Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 8 năm 2024 | 13:14

Văn phòng Chủ tịch nước công bố Quyết định về đặc xá năm 2024

Sáng nay (2/8), Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Quyết định về đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà công bố Quyết định về đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước Tô Lâm.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà, đặc xá là một trong những chế định pháp lý quy định tại Điều 88 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2018. Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã tiến hành 9 đợt đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, đặc xá cho hơn 92.000 phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt trở về với cộng đồng, xã hội.

Kết quả các đợt đặc xá đã đảm bảo các yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đối ngoại được Nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao; tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người một cách công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi đối tượng công dân, kể cả những người đang chấp hành án phạt tù.

Xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc và chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với người phạm tội, cũng như kết quả thực hiện công tác đặc xá, tình hình thực tế của công tác thi hành án phạt tù trong thời gian qua; theo đề nghị của Chính phủ, ngày 30/7/2024, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Tô Lâm đã ký Quyết định số 758 về đặc xá năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9) và 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10).

Theo Quyết định, thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân, thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 30/9/2024.

Đối tượng đặc xá bao gồm: Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Điều kiện được đề nghị đặc xá, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải có đủ điều kiện: Có tiến bộ, ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định; đã chấp hành án phạt tù ít nhất một phần hai thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí; đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội tham nhũng…

Quyết định cũng nêu rõ 15 trường hợp không được đề nghị đặc xá, như: Bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp, tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; trước đó đã được đặc xá; có từ 2 tiền án trở lên...

Đặc xá trong trường hợp đặc biệt: Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt theo Điều 22, Điều 23 của Luật Đặc xá để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài về các trường hợp người nước ngoài bị giam giữ tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, hiện có 643 phạm nhân người nước ngoài bị giam giữ tại Việt Nam. Sau khi rà soát hồ sơ, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ có thông báo cụ thể con số phạm nhân có quốc tịch nước ngoài được đặc xá trong đợt này.

Trong đợt đặc xá năm 2021 có 21 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài được đặc xá, năm 2022 có 16 phạm nhân nước ngoài được đặc xá.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, sẽ có bao nhiêu phạm nhân được đặc xá trong đợt này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, sau khi các cơ quan chức năng, cụ thể là cơ sở giam giữ trên cả nước, rà soát và áp dụng các điều kiện, tiêu chuẩn đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước năm 2024, khi có số lượng cụ thể, sẽ thông báo trên các phương tiện truyền thông. 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top