“Trẻ hóa” lực lượng và các thành viên hợp tác xã sẽ tạo nguồn kế cận quan trọng, mở ra hướng mới trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị.
Mô hình trồng rau an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) mang lại giá trị kinh tế cao.
Hà Nội: Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp
Hà Nội có số lượng hợp tác xã dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%), trong đó, kinh tế hợp tác xã nông nghiệp đóng góp tích cực trong tỷ trọng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP).
Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp thành phố ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh cũng đa dạng hơn. Các hợp tác xã trên địa bàn Thủ đô đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thông qua việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp các thành viên hợp tác xã nâng cao tinh thần tự chủ, có sự gắn kết chặt chẽ. Từ đó, nhiều hợp tác xã đã tổ chức sản xuất và tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
Ðặc biệt, những năm gần đây, với yêu cầu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, kinh tế hợp tác xã đã có bước phát triển mới cả về số lượng, hiệu quả hoạt động với nhiều loại hình hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm.
Tiêu biểu như Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã và đang trồng nhiều loại rau, củ theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, đầu tư lắp đặt hệ thống camera, lưu trữ dữ liệu 30 ngày gần nhất để minh bạch quá trình sản xuất, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách nhanh chóng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết, xác định rõ sản xuất phải gắn với nhu cầu thị trường, nên ngay từ khi thành lập, hợp tác xã đã chủ động xây dựng chuỗi liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các cơ sở tiêu thụ, nhằm bảo đảm đầu ra ổn định. Đến nay, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn có 6 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, sản lượng tiêu thụ theo chuỗi đạt hơn 800 tấn/năm. Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên đạt hơn 6,5 triệu đồng/người/tháng...
Đối với xã Yên Sở (huyện Hoài Đức), do nằm bên bờ sông Đáy nên nhận được lượng phù sa màu mỡ bồi đắp, rất thuận lợi và phù hợp để phát triển nông nghiệp, nhất là trồng các loại cây ăn quả. Toàn xã hiện có 160,3ha trồng cây ăn quả, trong đó diện tích trồng cây bưởi chiếm hơn 70ha, tổng sản lượng quả hằng năm đạt hơn 1.800 tấn. Yên Sở có nhiều giống bưởi đặc sản được trồng từ 40 đến 50 năm về trước, chất lượng cao, như: Bưởi Diễn tôm vàng, bưởi Diễn tôm xanh, bưởi đào đường…
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Sở Trần Hữu Tâm cho hay, trước kia, bưởi chỉ được người dân canh tác nhỏ lẻ trong các khu vườn của gia đình. Trong những năm gần đây, người dân đã chuyển sang trồng tập trung, ứng dụng khoa học, công nghệ, sản xuất hữu cơ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm. "Qua nhiều thập kỷ phát triển, bưởi đang mang lại giá trị cao cho người nông dân, mỗi năm cho thu nhập trung bình 50-100 triệu đồng/sào" - ông Trần Hữu Tâm chia sẻ.
Tại huyện Ba Vì, năm 2019, Hợp tác xã Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì được thành lập với mục đích liên kết các hộ chăn nuôi với nhau, tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ. Hiện tại, hợp tác xã có 9 thành viên chăn nuôi, cung cấp cho thị trường khoảng 25.000 con gà/năm. Từ khâu chọn lựa con giống, thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại, phòng, chống dịch bệnh cho gà đều được các hộ thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật. Nhờ đó, đàn gà luôn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, giá bán cao, ổn định...
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, thành phố hiện có 1.498 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có 1.304 hợp tác xã đang hoạt động, 194 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể. Tính đến hết năm 2023, có 61,4% hợp tác xã được xếp loại khá và tốt. Toàn thành phố đã hình thành 166 hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap, hữu cơ, HACCP; 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 132 hợp tác xã nông nghiệp có các sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); gần 40% số hợp tác xã đã có liên kết sản xuất, tiêu thụ, trong đó có 84 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết theo chuỗi giá trị, 10 hợp tác xã phát triển kinh tế tuần hoàn và ứng dụng chuyển đổi số...
