Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 1 tháng 5 năm 2022 | 13:52

Việt Nam-Nhật Bản đạt tiến triển mới trong hợp tác hạ tầng chiến lược

Sáng ngày 1/5, ngay sau khi tiến hành hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có cuộc gặp gỡ báo chí thông báo kết quả hội đàm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio nhất trí cao về các phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả", trong đó, đạt bước tiến triển mới trong hợp tác hạ tầng chiến lược của Việt Nam.

 

Việt Nam - Nhật Bản đạt tiến triển mới trong hợp tác hạ tầng chiến lược - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio nhất trí cao về các phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược bước vào giai đoạn phát triển mới. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Sáng ngày 1/5, ngay sau khi tiến hành hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có cuộc gặp gỡ báo chí thông báo kết quả hội đàm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Kishida Fumio thăm chính thức Việt Nam, thể hiện sự coi trọng của Nhật Bản trong quan hệ với Việt Nam cũng như tình cảm tốt đẹp mà Ngài Thủ tướng dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam.

Thủ tướng cho biết hai bên vừa có cuộc hội đàm rất hiệu quả, thực chất và thành công. Hai bên đánh giá những tiến triển tích cực trong việc triển khai các thỏa thuận cấp cao đạt được từ cuộc gặp gỡ giữa hai Thủ tướng tháng 11/2021 tại Tokyo, Nhật Bản; nhất trí cao về các phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á" bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả".

 

Việt Nam-Nhật Bản đạt tiến triển mới trong hợp tác hạ tầng chiến lược - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có cuộc gặp gỡ báo chí thông báo kết quả hội đàm. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ

Hai bên đã đã thống nhất Bản cập nhật tiến độ hợp tác, rà soát việc triển khai các thỏa thuận cấp cao với một số kết quả chính như sau.

Trước hết, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong giai đoạn mới thực chất, hiệu quả và sâu rộng hơn nữa; nhất trí tiếp tục triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường chất lượng, quy mô hợp tác; xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, chính trị, an ninh quốc - phòng và hợp tác trên các diễn đàn khu vực và quốc tế mà hai bên là thành viên.

Hai bên đạt bước tiến triển mới trong hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược của Việt Nam; nhất trí tiếp tục hợp tác đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông, như các tuyến đường sắt đô thị và các công trình hạ tầng giao thông chiến lược mới như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tăng cường kết nối Việt Nam và Lào và định hướng hợp tác phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

 

Việt Nam-Nhật Bản đạt tiến triển mới trong hợp tác hạ tầng chiến lược - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hai bên vừa có cuộc hội đàm rất hiệu quả, thực chất và thành công. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Hướng tới xuất khẩu nhãn tươi sang Nhật Bản vào tháng 9/2022

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế hậu COVID-19, tăng cường kết nối hai nền kinh tế và chuỗi sản xuất - cung ứng, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại, phát triển công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng...; ưu tiên triển khai các sáng kiến mới phù hợp với quan tâm và lợi ích chung của hai bên như "đối tác hợp tác đổi mới công nghệ", "tăng cường chuỗi cung ứng", "chuyển đổi số".

Hai bên đang nỗ lực hoàn thành giai đoạn thử nghiệm biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật trên quả nhãn tươi Việt Nam trong tháng 6/2022, hướng tới mục tiêu xuất khẩu quả nhãn tươi Việt Nam sang thị trường Nhật Bản vào tháng 9/2022.

Phía Nhật Bản cũng ghi nhận đề xuất của Việt Nam về việc tiếp tục mở cửa thị trường đối với các loại hoa quả khác của Việt Nam như bưởi, bơ, chôm chôm... Hai bên thống nhất thúc đẩy xuất khẩu quả nho của Nhật Bản sang thị trường Việt Nam.

Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ Việt Nam quyết tâm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Cũng nhân dịp này, hai Thủ tướng đã chứng kiến các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước trao đổi 22 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đây là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.

 

Việt Nam-Nhật Bản đạt tiến triển mới trong hợp tác hạ tầng chiến lược - Ảnh 5.

Việt Nam - Nhật Bản nhất trí đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế hậu COVID-19, tăng cường kết nối hai nền kinh tế và chuỗi sản xuất - cung ứng. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Tăng cường phối hợp duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực

Hai bên cũng trao đổi ý kiến thực chất về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như vấn đề Biển Đông, tình hình Ukraine và các thách thức an ninh phi truyền thống và các vấn đề khác.

