nợ NHCSXH trước khi ra trường. Phần lớn các cơ sở đào tạo xác nhận nhanh chóng cho HSSV thuộc diện vay vốn; đa số địa phương xác nhận đúng đối tượng hộ gia đình thuộc diện vay vốn; đa số vốn vay được sử dụng đúng mục đích.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.