Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh", đồng thời, Người khẳng định: "Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến, kiến quốc thành công… ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân...".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm mô hình trồng rau màu trên cát của tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: PC)
Tổng Bí thư nêu rõ: Tư tưởng của Người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, được Đảng ta quán triệt và vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của đất nước ta. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn: "Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn"; "cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh"; và xác định "nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới".
Tổng Bí thư mong muốn bà con phát huy kết quả đạt được, tiếp tục chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, tăng cường mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Ký Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia
Sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người ký nhiều quyết sách quan trọng và đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Một trong những dấu ấn rõ nét nhất về sự quan tâm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là việc ký ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng Bí thư Nguễn Phú Trọng thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, thiệt hại mà nông dân huyện Giồng Tôm, Bến Tre gặp phải khi ruộng lúa chết khô do xâm nhập mặn tháng 3/2016. Ảnh: Đồng Khởi.
Tại Nghị quyết 19-NQ/TW do đồng chí Tổng Bí thư ký ban hành, lần đầu tiên Đảng ta xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế.
Quan điểm rõ nét là phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.
Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đi kèm với quan điểm phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thành viên Đoàn công tác của Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và địa phương thăm vườn chè nguyên liệu của HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên.
Cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương.
Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính…
Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp đến thăm, tìm hiểu hoạt động của HTX Xuân Hương (phường 9, Đà Lạt). Bởi những năm gần đây, Đà Lạt – Lâm Đồng là địa phương phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, có nhiều mô hình HTX trồng rau, hoa; trong đó có HTX Xuân Hương hoạt động đạt hiệu quả cao vào tháng 12/2012. Ảnh: baolamdong.vn
Phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát triển giống bản địa có giá trị cao; có cơ chế phù hợp để thúc đẩy các viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu, chọn, tạo giống; nâng cao năng lực tự chủ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vắcxin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị, vật tư nông nghiệp.
Tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật, quản lý an toàn thực phẩm.
Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác thăm mô hình trồng cam huyện Cao Phong, Hoà Bình (14/5/2017). Ảnh: hoabinh.gov.vn
Nông dân cần thay đổi tư duy và hành động
Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, thì phát triển nền nông nghiệp sinh thái có những thuận lợi và khó khăn gì? Người nông dân cần có những thay đổi gì trong tư duy và hành động để thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao những đóng góp quan trọng của nông dân trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Trong xu thế số lượng nông dân làm nông nghiệp giảm và già hoá, lao động dư thừa ở các đô thị, khu công nghiệp sẽ di chuyển về nông thôn tìm sinh kế từ nông nghiệp thì các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần đổi mới phương thức hoạt động ra sao để ngang tầm với nhiệm vụ; đủ sức đồng hành, giúp sức, hỗ trợ nông dân trong 5 năm tới, và xa hơn nữa trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, cùng cả nước hướng tới mục tiêu trở thành một nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong khu nhà kín của Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (tháng 2/2017). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.
Theo Tổng Bí thư, cần tăng cường tham gia đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho nông dân và lao động nông thôn; tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh... Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh, ứng dụng công nghệ số.
“Cần phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tăng cường dân chủ ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tích cực hội nhập quốc tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Vị thế mới của nông nghiệp Việt Nam
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước duy trì ở mức hơn 53 tỷ USD. Góp phần quan trọng vào kết quả đó phải kể đến vai trò của khoa học-công nghệ trong phát triển các lĩnh vực, ngành nghề nông nghiệp, mang đến luồng sinh khí mới và bước phát triển nhảy vọt cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Có sáu sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD là: cà-phê, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường mới, thị trường chất lượng cao đều “hút hàng” nông sản Việt, trong khi các đối tác quốc tế cũng đang quan tâm đặc biệt đến tiến trình phát triển sản xuất và tăng trưởng xanh của cả nền nông nghiệp Việt Nam.
Trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây, câu chuyện truy xuất “dấu chân carbon” đối với trái thanh long Việt Nam cũng đã mang đến sự hài lòng, hứng khởi và tin tưởng cho người tiêu dùng và nhiều nhà nhập khẩu “khó tính” nhất thế giới. Đây là mô hình do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện nhằm theo dõi phát thải carbon trong sản xuất, chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Với hệ thống này, người tiêu dùng có thể quét mã QR để truy xuất mức độ thực hành “xanh” trong sản xuất thanh long một cách minh bạch nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khảo sát thực tế mô hình thâm canh sản xuất chè chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại bản Cốc Phát và tham gia hái chè cùng bà con xã Bản Bo, huyện Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: Trí Dũng.
Không chỉ trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên biển của Việt Nam cũng đang gặt hái nhiều thành công với những bước tiến mới hướng tới khát vọng trở thành cường quốc nuôi biển số 1 Đông Nam Á trong tương lai. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: Nuôi biển là lĩnh vực Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển hơn 1 triệu km2 và nhiều công nghệ mới đang được áp dụng. Hiện nay đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, giống phong phú và đó là những tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh mới.
Năm 2023, sản lượng nuôi biển của nước ta đã đạt gần 800.000 tấn. Mục tiêu đến năm 2045, công nghiệp nuôi biển sẽ trở thành bộ phận quan trọng của ngành thủy sản, đóng góp hơn 25% tổng sản lượng với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, góp phần quan trọng thực hiện định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng theo chuỗi khép kín.
Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 4,78 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đang dẫn đầu thế giới, vượt qua cả Thái Lan. Năm 2023, Việt Nam đã cung cấp ra thế giới hơn 8 triệu tấn gạo.
Từ một quốc gia chủ yếu xuất khẩu gạo thô đến quốc gia có gạo ngon nhất thế giới, và giờ đây đang nỗ lực để trở thành quốc gia đầu tiên sản xuất, xuất khẩu gạo phát thải thấp..., có thể thấy, ngành hàng lúa gạo đang đứng trước những cơ hội đổi thay ngoạn mục, xác lập vị trí hàng đầu trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới cả về sản lượng, chất lượng và giá trị nhờ nỗ lực không ngừng trong ứng dụng khoa học công nghệ.
Cũng như lúa gạo, con số 5,69 tỷ USD xuất khẩu rau quả của năm 2023 đã làm “nức lòng” những ai quan tâm đến sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Trong đó, những loại trái cây như chanh leo, sầu riêng đang giữ vai trò chi phối sản lượng và giá cả trên thị trường thế giới. Thành tựu không chỉ dừng lại ở đó, vì tiềm năng của ngành hàng rau quả hiện vẫn còn rất lớn. Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - một trong những công ty sản xuất, chế biến và xuất khẩu rau quả hiện đại hàng đầu Việt Nam-nhận định: “Tại Tây Nguyên, nếu chuyển những diện tích trồng cây ngắn ngày hiệu quả thấp sang trồng dứa, chanh leo, chuối... cho năng suất cao, thì tôi dám khẳng định, riêng tỉnh Gia Lai sẽ có kim ngạch xuất khẩu rau quả ngang bằng với cả nước hiện nay là khoảng 5 tỷ USD. Tất nhiên là phải làm bài bản, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ và có sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp”.
Tiềm năng này cũng còn có thể khai thác ở nhiều ngành nông nghiệp khác như cà-phê, thủy sản,... để mang lại giá trị gia tăng cao hơn nữa. Trong đó chìa khóa cho tăng trưởng vẫn là công nghệ. Đó cũng chính là lý do mà những năm gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn coi trọng phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành.
Đẩy mạnh triển khai các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học-công nghệ trong các khâu then chốt phát triển nông nghiệp, nhất là tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực xuất khẩu là những bước đi đúng đắn để nâng tầm nông sản Việt Nam.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.