Hai bên cam kết tăng cường phối hợp duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực; tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông; thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong các hoạt động trên biển, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Về tình hình Ukraine, hai bên khẳng định tôn trọng nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhất là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nước; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; kêu gọi các bên kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài.

Việt Nam đã bày tỏ quan điểm toàn diện về vấn đề nhân đạo tại Ukraine; sẵn sàng đóng góp tích cực cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo, tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán. Trên tinh thần đó, Việt Nam sẽ hỗ trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine thông qua các tổ chức nhân đạo quốc tế.

 

Việt Nam-Nhật Bản đạt tiến triển mới trong hợp tác hạ tầng chiến lược - Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hai bên nhất trí phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2023 xứng tầm quan hệ; mở ra một trang sử mới, nâng tầm cao quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Mở ra một trang sử mới, nâng tầm cao quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản

Hai bên nhất trí phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2023 xứng tầm quan hệ; tăng cường hợp tác địa phương, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, du lịch…, mở ra một trang sử mới, nâng tầm cao quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản.

Hai bên nhất trí cao tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cộng đồng gần 450.000 người Việt Nam tại Nhật Bản. Hai bên khẳng định sẽ hợp tác bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam.

"Mong hai bên phối hợp để cộng đồng này tiếp tục phát triển ổn định, có đóng góp lớn hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, góp phần là nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước báo giới.

 

Việt Nam-Nhật Bản đạt tiến triển mới trong hợp tác hạ tầng chiến lược - Ảnh 7.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio: "Tôi có mối lương duyên với Việt Nam". Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Thủ tướng Kishida Fumio: "Tôi có mối lương duyên với Việt Nam"

Thủ tướng Kishida Fumio trân trọng sự đón tiếp trang trọng, nồng ấm mà phía Việt Nam dành cho đoàn; bày tỏ hết sức vui mừng được tới thăm Việt Nam trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ khi đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật vào tháng 11/2021.

Thủ tướng cho biết, ông đã đảm nhiệm vai trò là thành viên Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt trong suốt hàng chục năm qua. "Tôi có mối lương duyên với Việt Nam", ông nói.

Nhất trí với các phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông cho biết thêm, hai bên đã thảo luận các biện pháp hợp tác để thúc đẩy hợp tác giai đoạn hậu COVID-19 thực chất hơn nữa. Trong đó, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi số và hợp tác công nghệ trong khuôn khổ sáng kiến tương lai châu Á của Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật cũng cho biết hai bên sẽ nỗ lực sớm hoàn thành dự án đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh; hợp tác nâng cao kỹ năng của các thực tập sinh Việt Nam tại Nhật; Nhật Bản hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, thúc đẩy dự án vệ tinh quan sát Trái Đất của Việt Nam với độ phân giải cao; tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, bảo đảm an ninh mạng…

"Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mở ra vận hội mới cho quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam–Nhật Bản", Thủ tướng Nhật Bản cho biết.

 

Việt Nam-Nhật Bản đạt tiến triển mới trong hợp tác hạ tầng chiến lược - Ảnh 8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chứng kiến Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trao đổi Bản ghi nhớ về chuyển đổi số. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Trao đổi 21 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực

Cũng tại đây, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước trao đổi 21 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực; minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. 

Trong đó có các thỏa thuận hợp tác như: Công hàm trao đổi cho khoản vay lần 2 Dự án Phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất; Bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam về chuyển đổi số; Biên bản hợp tác ngăn ngừa gián đoạn chuỗi cung ứng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Phụ lục hợp đồng số 19 Hợp đồng tư vấn chung thuộc dự án Xây dựng đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1; Bản ghi nhớ giữa Cục Đầu tư ngước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản về tăng cường hợp tác nhằm thu hút các dự án đầu tư thế hệ mới của Nhật Bản tại Việt Nam; Tập đoàn Sovico với Tập đoàn Marubeni Corporation và TJERA Co., Inc về phát triển hạ tầng, giải pháp đô thị sáng tạo và giá cơ hội cung cấp khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) cho các dự án điện LNG.../.

 

 

 

Chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top