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, từ năm 2022 đến nay, Sở tập trung triển khai và phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ, tuyên truyền 50 mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; hỗ trợ thành lập mới và củng cố gần 200 hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ 130 hợp tác xã nông nghiệp trong hoạt động đánh giá, xác nhận về hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm đạt các yêu cầu theo Chương trình OCOP, tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu…
Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, thành lập mới từ 1.000 hợp tác xã và 15 liên hiệp hợp tác xã trở lên; số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên. Thành phố cũng đặt mục tiêu hỗ trợ 150 mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, đóng góp tích cực vào việc tái cơ cấu các ngành kinh tế của Thủ đô, nhất là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hải Dương trẻ hóa và tạo lực lượng kế cận trong phát triển HTX
“Trẻ hóa” thành viên hợp tác xã ở Hải Dương sẽ tạo nguồn kế cận quan trọng, mở ra hướng mới trong sản xuất, kinh doanh.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới của anh Phùng Minh Ngọc (sinh năm 1990), ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) cho biết đây là mô hình kinh tế tiêu biểu của hợp tác xã bởi quy mô đầu tư khá lạ do người trẻ làm chủ.
Anh Vũ Văn Thường, khu dân cư Lộ Cương, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) thành công với việc thành lập hợp tác xã để sản xuất và tiêu thụ bánh đa.
Trước đây, gia đình anh Ngọc có 1,2 mẫu ruộng nhưng cho người khác thuê hơn chục năm. Dù đang kinh doanh hàng gia dụng mang lại nguồn thu nhập khá nhưng anh Ngọc nhận thấy đầu tư vào nông nghiệp là hướng phát triển bền vững và đem lại nguồn thu cao nên quyết định quay lại gắn bó với nông nghiệp và xin là thành viên Hợp tác xã Tân Minh Đức.
Vào hợp tác xã, anh được Ban chủ nhiệm và những người đi trước định hướng trồng loại cây phù hợp, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Anh tham gia các lớp tập huấn do hợp tác xã mở và học hỏi kiến thức nông nghiệp trên mạng xã hội.
“Tôi đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới với diện tích 1,2 mẫu. Đến nay, tôi đã thu 3 vụ dưa. Tôi dự tính, chỉ sau khoảng 2 năm sẽ thu được vốn”, anh Ngọc cho biết.
Sinh năm 1993, từng đi nhiều tỉnh, thành phố làm nghề điện nước nhưng đến nay anh Nguyễn Văn Long đã quay trở về và là thành viên Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng (Kinh Môn). Anh Long cho biết, trước đây, anh giúp bố mẹ làm nông nghiệp nên có chút kiến thức. Khi gắn bó với nông nghiệp anh cũng khá tự tin nên đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi gà, lợn, nuôi ốc bươu, trồng thanh long, nho...
"Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào mùa vụ nhưng cũng khá cao và bền vững. Tôi sẽ gắn bó lâu dài với sản xuất nông nghiệp”, anh Long khẳng định.
Anh Vũ Văn Thường (sinh năm 1989) là Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và đóng gói bánh đa Lộ Cương, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) 2 năm nay. Với mong muốn tạo môi trường làm việc bình đẳng, hòa đồng cho mọi người nên anh thành lập hợp tác xã thay vì mô hình công ty.
"Chúng tôi đầu tư máy móc, sản xuất theo quy trình khép kín, sản phẩm được đóng gói, có địa chỉ rõ ràng nên hấp dẫn được khách hàng", anh Thường nói. Hiện nay, mỗi tháng hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn bánh đa nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Để phát huy hiệu quả đất đai khi quay lại với nông nghiệp, anh Phùng Danh Bắc, thành viên Hợp tác xã Tân Minh Đức chia sẻ: "Tôi trồng cây trái vụ, giống mới và theo quy trình an toàn để hướng đến các thị trường cao cấp. Nhờ vậy mà sản xuất nông nghiệp mới đạt giá trị cao".
