Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn được xây dựng ở các địa phương. Mặc dù các quy định về điều kiện, hệ thống công trình bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đã được quy định chặt chẽ, nhưng khi đi vào hoạt động không ít trang trại vẫn gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, có những trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng người dân địa phương vẫn liên tục phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm.
Nhiều trang trại xả thải trực tiếp ra suối
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm trang trại chăn nuôi lợn, tập trung chủ yếu ở các địa phương: TP. Phổ Yên, TP. Thái Nguyên và các huyện Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai… Với quy mô chăn nuôi từ 1.000 con/lứa trở lên, mỗi ngày, các trang trại này phát sinh lượng chất thải rất lớn.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các trang trại trước khi đi vào hoạt động đều phải có báo cáo tác động môi trường, kế hoạch và cam kết bảo vệ môi trường thì mới được phép hoạt động. Nếu các trang trại chăn nuôi lợn thực hiện xây dựng đầy đủ các công trình và nghiêm túc thực hiện theo cam kết bảo vệ môi trường thì cơ bản không gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, nhiều trang trại khi đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Cá biệt, có những trang trại chăn nuôi lợn bị xử phạt vi phạm hành chính vì xả chất thải trực tiếp ra sông, suối, gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn tái phạm.
Suối Lọc Lạnh chảy qua địa bàn xã Cát Nê và thị trấn Quân Chu (Đại Từ) bị ô nhiễm nặng do tình trạng xả thải của một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn.
Cụ thể như trang trại của bà Trần Thị Mai, xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), được xây dựng và hoạt động từ năm 2006. Đến năm 2010, trang trại có quy mô chăn nuôi 1.200 lợn nái, 2.000 lợn con và 5.000 lợn thịt. Năm 2021, trang trại này bị truy thu tổng số tiền hơn 860 triệu đồng phí bảo vệ môi trường. Năm 2022, trang trại của bà Mai tiếp tục bị người dân phản ánh việc xả trực tiếp chất thải ra sông, suối nên bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt 816 triệu đồng. Đồng thời, bị yêu cầu tạm dừng chăn nuôi 7 tháng 15 ngày để hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải và các công trình bảo vệ môi trường…
Hay như trường hợp dòng suối Lọc Lạnh, bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo, chảy qua xã Cát Nê và thị trấn Quân Chu (Đại Từ) cũng đang bị “bức tử” bởi một số trang trại chăn nuôi. Trong đó, trang trại của ông Dương Công Tuấn, ở xóm Nông Trường, xã Cát Nê, bị người dân nhiều lần phản ánh tình trạng xả thải ra suối gây ô nhiễm nguồn nước và khiến dòng nước bốc mùi hôi thối. Đầu năm 2022, trang trại này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 55 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Dậu, nhà ở xóm Nông Trường, cho biết: Từ khi trang trại này đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm nặng nề đối với nguồn nước của suối Lọc Lạnh. Cứ mỗi khi người dân phản đối, chính quyền địa phương xuống kiểm tra thì trang trại hạn chế xả thải, nhưng chỉ được vài ngày…
Mặc dù trang trại của ông Tuấn đã bị xử phạt và yêu cầu hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nhưng vào ngày 23/2 vừa qua, khi chúng tôi đi khảo sát thực tế thì suối Lọc Lạnh vẫn bị ô nhiễm nặng, nước chuyển màu đen kịt, sủi bọt và bốc mùi hôi thối…
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục trang trại chăn nuôi bị xử phạt hành chính do gây ô nhiễm môi trường thời gian qua. Hầu hết các trang trại bị xử phạt đều được cơ quan chức năng yêu cầu hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải và các công trình bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, rất ít cơ sở thực hiện nghiêm túc.
Theo ông Nguyễn Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã Nga My (Phú Bình): Ở địa phương có trang trại của gia đình ông Tạ Văn Thuần, ở xóm Đại An, thường xuyên gây ô nhiễm môi trường. Khi chính quyền kiểm tra, chủ trang trại có đưa ra được kế hoạch và cam kết bảo vệ môi trường, nhưng khi thực hiện xử lý chất thải lại không đúng so với cam kết… Trong khi đó, việc xử lý trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm của chính quyền cơ sở gặp vướng mắc. Bởi ngoài lý do phòng, chống dịch bệnh của các trang trại thì thẩm quyền hạn chế, công tác thu mẫu vật để đánh giá mức độ ô nhiễm để đưa ra mức phạt chính xác cũng gặp nhiều khó khăn.
Được biết, hầu hết các trang trại nằm ở ven suối đầu nguồn, nhiều trường hợp đã lợi dụng điều này để xả trộm nước thải, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Vì vậy, người dân tha thiết mong muốn cơ quan chức năng siết chặt hơn nữa công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ môi trường và đảm bảo cuộc sống ổn định cho cư dân địa phương.
Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Từ những thực tế trên có thể rút ra rằng, ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây nên chủ yếu từ các nguồn chất thải rắn, chất thải lỏng, bụi, tiếng ồn, xác gia súc, gia cầm chết chôn lấp, tiêu hủy không đúng kỹ thuật.
