Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chung.
Chiều 7/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự cuộc làm việc có Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh.
Tại Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngày 19/4/2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 125/TTr-CP trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2023.
Theo Nghị quyết 98/2023/QH15, Chính phủ có 4 nhiệm vụ. Trong đó, Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố; việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường.
Chính phủ cũng có nhiệm vụ tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết vào năm 2026, tổng kết vào năm 2028; Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Thành phố cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho Thành phố; Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thẩm quyền nhằm điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển thành phố và mở rộng việc phân cấp, ủy quyền cho Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố so với các quy định hiện hành.
Cũng theo Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ ban hành quy định phân cấp, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật.
Tại cuộc làm việc, Thường trực Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh đã rà soát các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW mà cụ thể là Nghị quyết số 98/2023/QH15. Lãnh đạo các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã chủ động, tích cực, phối hợp triển khai xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội; bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và các nhiệm vụ theo các nội dung của Nghị quyết 98...
Các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất xây dựng, ban hành các Nghị định hoặc thông tư chuyên ngành, lĩnh vực và theo trình tự thủ tục rút gọn để thực hiện Nghị quyết; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15; phấn đấu hoàn tất các nhiệm vụ để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống theo đúng quy định từ ngày 1/8/2023.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM là nhiệm vụ chung như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu “cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước.”
Cách đây 40 năm, để thúc đẩy phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TW ngày 14/4/1982. Gần đây nhất, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 98/2023/QH15 là Nghị quyết mới được ban hành, nhưng trong quá trình xây dựng cho tới khi Nghị quyết được ban hành các bộ, ngành, cơ quan đã phối hợp, sát cánh cùng Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng.
Cho rằng, để Nghị quyết Nghị quyết số 98/2023/QH15 sớm đi vào cuộc sống, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, kịp thời, bám sát thực tiễn, hành động quyết liệt để có hiệu quả thực tế. Thủ tướng nhất trí với ý kiến của Thành phố Hồ Chí Minh về thành lập ngay Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm Phó Trưởng Ban, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ban hành ngay Kế hoạch hành động của Chính phủ, chậm nhất là trong tuần tới, phân công nhiệm vụ rõ ràng, giao các Phó Thủ tướng phụ trách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh rà soát lại, những nội dung cần Chính phủ ban hành Nghị định thì Chính phủ ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, các Phó Thủ tướng chỉ đạo theo lĩnh vực phụ trách để xử lý các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Các bộ, ngành khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền. Các văn bản phải được ban hành chậm nhất là ngày 15/8.
Riêng nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định phân cấp, trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7/2023.
Thủ tướng yêu cầu trong quá trình tổ chức thực hiện, cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; nếu xuất hiện các khó khăn, vướng mắc thì tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn; đề nghị các cơ quan báo chí tập trung khuyến khích, cổ vũ, động viên, đồng hành cùng Chính phủ, Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành; quyết tâm thực hiện thành công các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội./.
Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam)
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.