Tình trạng sạt lở ở khu vực ĐBSCL không còn là mới. Tuy nhiên, mỗi khi vào mùa mưa, sạt lở ở đây dường như diễn ra nhanh hơn, nguy hiểm hơn, kéo theo đó, các địa phương cũng phải tăng cường các giải pháp ngăn chặn, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra.
Sạt lở có chiều hướng gia tăng
Ngày 1/7, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang Lương Huy Khanh cho biết, đơn vị đang tiếp tục phối hợp cùng địa phương rà soát, theo dõi, cập nhật tình hình thiệt hại do sạt lở bờ Bắc kênh 10 Châu Phú, khu vực thuộc ấp Hưng Thạnh (xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú).
Trước đó, khoảng 10 giờ ngày 30/6, đã xảy ra sạt lở bờ Bắc kênh 10 Châu Phú, tuy không gây thiệt hại về người, nhưng khiến sụp một đoạn bờ Bắc kênh 10 Châu Phú dài khoảng 30m, ăn sâu vào 1/2 mặt đường cấp phối đá dăm, làm sập 1 mái trại tạm của hộ dân và ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong khu vực. Ngoài ra, có nguy cơ ảnh hưởng đến 5 hộ dân phía bên trong đường, nếu sạt lở tiếp tục xảy ra.
Sạt lở bờ kênh và đường giao thông nông thôn ở xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, An Giang. (Ảnh CTV).
Ngay sau khi xảy ra, địa phương đã thực hiện giăng dây cảnh báo, lắp đặt các biển báo, treo đèn cảnh báo xe lưu thông để đảm bảo an toàn; các lực lượng công an, quân sự tiến hành chặt mé cây, di dời vật kiến trúc để giảm tải, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Trong khi đó, tại dự án khắc phục sạt lở kết hợp kiên cố hóa tuyến đường bờ Bắc kênh Cái Sắn (giai đoạn 2), xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, hiện nay hạng mục gia cố đã thi công hoàn thành. Tuy nhiên, trên tuyến xuất hiện thêm một số vị trí sạt lở mới, gây mất ổn định nên tạm thời không thể triển khai hạng mục xây dựng đường được.Do đó, cần tiếp tục thực hiện gia cố thêm tuyến đường với chiều dài khoảng 885m để hoàn chỉnh hệ thống kè đảm bảo tính ổn định lâu dài.
Đối với đoạn sạt lở tuyến đường Rạch Giá - Long Xuyên, xã Định Mỹ, đầu tháng 6 vừa qua, tuyến đê Tây kênh Rạch Giá Long Xuyên đã có hiện tượng rạn nứt cơ đê. Đến ngày giữa tháng 6, đoạn đê bao này đã xảy ra sụp lún tại vị trí thuộc số nhà 133, Tổ 8, ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn (cách cầu Thoại Hà 4 hướng về phía thượng lưu 700m). Sụp lún cơ đê với chiều dài khoảng 70m, rộng 2,5m, sâu 1,5m và có hiện tượng sụp lún nền đường dọc tuyến khoảng 700m.
Trong khi đó, tại tỉnh Bến Tre hiện có trên 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 140km. Trong đó có nhiều điểm “nóng” về sạt lở như: ven bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ sông Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam), sông Bến Tre (TP. Bến Tre), sông Giao Hòa (huyện Châu Thành); sạt lở cồn Phú Đa, (huyện Chợ Lách); cồn Thành Long (huyện Mỏ Cày Nam)... Gần đây, bước vào mùa mưa, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh tiếp diễn.
Thời gian gần đây thì vùng nội đồng tỉnh Vĩnh Long xảy ra sạt lở nhiều hơn.
Tại Vĩnh Long, tình trạng sạt lở cũng đang có xu hướng gia tăng. Ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 126 điểm sạt lở trong nội đồng và sông chính, làm mất gần 4.500m đất bờ sông, kênh, rạch và các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn, sạt lở đã làm thiệt hại 12 căn nhà, ảnh hưởng đời sống, sản xuất của người dân. Ước thiệt hại về công trình là 41,6 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã xảy ra trên 80 điểm sạt lở, làm mất trên 2.400m bờ sông (tăng 1.800m so với cùng kỳ) cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao… ảnh hưởng trực tiếp đến 79 hộ dân, thiệt hại về tài sản hơn 7 tỷ đồng (gấp 10 lần so cùng kỳ). Với những vụ sạt lở lớn như: sạt lở bờ sông Cổ Chiên, sạt lở cồn Thanh Long (xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm)… công tác đánh giá nguyên nhân, gia cố khắc phục gặp khó khăn và mất nhiều thời gian.
Tỉnh Cà Mau có đường bờ biển dài 254km. Trong 10 năm trở lại đây, sạt lở bờ biển đã làm mất hơn 5.200 ha đất rừng của tỉnh. Tình hình sạt lở phức tạp ở cả bờ biển Đông và Tây. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở bờ biển Tây của Cà Mau khẩn cấp hơn vì có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ngọt hóa và nhiều cụm dân cư tập trung đông.