Ông Hoàng Anh Thư, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tân Minh Đức, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) cho biết, trước đây thành viên hợp tác xã phần lớn là người lớn tuổi bởi người trẻ thường thích “bay nhảy”, không thích chân lấm tay bùn. Thế nhưng, những năm gần đây, số người trẻ quay về lựa chọn gắn bó với nông nghiệp ngày càng nhiều. Hiện nay Hợp tác xã Tân Minh Đức có 189 thành viên, trong đó người dưới 40 tuổi có khoảng 30 người, những người trên 50 tuổi chiếm số lượng ít. Giải thích điều này, ông Thư nói: "Chúng tôi chọn sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên thu nhập từ nông nghiệp rất lớn, cao gấp nhiều lần lĩnh vực khác nên hấp dẫn được giới trẻ".
Với sự trở về của nhiều người trẻ cũng như sự mạnh dạn trong lựa chọn mô hình hợp tác xã để khởi nghiệp, thời gian tới, loại hình kinh tế này sẽ phát triển hơn nữa, mang lại nguồn thu đáng kể cho thành viên cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội. “Trước đây, tôi lo lắng về lực lượng kế cận phát triển hợp tác xã. Nhưng với tình hình hiện nay thì những lo lắng ấy không còn khi ngày càng có nhiều người trẻ tâm đắc với mô hình kinh tế này", ông Thư chia sẻ.
Bắc Ninh: Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị là vấn đề đã được các cấp, các ngành ở Bắc Ninh quan tâm, chỉ đạo sát sao để tạo dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững, khắc phục tình trạng "mạnh ai nấy làm" và bị tư thương ép giá.
Ông Đào Trọng Đại – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định: "Kinh tế tập thể, với nòng cốt là các hợp tác xã đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, chúng ta cần xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm hiệu quả, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên thị trường".
Hoạt động Chợ phiên kết nối giao thương các HTX do Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh tổ chức.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh quá trình đô thị hóa nhanh, các nhà máy, các khu công nghiệp mọc lên rất nhiều, do vậy diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp và manh mún nên khó tích tụ ruộng đất. Thời gian thuê đất của chủ trang trại, HTX, doanh nghiệp ngắn, không tạo được sự ổn định để yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Cùng với đó, quy mô liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhỏ, lẻ, phân tán, không tập trung, sản phẩm không thường xuyên; việc thu hút các doanh nghiệp, HTX đủ tiềm lực tham gia chuỗi liên kết còn gặp nhiều khó khăn… là một trong nhiều thách thức, vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền – Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến tháng 5/2023, tỉnh Bắc Ninh có 2 Liên hiệp HTX, 699 HTX, trong đó có 555 HTX lĩnh vực nông nghiệp (289 HTX dịch vụ nông nghiệp và 266 HTX chuyên ngành); 114 HTX phi nông nghiệp, 223 Tổ hợp tác. Toàn tỉnh có 40 HTX nông nghiệp tham gia liên kết tiêu thu sản phẩm, 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo bà Huyền, ngay sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, Bắc Ninh là một trong những địa phương dành sự quan tâm sớm, toàn diện tới khu vực kinh tế tập thể. UBND tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với vốn điều lệ 30 tỷ đồng.
"Đến nay, có 526 lượt HTX được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ với tổng số tiền cho vay đạt hơn 188 tỷ đồng để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh" – bà Huyền nói và cho biết ngành nông nghiệp Bắc Ninh đang tập trung lập dự án hỗ trợ xây dựng mô hình HTX nông nghiệp, trang trại ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Đình Khang – Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương như: vùng sản xuất rau các loại, lúa, cà rốt, khoai tây, hành tỏi, vùng sản xuất cây ăn quả, vùng chăn nuôi, thủy sản…
Tuy nhiên, theo ông Khang, về bản chất sản xuất nông nghiệp là rủi ro, do thiên tai, dịch bệnh, thị trường khó định lượng, đặc biệt vấn đề tổ chức trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Như vấn đề "được mùa mất giá" và những cuộc "giải cứu", ùn ứ nông sản đã và đang diễn ra là một thực tế trong những năm vừa qua.
