Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 10 năm 2022 | 18:3

Tọa đàm liên kết, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội - An Giang

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phối hợp Sở Du lịch TP. Hà Nội vừa tổ chức tọa đàm liên kết, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn giữa 2 địa phương.

Hà Nội hình thành nhiều trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục

Hà Nội là một trong những nơi có lượng khách du lịch rất lớn và luôn đứng trong top đầu của cả nước. Tuy nhiên, tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch còn rất lớn. Trong đó, việc phát triển du lịch nông nghiệp là một tiềm năng vô cùng lớn và nếu được khai thác tốt sẽ là lợi thế không nhỏ của ngành Du lịch Thủ đô.

Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  

Phát triển du lịch nông nghiệp đang là hướng đi giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả bởi Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, 70% người dân là nông dân. Tại Hà Nội, khai thác du lịch nông nghiệp hiện nay đã được nhiều tổ chức, cá nhân và một số địa phương của Hà Nội quan tâm, chú trọng đầu tư khai thác các yếu tố từ sản xuất nông nghiệp để phát triển du lịch. Có thể nói, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, du lịch nông nghiệp sinh thái đang trở thành một “món ăn lạ” bên cạnh các loại hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, khám phá.

Các sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu là khai thác yếu tố văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan văn hóa di sản, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ cho hoạt động du lịch học đường, du lịch cuối tuần tại Hà Nội và các tỉnh phụ cận. Du khách hiện nay có xu hướng quan tâm tới mô hình du lịch sinh thái, nông nghiệp bởi họ muốn được thưởng thức thực phẩm ngon, sạch trong không gian sinh hoạt mang tính cộng đồng nông nghiệp làng xã. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến việc đẩy mạnh du lịch gắn với nông nghiệp, đồng thời, qua đó mang đến các yếu tố trải nghiệm gắn với bản sắc văn hóa của các vùng miền nhằm tạo nên sức thu hút, đặc biệt là với du khách nước ngoài.

Thủ đô đã hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục; tiêu biểu như: Khu du lịch sinh thái Bản Rõm xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn; hay ngay trong khu vực nội đô, cách trung tâm Hà Nội không xa, quận Long Biên được biết đến như là “thủ phủ” của du lịch sinh thái. Nơi đây từng là ngoại thành của Hà Nội với những bờ bãi, vườn cây được phù sa sông Hồng bồi đắp tạo nên một vùng có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, phì nhiêu. Sau quá trình đô thị hóa, Long Biên trở thành quận nội thành nhưng đến nay mô hình du lịch sinh thái tại đây đang phát triển khá mạnh. Ngoài ra, tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thạch Thất ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách bởi những vườn cây trĩu quả, gợi nhớ về miệt vườn Tây Nam Bộ giữa lòng Hà Nội.

Như vậy có thể thấy, loại hình du lịch này đang rất được du khách ưa chuộng. Đặc biệt mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái đã đem lại nhiều giá trị tích cực về vấn đề tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần giữ gìn nghề nông nghiệp truyền thống cũng như duy trì sản vật địa phương.

Mặc dù có tiềm năng, lợi thế lớn và được nhiều du khách tham gia, nhưng từ thực tế cho thấy, các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Cùng với đó, giá trị nông nghiệp bản địa, văn hóa truyền thống bản sắc, sự tinh tế, chuyên nghiệp chưa được nghiên cứu bài bản để tạo ra các sản phẩm có chất lượng phục vụ du khách. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên đã làm giảm đi sức hấp dẫn du khách.

Du lịch nông nghiệp An Giang có nhiều lợi thế phát triển

Là vùng đất có trái ngọt, cây lành và phong cảnh hữu tình, An Giang sở hữu những tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch. Trong đó, du lịch nông nghiệp đang là nguồn “tài nguyên” quý, cần được đầu tư, khai thác đúng tầm để đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành du lịch.

Du khách nước ngoài thích thú khi trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại An Giang (Ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19)

Những năm qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh cùng các ngành, địa phương có nhiều hoạt động hỗ trợ để khai thác tiềm năng, thế mạnh của hoạt động du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp. Thực tế, nếu du lịch nông nghiệp được đầu tư bài bản sẽ góp phần cung ứng dịch vụ ẩm thực có tính bản địa độc đáo, hướng đến việc hình thành ký ức sâu sắc cho du khách, kiến tạo cảnh quan sinh thái đặc trưng của vùng nông thôn, đáp ứng nhu cầu tham quan và tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm các hoạt động sinh kế, tập quán của nông dân...

Việc khai thác loại hình du lịch nông nghiệp còn góp phần nâng cao năng lực cho cộng đồng cư dân bản địa, bảo tồn các giá trị tài nguyên, đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho địa phương. Hiện nay, các tỉnh, thành phố ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng đang dần khẳng định vị thế và tích cực nâng cấp chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp của địa phương tại các vùng nông thôn.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, ngành du lịch tỉnh đã kết hợp hoạt động sản xuất theo định hướng nông nghiệp sạch để hình thành nhiều chuỗi dịch vụ và sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách. Đồng thời, An Giang còn là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của vùng nông thôn, do đó tỉnh có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm nông nghiệp “xanh” của ĐBSCL và cả nước.

Hiện nay, một số đơn vị trong tỉnh đã quan tâm khai thác loại hình du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: nông trại Phan Nam (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) với diện tích hơn 4ha; vườn sinh thái Út Cưng và tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Tuấn Phong (TP. Châu Đốc)… thường xuyên thu hút hàng trăm lượt du khách đến mua sắm các sản phẩm đặc trưng từ nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, An Giang còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm DL nông nghiệp truyền thống tại các vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu, cây lúa, thủy sản, như: cù lao Giêng (huyện Chợ Mới); cù lao Tân Trung (huyện Phú Tân), xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên)… hứa hẹn là điểm đến thu hút du khách trong tương lai gần.

Dù đã được quan tâm, đầu tư nhưng loại hình du lịch nông nghiệp ở An Giang cũng như các tỉnh ĐBSCL mới dừng lại ở mức độ tham quan và ngắm nhìn, chưa có những điểm du lịch nông nghiệp thật sự chuyên nghiệp. Do đó, cần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người nông dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Các địa phương cần có biện pháp hướng dẫn du khách nhận thức cách sử dụng các sản phẩm dịch vụ thân thiện, phù hợp với các nguyên tắc phát triển bền vững. Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng. Chú trọng quy hoạch, xây dựng kế hoạch khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp truyền thống phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương…

Chia sẻ kinh nghiệm

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Khánh Hiệp phát biểu tại buổi tọa đàm

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Khánh Hiệp; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ và Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội Trần Trung Hiếu chủ trì buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về lợi thế, tiềm năng, sản phẩm và định hướng phát triển du lịch của 2 địa phương. Trong đó, tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn, như: Xây dựng sản phẩm đặc trưng, đa dạng các hoạt động trải nghiệm phục vụ khách du lịch tại các địa điểm; đầu tư có trọng tâm các mô hình điểm, thu hút khách du lịch; quảng bá, truyền thông du lịch…, nhằm thu hút khách du lịch.

Dịp này, đoàn công tác Sở Du lịch TP. Hà Nội cùng các đại biểu đã tham quan Bảo tàng tỉnh An Giang; khảo sát thực tế các mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh An Giang. Qua đó, góp phần tăng cường liên kết trong việc xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch và hợp tác phát triển du lịch giữa hai địa phương trong thời gian tới.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top