Triển khai các giải pháp
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở gồm: thay đổi địa hình lòng sông do tác động của con người làm biến đổi lòng dẫn mạnh nhất; dòng chảy lũ, triều có ảnh hưởng nhưng thời gian tác động dài; giảm bùn cát từ thượng nguồn; tác động của sóng gió, sóng tàu thuyền (nhỏ) làm sạt lở mặt. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ra sạt lở bờ sông do tác động của con người làm hạ thấp lòng dẫn, dòng chảy lũ, triều và suy giảm bùn cát từ thượng nguồn, tác động của sóng gió, sóng tàu thuyền.
Tuyến sạt lở bờ kênh Rạch Giá - Long Xuyên, đoạn qua thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, An Giang. (Ảnh CTV).
Trước tình trạng sạt lở như trên, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu, các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp xử lý sự cố sạt lở; khảo sát, thiết kế công trình đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Trước mắt, các địa phương gia cố tạm thời các điểm sạt lở, cần thiết làm kè mềm ổn định bờ để người dân đi lại an toàn và hạn chế xe ô tô lưu thông, phân công lực lượng thường xuyên kiểm tra, canh gác, nắm tình hình diễn biến sạt lở, báo cáo kịp thời các sự cố; động viên nhân dân khắc phục khó khăn…
Tại Bến Tre bằng nhiều nguồn kinh phí của TW, địa phương, tỉnh đã và đang triển khai đầu tư 9 dự án xây dựng công trình khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài khoảng 8km. Đó là việc xây kè lát mái bê-tông cốt thép chắn sóng; kè ngầm giảm sóng gây bồi; kè mềm bằng túi Geotube giảm sóng gây bồi; kè tường đứng; kè mái nghiêng bằng rọ đá, bê-tông cốt thép.
Tuy nhiên, với nguồn kinh phí được phân bổ trong thời gian qua vẫn còn hạn chế nên chưa thể giải quyết được dứt điểm tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh. Hiện tại nhiều điểm sạt lở lớn đang cần nguồn kinh phí để đầu tư khắc phục.
Ông Khổng Minh Tặng, Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, địa phương ven biển có nhiều khu vực sạt lở đất chia sẻ, nguồn lực địa phương có hạn không thể giúp cho người dân gia cố, khắc phục, chống chọi với sóng biển. Thời gian qua, địa phương đã có kiến nghị tỉnh, tỉnh tác động các cơ quan TW để đầu tư, xây dựng như cái bờ kè hiện có để gìn giữ diện tích đất khu vực cồn này, ổn định đời sống nhân dân. Nếu như chúng ta không khắc phục được thì khả năng sẽ mất thêm đất.
Tỉnh Cà Mau đang khẩn cấp nâng cấp, sửa chữa 3 đoạn kè.
Ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ nhiều năm qua, ngành chức năng của tỉnh luôn duy trì thực hiện 2 giải pháp phòng, chống sạt lở là phi công trình và công trình.
Cụ thể, giải pháp phi công trình là thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về tác hại và các giải pháp phòng, tránh, xử lý sạt lở bờ sông, kinh, rạch; theo dõi diễn biến sạt lở; tổ chức cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc giảm thiệt hại, nhằm bố trí hợp lý các điểm dân cư, các công trình dân sinh, kinh tế; di dời dân ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở; sử dụng cây cỏ và các vật liệu tại chỗ để chắn sóng, chống xói lở bờ...
Thường xuyên kết hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn khai thác cát, xây dựng công trình, nhà cửa trái phép, sai phép làm ảnh hưởng hoặc gây sạt lở bờ sông, kinh, rạch.
Đối với giải pháp công trình, từ năm 2020 đến nay, được sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương, cùng với việc bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện đầu tư 10 tuyến kè bê tông cốt thép kiên cố (đang triển khai thực hiện 7 tuyến, chuẩn bị thực hiện 3 tuyến); gia cố, khắc phục sạt lở bằng giải pháp kè mềm tường rọ đá, kết hợp gia cố lòng sông, gia cố tạm bằng cừ tràm, cừ dừa với khoảng 200 điểm/tuyến sạt lở bờ bao. Tổng chiều dài kè kiên cố và bờ bao được khắc phục sạt lở khoảng 40.071m, kinh phí thực hiện 4.336 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây ký Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân trước và trong mùa mưa lũ. Công điện nêu: Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường, nắng nóng gay gắt kéo dài, mưa lớn cục bộ tại nhiều địa phương, sạt lở bờ sông, bờ biển liên tiếp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam Trung Bộ, sạt lở đất do mưa lớn xảy ra ở miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên đã gây thiệt hại lớn về người, nhà cửa, tài sản của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng. Từ đầu năm 2023 đến nay riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra 122 vụ sạt lở ảnh hưởng đến dân cư, công trình đê điều, giao thông, rừng ngập mặn; gần đây các vụ sạt lở đất tại Bắc Kạn, Lâm Đồng,… cũng đã gây thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản. Để chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai nói chung và sạt lở nói riêng. |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.