Việc trồng keo trên các khu vực đồi cao tại các vùng nông thôn thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Thế nhưng, hiệu quả kinh tế mà cây keo mang lại cho người dân chưa thể thống kê đánh giá một cách cụ thể, nhưng những tác động tới môi trường tự nhiên từ việc trồng keo đang ngày một thể hiện rõ ràng hơn, nhất là sau mùa mưa lũ vừa qua.
Có thực sự mang lại hiệu quả?
Ông Phan Văn Tôn – Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng chia sẻ, tại huyện Hòa Vang, việc trồng keo bắt đầu từ những năm 1980, khi nhà nước đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho tập thể và nhân dân trồng cây, gây rừng. Việc trồng keo những năm qua, theo thống kê đang đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người dân. Theo tính toán của các chuyên gia về lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp, với 1 ha rừng trồng loài keo, sau khoảng 5 năm trồng rồi khai thác sẽ cho khoảng 100 tấn/ha. Trừ tất cả chi phí, người trồng rừng còn lãi khoảng 50 triệu đồng/ha.
Hàng trăm tấn đất đá vùi lấp các ngôi mộ tại nghĩa trang Hòa Sơn trong ngày mưa lịch sử.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hoà Vang, chưa có đánh giá một cách bài bản, khoa học về việc hiệu quả trồng keo. Trên thực tế, việc đưa cây keo vào trồng rừng trong các năm qua đã giúp phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Đây là cây trồng chính trên các diện tích đất rừng sản xuất trên địa bàn huyện, trong các năm qua, đây là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Theo PGS.TS Phí Hồng Hải - Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, việc quy hoạch vùng trồng các loài keo ở một số địa phương còn chưa chi tiết, rõ ràng, không bám sát yêu cầu lập địa của các loài keo, do đó vẫn quy hoạch hoặc vẫn cho phép trồng rừng keo ở những lập địa có điều kiện khí hậu và đất không thích hợp. Chính vì vậy, rừng keo sinh trưởng kém, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh tế, dễ bị đổ gẫy, gây sạt lở đất.
Cùng với đó, việc trồng keo với mật độ dày, phát dọn sạch thực bì và đốt trước khi trồng rừng về lâu dài sẽ làm suy thoái đất đai canh tác, có thể gây ra hiện tượng sạt lở đất ở những lập địa có độ dốc cao.
Cần khẩn trương điều chỉnh loại cây trồng phù hợp
Sau mùa mưa lũ lịch sử vừa qua tại thành phố Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã có động thái đánh giá nguy cơ, xem xét việc thu hồi trồng các cây keo để trồng thay thế cây phòng hộ, tránh để tình trạng sạt lở tại những khu vực đồi keo tái diễn.
Theo thông tin, những điểm sạt lở lớn và nghiêm trọng của thành phố đa số đều liên quan đến các khu vực đất rừng sản xuất được sử dụng với mục đích trồng cây keo. Trong đó, nổi bật lên là sự kiện sạt lở tại khu vực Nghĩa trang Hoà Sơn, với diện tích hơn 2,2ha, trong đó có khoảng 6.100m3 đất đá tràn xuống vùi lấp, làm hư hỏng gần 700 ngôi mộ.
Theo Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, trong đợt mưa lũ vừa qua, do lượng mưa có cường độ quá lớn (khoảng 600mm) và kéo dài trong nhiều giờ, dẫn đến những điểm tụ thủy trên triền núi chứa nước lớn, gây sạt lở.
Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác keo lá tràm, người dân đã phát quang tạo những đường mòn để đi lại. Tại các đường mòn này không còn cây cối mà chỉ còn lối đi lộ đất trống. Khi lượng mưa lớn, nước từ trên đỉnh núi dồn về các đường mòn này tạo nên dòng chảy xiết, gây sạt lở đất đá.
Một khu vực đất bị đốt trụi, san phẳng để chuẩn bị trồng cây trên địa bàn huyện Hoà Vang.
Tại khu vực Nghĩa trang Hòa Sơn, gần điểm sạt lở, tổng cộng có 6 điểm bị ảnh hưởng nặng, trong đó có 610 mộ bị hư hại trên tổng diện tích 22.243 m2.
Tại buổi kiểm tra thực tế tình hình khắc phục sạt lở tại Nghĩa trang Hòa Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu thành lập tổ công tác liên ngành do UBND huyện Hòa Vang chủ trì với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, nhanh chóng khắc phục sạt lở và hỗ trợ sửa chữa các ngôi mộ cho người dân.
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng khẩn trương xây dựng phương án khắc phục hậu quả, sớm giải phóng giao thông khu vực nghĩa trang để phương tiện cơ giới vào thi công cũng như thực hiện các công việc liên quan. Trong đó, đặc biệt lưu ý hạn chế thấp nhất việc di chuyển đất đá ra khỏi khu vực.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng đánh giá nguy cơ, xem xét việc thu hồi trồng các cây keo để trồng cây phòng hộ, tránh để tình trạng sạt lở tại khu vực này tái diễn.
Cũng tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đề xuất, ở khu vực quanh Nghĩa trang Hòa Sơn không được phép trồng cây keo (bởi cây keo có thời gian thu hoạch trong vòng 5 năm, dễ tạo ra đất trống đồi trọc, gây xói mòn sạt lở đồi) mà phải thay thế bằng việc trồng rừng phòng hộ, cây gỗ lâu năm.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn cho biết, do hiện nay, xung quanh nghĩa trang thành phố, đất lâm nghiệp được quy hoạch là rừng sản xuất, chủ sử dụng là người dân địa phương. Diện tích rừng của mỗi hộ dân lại nhỏ, không đảm bảo để tham gia trồng rừng gỗ lớn (đối với diện tích trồng rừng gỗ lớn quy định tối thiểu 3,0ha).
Riêng về vấn đề chuyển đổi trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, UBND huyện sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, nghiên cứu đề xuất xây dựng phương án trồng rừng bền vững góp phần chống xói mòn tại khu vực nghĩa trang Hòa Sơn. Đồng thời, hiện nay, đang thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng.
UBND huyện Hoà Vang cũng đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng xem xét điều chỉnh quy hoạch xung quanh khu vực nghĩa trang thành rừng phòng hộ, từ đó sẽ thay thế rừng trồng keo thành rừng trồng các loại cây bản địa, cây lâu năm, từ đó góp phần giảm sạt lở, xói mòn.
Cùng với việc khắc phục sạt lở ở nghĩa trang Hòa Sơn, thiết nghĩ các ngành chức năng thành phố Đà Nẵng sớm điều chỉnh quy hoạch, thay thế rừng trồng keo sang trồng cây bản địa, lâu năm để sự cố tương tự như vậy không tiếp tục xảy ra.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.