Chiều 12/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Ki Tack Lim, Tổng Thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chuyến thăm đầu tiên của Tổng Thư ký IMO đến Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập IMO (1984-2024); cảm ơn những hỗ trợ quý báu của LHQ, trong đó có vai trò của IMO với Việt Nam những năm qua.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là quốc gia thành viên có trách nhiệm trong thực thi các công ước quốc tế nói chung và công ước quốc tế về hàng hải nói riêng. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi với những xu hướng mới, trên tinh thần tôn trọng, hợp tác cùng phát triển, là đối tác tin cậy, Chính phủ Việt Nam mong muốn IMO tiếp tục là tổ chức quốc tế tiên phong, thúc đẩy sự hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên trong lĩnh vực hợp tác hàng hải.
Thủ tướng đề nghị IMO và cá nhân Tổng Thư ký tiếp ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực về hàng hải - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành hàng hải với Việt Nam, Thủ tướng cho biết quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện đạt trên 409 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu 732 tỷ USD. Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch nối hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khu vực có nền kinh tế phát triển năng động và tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam coi phát triển kinh tế biển là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước, hiện có 34 cảng biển đang hoạt động.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển để nâng cao năng lực vận tải, dịch vụ hậu cần sau cảng, giảm chi phí logisitcs, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển; đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của ngành trong tương lai.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực biển, hàng hải, Thủ tướng đề nghị IMO và cá nhân Tổng Thư ký tiếp ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực về hàng hải, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trên thế giới.
Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hàng hải và tham gia ký kết, triển khai các điều ước quốc tế về hàng hải nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và quyền tự do hàng hải, bảo vệ môi trường biển, đảm bảo quyền tự do đi lại trên biển được thông suốt, thuận lợi.
Tổng Thư ký IMO Ki Tack Lim bày tỏ ngưỡng mộ và chúc mừng các thành tựu phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, ấn tượng mạnh mẽ trước tầm nhìn, quyết tâm, nỗ lực, giải pháp của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông cảm nhận, tuy là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đang quyết tâm và nỗ lực, hành động như một nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, mong muốn được Thủ tướng chia sẻ thêm về nội dung này. Ông cũng đề nghị Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với các nước thành viên, cùng IMO thực hiện các cam kết về giảm phát thải, phát triển ngành hàng hải bền vững.
Trước đề nghị này, Thủ tướng chia sẻ những cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nhấn mạnh tiềm năng lớn của Việt Nam trong phát triển năng lượng gió, mặt trời, điện sinh khối, hydrogen... Thủ tướng tái khẳng định quyết tâm của Việt Nam và cho biết các nước ASEAN cũng có đồng thuận cao trong nỗ lực giảm phát thái, ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có việc thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông vận tải chạy điện.
Thủ tướng đề nghị IMO nghiên cứu, có các chính sách hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam xây dựng chiến lược, quy hoạch, phát triển ngành hàng hải phù hợp với lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050, nhất là trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, cung cấp vốn, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị. Thủ tướng nhấn mạnh đề nghị hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành hàng hải, tiếp tục xem xét cấp học bổng cho các cán bộ ngành hàng hải Việt Nam để tham gia các khóa đào tạo nâng cao tại các cơ sở đào tạo của IMO trên thế giới.
Tổng Thư ký IMO đánh giá cao với các quan điểm và cho biết IMO sẽ tích cực triển khai các đề xuất hợp tác theo ý kiến của Thủ tướng, nhất là trong hỗ trợ đào tạo nhân lực.
IMO là tổ chức của LHQ, với 175 quốc gia thành viên. IMO hoạt động với tôn chỉ "Ngành vận tải biển an toàn, an ninh và hiệu quả trên các đại dương trong lành", đóng vai trò điều phối ngành hàng hải thế giới. Gia nhập IMO năm 1984, Việt Nam đã tham gia 24 công ước quốc tế và nghị định thư liên quan trọng lĩnh vực hàng hải, luôn chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, đóng góp thực chất vào các hoạt động của IMO. IMO đã hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hợp tác với các quốc gia thành viên, các đối tác về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, đào tạo và vận tải biển. |
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.