Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 12 năm 2023 | 13:18

Văn phòng Chủ tịch nước công bố 7 luật

Sáng nay (25/12), Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố 7 luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà thừa Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật. 

Các Luật gồm: Luật Tài nguyên nước; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Căn cước; Luật Viễn thông; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Giới thiệu về Luật Tài nguyên nước, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Luật gồm 10 chương và 86 điều, đã cụ thể hóa 4 nhóm chính đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.

Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng cho đến khi được Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước.

Các chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước được thể hiện xuyên suốt trong các chương, điều của luật.

Mục tiêu đến năm 2030, hướng tới nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới.

Về Luật Nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc xây dựng Luật Nhà ở nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường; sửa đổi hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan. Luật Nhà ở gồm 13 chương, 198 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Về Luật Kinh doanh bất động sản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc xây dựng Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững và vận hành thông suốt thị trường bất động sản; vận hành đồng bộ thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường bất động sản; đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Luật Kinh doanh Bất động sản gồm 10 chương, 83 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long giới thiệu Luật Viễn thông năm 2023.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Luật Viễn thông năm 2023 gồm 10 chương, 73 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024.

Đáng chú ý, về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Luật Viễn thông năm 2023 đã quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá. Việc lựa chọn mã, số viễn thông phân bổ qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định; sau khi mang ra đấu giá mà đấu giá không thành sẽ quay về phân bổ trực tiếp, tuần tự. Luật quy định việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet.

Luật bổ sung quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông phải xác thực, lưu trữ, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các sim có thông tin không đầy đủ, không chính xác (sim rác), ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật; bổ sung quy định nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.

Về Luật Căn cước, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ 01/07/2024 quy định mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước so với Luật Căn cước công dân năm 2014 để phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin người dân.

Luật Căn cước 2023 cũng quy định các nội dung trên thẻ căn cước, trong đó đổi tên thẻ "Căn cước công dân" thành "Căn cước", sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ "căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ" thành "số định danh cá nhân, căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú trên thẻ căn cước...".

Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có 5 chương và 33 điều và có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Việc xây dựng luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top