"Đến nay, toàn tỉnh mới có khoảng 65 HTX tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và 56 HTX ứng dụng công nghệ cao. Nhìn chung số lượng HTX nông nghiệp tham gia liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh còn hạn chế so với số lượng hiện có, hiệu quả trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của HTX chưa cao", ông Khang thông tin.
Ông Trần Đình Kỹ - Giám đốc HTX Thảo dược Cát Cát (thôn Thiên Đức, xã Trung Chính, huyện Lương Tài) cho biết, trong thời gian đầu hoạt động, HTX phải đi thu mua nguyên liệu ngải cứu và bồ kết tại các tỉnh vùng cao. "Tuy thu mua được với giá rẻ hơn thị trường nhưng chúng tôi không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào và cước phí vận chuyển tăng cao" – ông Kỹ chia sẻ.
Nhận thấy những cây thảo dược mình cần cũng là những cây trồng bản địa tại địa phương, ông Kỹ đã quyết định phát triển vùng nguyên liệu ngải cứu và bồ kết ngay tại địa phương. Đến nay, ngoài 1ha ngải cứu do HTX tự trồng, thu hoạch, các hộ dân cũng tham gia trồng khoảng 1ha và liên kết bán sản phẩm cho HTX.
"Tuy nhiên, có trường hợp giá thị trường cao hơn giá cam kết bà con đã bán ra ngoài khiến HTX ảnh hưởng không ít hoặc một số trường hợp tự ý bón thêm phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu của HTX. Đây cũng là vấn đề nan giải mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp gặp phải" – ông Kỹ phản ánh.
Du vậy, theo ông Kỹ, việc liên kết sản xuất với người dân có nhiều lợi ích không chỉ giúp HTX có nguồn nguyên liệu ổn định mà còn giúp ổn định và tăng thu nhập cho người nông dân. Bởi, với những diện tích do người dân trồng ngải cứu, năng suất thường cao 1,5 lần so với diện tích của HTX trồng.
Ông Nguyễn Đình Phương – Giám đốc Công ty TNHH Nano Care R&D có trụ sở tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết, khi mới bắt tay vào việc gây dựng thương hiệu tỏi đen một nhánh Gia Bình, ông đã từng tự trồng, tự tiêu thụ, bán hàng. Phần chế biến, tiêu thụ thì có lãi, nhưng việc tự trồng tỏi của ông gần như bị thất bại vì gần như năm nào cũng phải bù lỗ.
"Chúng tôi phải tìm cách mở rộng chuỗi để cho những người nông dân chuyên nghiệp làm thì có hiệu quả" – ông Phương nói và cho biết đến nay doanh nghiệp đã quyết tâm xây dựng sản phẩm tỏi một nhánh Gia Bình theo chuỗi giá trị và thương hiệu tỏi một nhánh đã trở thành thương hiệu tập thể của huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Theo ông Phương, doanh nghiệp đã liên kết với các hộ nông dân trồng tỏi và có phần mềm để kiểm soát tất cả các hộ trồng đều tuân thủ theo một quy trình và theo đúng thời điểm bón phân, tưới nước, phun thuốc đều có nhật ký và doanh nghiệp cũng công khai nguồn gốc sản phẩm trong tem QR Code.
Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, chúng ta đặt mục tiêu phát triển được kinh tế tập thể, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra và đặc biệt hướng tới việc liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt những sản phẩm đạt chất lượng cao và mong muốn các mô hình sản xuất nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới không chỉ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, cả nước mà còn vươn ra thế giới.
Theo bà Tuyết, hiện nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đang dự thảo "Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số chính sách hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 7/7/2022 của HĐND tỉnh", Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã tổng hợp ý kiến góp ý của các cấp Hội Nông dân vào dự thảo, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ về phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn. Những chính sách mới này sẽ hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị./.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.