Đối với các cơ sở chăn nuôi, các chất thải gây ô nhiễm môi trường có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, làm giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, năng suất bị giảm, tăng các chi phí phòng trị bệnh, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi không cao... Sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm sút sẽ là nguy cơ gây nên bùng phát dịch bệnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu (huyện Ba Vì) Nguyễn Danh Hưng, hiện nay, toàn xã Minh Châu có gần 5.000 con bò thịt, chủ yếu chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình (2-5 con/hộ), nước xả thải trực tiếp ra cống rãnh thoát nước, chảy tập trung về các ao xen kẽ trong khu dân cư, ứ đọng, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm.
Tại huyện Thanh Oai, bà Phạm Thị Cưa ở xã Phương Trung cho biết, gia đình bà có nghề nấu rượu. Để sử dụng bã rượu, bà nuôi 2-5 con lợn. Do quy mô nhỏ lẻ nên gia đình chưa thể xử lý tốt nước thải chuồng trại... Bà Phạm Thị Cưa cũng cho hay, theo tư vấn của cán bộ khuyến nông xã, gia đình tin rằng sẽ xử lý triệt để tình trạng này trong thời gian tới.
Chăm sóc lợn tại trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh).
Trao đổi về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thành phố Hà Nội có khoảng 38 triệu con gia cầm, gần 1,5 triệu con lợn, hơn 163.000 con trâu, bò. Với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tính trung bình mỗi năm chăn nuôi thải ra môi trường hơn 3 triệu tấn chất thải rắn, riêng chăn nuôi lợn thải ra môi trường khoảng 422 triệu lít nước thải; hoạt động giết mổ khoảng 20.744 tấn chất thải/năm, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường không khí, nước...
“Không những thế, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của Hà Nội vẫn cao (chiếm 60%) nên việc xử lý ô nhiễm môi trường của trang trại chưa đúng quy trình; trên 50% chất thải chăn nuôi tại các hộ nuôi nhỏ lẻ không qua xử lý đang xả thải thẳng ra môi trường”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.
Để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, thời gian qua, rất nhiều trang trại đã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Đại Thắng cho biết, công ty sử dụng các chế phẩm sinh học, thảo dược nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm thịt lợn hữu cơ. Ngoài ra, các trang trại đã tận dụng chất thải trong chăn nuôi nuôi giun quế. Sản phẩm giun quế có thể làm thức ăn cho lợn, gia cầm... vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, nhằm hỗ trợ các trang trại xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, trung tâm đã phối hợp với các địa phương hoàn thành, đưa vào sử dụng hơn 41.000 hệ thống biogas theo chương trình sử dụng khí sinh học với công nghệ khác nhau như xây gạch và composite; 4 công trình xử lý công nghệ CDM sử dụng hệ thống bạt HDPE góp phần giảm bớt 80-90% mùi hôi của chuồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại các vùng nông thôn, cải thiện chỉ số chất lượng không khí. Đã có hơn 70% cơ sở chăn nuôi sử dụng khí biogas phục vụ sinh hoạt (đun, nấu...), nước thải, chất thải sau xử lý sử dụng cho trồng trọt.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để chăn nuôi Hà Nội phát triển theo hướng bền vững, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học... Cùng với đó, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi sản xuất theo chu trình khép kín, sử dụng chất thải, phế phẩm, phụ phẩm... làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác thông qua ứng dụng công nghệ sinh học như xử lý chất thải chăn nuôi thành nguồn phân bón hữu cơ bón cho cây trồng...
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong chăn nuôi bò sữa
Trong quá trình chăn nuôi bò sữa, bà con nông dân không những được các cấp, các ngành tạo điều kiện tham gia các lớp về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, tham quan các mô hình hiệu quả ở các nơi… mà còn được hỗ trợ tiếp cận các dự án giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Trương Văn Thuận - nông dân chăn nuôi bò sữa ở Hóc Môn cho biết, khởi nghiệp chăn nuôi bò sữa từ năm 1988. Trại bò sữa của ông ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường.
"Đảm bảo khi bước vô trại sẽ không ngửi thấy mùi chất thải từ chăn nuôi bò sữa. Nhiều trại chăn nuôi bò sữa ở đây cũng như vậy. Nhiều năm qua, bà con chăn nuôi bò sữa rất ý thức việc đang chăn nuôi trong khu phố nên đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường để không gây phiền hà người dân" - ông Thuận thổ lộ.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi bò sữa, những năm qua, UBND TP.HCM đã có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas), đệm lót sinh học và áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt.
TP.HCM đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu gom, tái chế đến 80% chất thải nông nghiệp. Theo các chuyên gia, việc xử lý môi trường là giải pháp quan trọng để phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng bền vững. Do đó, cùng với phát triển tổng đàn bò sữa, UBND thành phố cần quan tâm hơn nữa đến các giải pháp, hỗ trợ người dân xử lý môi trường chăn nuôi. Đồng thời, cần mở rộng tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện xây dựng hệ thống xử lý chất thải, kết hợp theo dõi, giám sát hoạt động xử lý chất thải của các hộ dân chăn nuôi bò sữa
Nông dân huyện Hóc Môn (TP.HCM) chăm sóc đàn bò sữa. Ảnh: Trần Đáng
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi bò sữa, từng địa phương phải tổ chức tập huấn kiến thức chăn nuôi với các nội dung như sử dụng đúng chủng loại, liều lượng thức ăn; hướng dẫn công tác vệ sinh chuồng trại, vận động tiêm phòng đúng quy trình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm sữa bò.
Đặc biệt, triển khai các hoạt động hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ làm hầm biogas, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.