Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 10 tháng 2 năm 2024 | 10:36

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội

Dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 (ngày 26/12/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và đổi mới đất nước.

Nông dân Việt Nam luôn luôn là lực lượng đông đảo nhất và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn; đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực, vươn lên đáp ứng được nhu cầu trong nước và trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thuỷ sản và một số nông sản khác, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Cần cù, chịu khó

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, với đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo, nông dân Việt Nam ta đã không ngừng nỗ lực vươn lên, từng bước xoá đói, giảm nghèo và làm giàu cho gia đình, cho quê hương, cho xã hội. Trình độ, học vấn của nông dân cũng từng bước được nâng cao, tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng được đổi mới, dần dần thích ứng với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tích cực tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; ngày càng khẳng định vị thế quan trọng trong xã hội và phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, là trung tâm, nòng cốt trong công cuộc phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ tại Đại hội lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Trí Dũng

Đảng và Nhà nước ta đánh giá cao những đóng góp quan trọng của nông dân trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Tôi đã có không ít lần phát biểu: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp; bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản, cũng còn có nhiều yếu tố khó lường. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ, tranh chấp thương mại tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động toàn diện, sâu sắc đến tất cả các quốc gia. 

Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ  quốc; song, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tác động lớn tới nền nông nghiệp và đời sống nông dân nước ta. Đó là: Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu phải tăng nhanh năng suất lao động, giá trị và sức cạnh tranh hàng hoá nông sản. Sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chuyển đổi số, kinh tế số là động lực dẫn dắt xu thế phát triển nông nghiệp, tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người nông dân. 

Nông dân ta giàu thì nước ta giàu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: ”Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, đồng thời, Người khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến, kiến quốc thành công… ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân...”. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, được Đảng ta quán triệt  và vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của đất nước ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Trí Dũng

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta xác định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Đồng thời, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn”; “cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”; và xác định “nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”.

Đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội

Đảng ta xác định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chúng ta phải làm thế nào để thực hiện cho thật tốt điều đó.

Nhưng để làm sao phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hoá cả ở thị trường trong nước, ngoài nước và tiếp tục là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế? Làm sao để nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, có trình độ, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển của đất nước, được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận các dịch vụ của đô thị? Làm sao để nông thôn phát triển hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, có môi trường xanh, sạch, đẹp, đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm và thực sự trở thành những miền quê đáng sống, để mỗi người dân đi xa quê hương đều khát khao, mong muốn được trở về quê?

Bức tranh “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” đó có thực sự hoàn mỹ hay không và giải đáp câu hỏi làm sao để trở thành hiện thực, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, song Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam có vai trò trực tiếp và nòng cốt.

Tổng Bí thư tin tưởng và kỳ vọng, sau Đại hội này, công tác Hội và phong trào nông dân của nước ta sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, đóng góp thật xứng đáng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng khoá XIII, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân giữ vững và phát huy các thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp, hùng cường; tất cả vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top